A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài 3: Nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch

QPTĐ-Bên cạnh những danh lam, thắng cảnh được thiên nhiên ưu đãi, Hòa Bình còn nổi tiếng là vùng đất có bề dày lịch sử, đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc. Đây cũng chính là một nét độc đáo, thu hút khách du lịch đến với địa phương để được tìm hiểu và trải nghiệm. Nắm bắt được cơ hội đó, trong thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, kết hợp khai thác văn hoá trong du lịch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Phát huy tinh thần quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở

Hiện nay, Hoà Bình đang có 786 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó: Tiếng nói, chữ viết là 10; ngữ văn dân gian là 154; nghệ thuật trình diễn dân gian là 171; tập quán xã hội là 113; nghề thủ công truyền thống là 26; tri thức dân gian là 268. Di sản văn hóa vật thể tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình đang lưu giữ 18.003 hiện vật. Trên địa bàn tỉnh còn có 105 di tích lịch sử, di tích văn hóa được xếp hạng (41 di tích cấp quốc gia, 64 di tích cấp tỉnh) và gần 300 di tích chưa xếp hạng. Cùng với đó, mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đều có những bản sắc riêng biệt, di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ được khá đa dạng và phong phú. Những năm qua, từ chủ trương gắn kết chặt chẽ các chương trình, kế hoạch giữa bảo tồn văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch bền vững, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc đã có những thành tựu đáng kể. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình cho biết: Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức vào năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; tập trung quy hoạch văn hóa gắn với phát triển du lịch với các đề án, dự án phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của những người làm công tác  bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng như kịp thời động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực và sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

 

 Được biết, trong thời gian qua, tỉnh quan tâm, tổ chức, khôi phục và phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc như: Lễ hội chùa Tiên, Lễ hội Khai hạ Mường Bi, Lễ hội đền Bờ, Lễ hội Xên Mường... Xây dựng một số làng văn hóa truyền thống, mang đậm nét văn hóa của dân tộc thiểu số trên địa bàn như: Làng Mường cổ (xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc); làng du lịch cộng đồng tại bản Ngòi (huyện Tân Lạc)… Các lễ hội truyền thống, giá trị phi vật thể, phong tục tập quán của các dân tộc được phục hồi, phát triển và ngày càng được nhiều người biết đến, trở nên gần gũi với công chúng trong nước và quốc tế.

Chợ phiên, một nét văn hóa độc đáo của bà con dân tộc thiểu số.

Tinh thần quyết liệt về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa không chỉ được thể hiện ở cấp tỉnh mà còn lan tỏa đến các huyện trên địa bàn. Đơn cử như huyện Mai Châu, trong thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin tham mưu cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Huyện đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 19/9/2019 về thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị trang phục dân tộc truyền thống trên địa bàn huyện Mai Châu; Nghị quyết số 15-NQ/HU ngày 10/01/2020 về bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Mai Châu, giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Mai Châu… Đồng thời chủ động và tập trung triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng về công tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu cho biết: Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc của huyện đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc được quan tâm, triển khai thực hiện, tiêu biểu như Nghệ thuật múa Keng Loóng của dân tộc Thái (Mai Châu), giữ gìn và phát huy nhà sàn truyền thống và văn hóa nhà sàn của đồng báo Thái, Mường (Mai Châu). Qua đó đã đánh giá đúng thực trạng của di sản văn hóa các dân tộc và đưa ra những định hướng, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn huyện.

  Chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa

Đến thăm bảo tàng tư nhân Di sản văn hóa Mường của Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình, nơi đang trưng bày 6.000 hiện vật các thời nhà Lý, nhà Trần cho đến nay cùng các tài liệu, di chỉ liên quan đến phong tục, đời sống, sinh hoạt của người Mường. Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng tư nhân Di sản văn hóa Mường cho biết: Ý thức được trách nhiệm của bản thân khi chứng kiến những nét văn hóa của dân tộc ngày càng bị mai một theo thời gian, ngay từ năm 1985, tôi đã chủ động sưu tầm, lưu giữ lại hiện vật, tư liệu liên quan đến văn hóa, phong tục của người Mường. Đến năm 2014, bảo tàng chính thức mở cửa đón du khách. Sau một thời gian đi vào hoạt động, bảo tàng đã góp phần lan tỏa văn hóa người Mường đến với bạn bè trong và ngoài nước, tạo được điểm nhấn trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.

Bên cạnh việc mở bảo tàng phục vụ du khách 4 phương, trong thời gian qua, Nghệ nhân Bùi Thanh Bình còn tích cực tham gia công tác quảng bá, truyền dạy văn hóa chiêng Mường. Học trò đến với ông đa dạng về thành phần, lứa tuổi, từ trung niên cho đến thiếu niên, học sinh nhi đồng. Lặn lội từ xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) đến bảo tàng để được truyền dạy về văn hóa chiêng Mường, chị Lương Thị Tuyết cho biết: Văn hóa chiêng Mường luôn là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người Mường chúng tôi, tuy nhiên do thời gian cộng với sự tác động của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa, nét văn hóa này đang bị mai một. Cho nên, tôi và một số chị em trong xã đã không quản ngại đường xa, đến đây để có thể tiếp thu những gì tinh túy, chính thống nhất của văn hóa chiêng Mường; để khi trở về địa phương sẽ hướng dẫn lại cho mọi người, góp phần lưu giữ và bảo tồn những nét đặc trưng của văn hóa người Mường.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình giới thiệu văn hóa Mường cho du khách tham quan bảo tàng.

Điểm nổi bật trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của tỉnh Hòa Bình đó là việc đã làm tốt công tác tuyên truyền, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hàng năm, tỉnh đã thực hiện được gần 50 lớp truyền dạy nghệ thuật dân gian; hàng trăm lớp dạy chữ các dân tộc Mường, Thái, Dao, Mông. Điều này đã khẳng định, nhân dân tỉnh Hòa Bình luôn tự hào về những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc mình nên đã có ý thức đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy.

Những nỗ lực trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của tỉnh Hòa Bình đã tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, kết hợp giữa thăm quan, tìm hiểu và trải nghiệm nhiều nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc các tộc thiểu số. Đây chính là yếu tố quan trọng cần tập trung triển khai thực hiện để từ đó góp phần thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh ngày càng phát triển.

Phạm Luân

 

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ