A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tỉnh Hòa Bình Tạo nền tảng vững chắc để phát triển du lịch-Bài 1

Bài 1: Tập trung định hướng, xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Là “cửa ngõ Tây Bắc” của Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hòa Bình được thiên nhiên ưu đãi với phong cảnh “sơn thủy hữu tình”, sự đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc, sản vật phong phú… Chính vì vậy, đây luôn là địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt là đối với những người ưa thích khám phá và trải nghiệm. Xác định được những ưu thế đó, trong thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã tập trung triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, phát huy tối đa khả năng khai thác với mục đích biến nơi đây thành điểm vàng trong bản đồ du lịch của Việt Nam.

QPTĐ-Với thế mạnh được thiên nhiên ưu đãi cùng sự đa dạng về văn hóa bản sắc dân tộc, tỉnh Hòa Bình đang có những bước đi đúng đắn để xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Phát triển có trọng tâm, trọng điểm

Cùng với các danh lam, thắng cảnh được thiên nhiên ưu đãi như: Núi đầu Rồng (Cao Phong); quần thể hang động Chùa Tiên (Lạc Thủy); động Ngòi Hoa, Nam Sơn (Tân Lạc); khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh (Đà Bắc); Thượng Tiến (Kim Bôi)…và đặc biệt là Hồ Hòa Bình, nơi có nhiều đảo lớn, nhỏ tạo không gian hấp dẫn với phong cảnh sơn thủy hữu tình và những loài động vật, thực vật quý cần được bảo tồn, Hòa Bình còn là vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh đều có những nét riêng biệt, tạo nên sự đa dạng về văn hóa và sức hấp dẫn riêng cho Hoà Bình.

Để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và cũng là nhiệm vụ trọng tâm, trong Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu tỉnh lần thứ XVII, Chương trình hành động số 01- CT/TU ngày ngày 23/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh Hòa Bình, tỉnh đã xác định một số nội dung trọng tâm cần thực hiện như: Xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn nhất của khu vực trung du và miền núi phía Bắc; tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện, cạnh tranh văn minh, bình đẳng; phát triển du lịch chuyển từ “số lượng” sang “chất lượng”, có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng chủ động hội nhập, nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp, đảm bảo sản phẩm du lịch có thương hiệu và tính cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường mục tiêu; phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng- an ninh, trật tự an toàn xã hội…

Thác Thung (xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc) một địa điểm du lịch cho những người thích khám phá.

Thực tế cho thấy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành công nghiệp không khói của tỉnh Hòa Bình đã có những bước khởi sắc đáng kể. Sau 15 năm quay trở lại huyện Mai Châu, một trong những địa phương nổi tiếng về du lịch của tỉnh Hòa Bình, chúng tôi đã cảm nhận thấy một sự “thay da, đổi thịt” thần tốc. Hiện tại, huyện đã có 8 điểm du lịch cộng đồng gồm: Bản Lác (xã Chiềng Châu; bản Bước (xã Xăm Khòe); bản Văn, bản Pom Coọng (thị trấn Mai Châu); bản Hịch (xã Mai Hịch); bản Pà Cò (xã Pà Cò); bản Hang Kia (xã Hang Kia); bản Nhót (xã Nà Phòn) cùng các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Avana Resort, Mai Châu Ecolodge, Ba Khan village Resort… và nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 đến 3 sao, cơ sở nhà nghỉ, nhà nghỉ cộng đồng trên địa bàn. Nhờ đó đã tạo nên những sản phẩm du lịch có chất lượng tốt, độc đáo, thu hút đa dạng đối tượng khách du lịch, đồng thời cũng giúp cho cảnh quan môi trường ngày càng trở nên khang trang, sạch đẹp, đời sống nhân dân địa phương được nâng lên về mọi mặt. Không chỉ có huyện Mai Châu, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng đã dần phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của mình để hình thành những khu thăm quan, du lịch, nghỉ dưỡng, góp phần tạo nên bản đồ du lịch đa màu sắc, nhiều lựa chọn khi du khách đến với Hòa Bình.

Tạo sức hút cho nhà đầu tư và khách du lịch

Tuy đã có sự phát triển ấn tượng, song theo đánh giá của UBND tỉnh, Hòa Bình vẫn chưa thu hút được các tập đoàn du lịch có thương hiệu lớn để đầu tư các khu nghỉ dưỡng cao cấp với dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao cũng như là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Do đó, trong thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã có hoạt động tích cực trong quảng bá xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực để xây dựng những sản phẩm, loại hình du lịch phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Cụ thể, tỉnh đã tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư về du lịch; tổ chức Chương trình quảng bá văn hóa - du lịch Hòa Bình tại Hà Nội với sự tham gia của 10 huyện, thành phố trong tỉnh; Chương trình nghệ thuật “Hoà Bình - thanh âm xứ Mường” và Carnival năm 2022 để tôn vinh di sản văn hoá và quảng bá du lịch Hoà Bình… Cùng với đó, tỉnh cũng đã  đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; nâng cao hiệu quả công tác quảng bá du lịch và số hóa của Cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh và Trang Web quảng bá du lịch của Khu du lịch hồ Hòa Bình… đồng thời thực hiện hiệu quả Chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh; Chương trình Liên kết phát triển du lịch với Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc.

Đội văn nghệ của xã Mai Hịch phục vụ du khách.

Trao đổi với chúng tôi, Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết: Tỉnh Hòa Bình có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch, tuy nhiên việc khai thác vẫn còn ở mức hạn chế, nhỏ lẻ, chưa tận dụng tối đa tiềm năng để phát triển. Do đó, trong thời gian qua, Hiệp hội đã tích cực phát huy vai trò trong việc giới thiệu, quảng bá cũng như là cầu nối để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, hình thành các cụm, chuỗi thăm quan, nghỉ dưỡng với quy mô lớn, từng bước nâng tầm, phát triển ngành du lịch của tỉnh nhà. Ngoài ra, chúng tôi cũng chủ động phối hợp, giao lưu với các Hiệp hội du lịch của các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt dọc Quốc lộ 6 để chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác, xây dựng các tour du lịch liên kết, góp phần tăng lượng khách thăm quan, du lịch đến với tỉnh Hòa Bình.

Năm 2022, theo báo cáo, tỉnh Hòa Bình đã đón trên 3,5 triệu lượt khách du lịch; tuy nhiên với sự quan tâm, đầu tư đúng hướng, mục tiêu năm 2025 sẽ đón 5 triệu lượt khách du lịch đến với tỉnh là hoàn toàn khả thi.

Phạm Luân

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ