A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung giải pháp chống dịch và lấy lại đà tăng trưởng

 

QPTĐ-Tháng 8, đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; nhiều tỉnh, thành trong cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, điều đó đã ảnh hưởng lớn đến nhiều hoạt động kinh tế-xã hội,  đời sống người dân, nhất là người lao động tự do, lao động trong các khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn.

8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020. (Ảnh: Internet)

Kinh tế ảnh hưởng nặng nề

Tháng 8 năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Biến chủng mới của vi rút SARS-CoV2 đã làm dịch bệnh bùng phát mạnh, nhanh, trên diện rộng, khó kiểm soát. Đặc biệt, dịch đã xâm nhập sâu vào một số khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, qua đó ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến hết ngày 31/8, cả nước ghi nhận 457.883 ca nhiễm Covid-19, trong đó, riêng trong tháng 8 ghi nhận hơn 350 nghìn ca. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hà Nội và  nhiều tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong toàn bộ thời gian tháng 8. Điều đó đã tác động lớn đến các hoạt động kinh tế-xã hội. 

Trong bối cảnh đó, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, kịp thời về công tác phòng chống dịch bệnh; chỉ đạo đề ra các chính sách, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cân bằng cán cân thương mại và bảo đảm đời sống của nhân dân, tuy nhiên diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã tác động lớn tới nền kinh tế. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 8 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển. Các địa phương trên cả nước tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa mùa; thu hoạch lúa, hoa màu vụ hè thu đồng thời xuống giống lúa vụ thu đông. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất-chế biến-tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Sản xuất công nghiệp trong tháng 8 chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,6% so với 8 tháng năm 2020, mặc dù cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,7%), đóng góp 5,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có 24 nghìn doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân sách Nhà nước tháng 8 giảm 7,1% so với tháng 7, giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số dự án đầu tư nước ngoài tính đến 20/8/2021 đăng ký cấp mới giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng số vốn đăng ký tăng 16,3%. Vốn đăng ký cấp mới bình quân 1 dự án trong 8 tháng năm 2021 đạt 10 triệu USD/dự án.
Dịch Covid-19 tiếp tục có tác động lớn tới các ngành dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải, hàng không… Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,7%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 53,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với tháng trước. 

Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính vẫn đạt ở mức cao, đạt 428,81 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại 8 tháng năm 2021 ước tính nhập siêu 3,71 tỷ USD.

Quyết liệt các giải pháp chống dịch

Dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống nhân dân và hoạt động của doanh nghiệp. Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài các gói hỗ trợ của Chính phủ, nhiều tỉnh, thành phố cũng đã sử dụng một phần kinh phí ngân sách địa phương để hỗ trợ các nhóm yếu thế, người lao động... do vậy, đời sống của người dân cơ bản ổn định. Trong thời gian tới, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó kiểm soát, nhất là tại các khu công nghiệp, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế-xã hội, nhất là tại các trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải, hàng không… tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề. Việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch là nhiệm vụ rất khó khăn. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương trong tháng 9 và những tháng tiếp theo là tiếp tục đề cao trách nhiệm, bám sát tình hình, chủ động, quyết liệt, hành động thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là tập trung phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt, hiệu quả, thực chất hơn, thực hiện nghiêm các quy định đã đề ra, tổng kết, hoàn thiện, bổ sung các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Tiếp tục có chính sách để kịp thời, cụ thể, thiết thực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đề ra các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm cung ứng, phân phối và lưu thông hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu tại các địa phương có dịch. Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội…

Phương Linh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ