A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỳ vọng sức bật trong phục hồi du lịch năm 2022

QPTĐ-Ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, tạo sinh kế cho hàng triệu người, đã chịu thiệt hại nặng nề do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngày 29/1/2022, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Y tế quyết định việc mở lại các hoạt động đón khách, chậm nhất vào dịp 30/4/2022. Thủ tướng nêu rõ, tinh thần mở cửa là không ồ ạt, có tổ chức, lộ trình, an toàn. Hiện tại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất với Chính phủ lộ trình mở cửa du lịch quốc tế, trong đó từ nay đến 30/3/2022, tiếp tục thí điểm đón khách, mở rộng diện khách, phạm vi đón. Địa phương đã phủ xong mũi ba hoặc vùng xanh được đón khách.

Khu du lịch Tràng An-Bái Đính, Ninh Bình thu hút được nhiều du khách trong nước và quốc tế. (Ảnh: Internet.)

Khách đến Việt Nam phải tiêm đủ liều vaccine hoặc từng là F0 khỏi bệnh; xét nghiệm PCR âm tính trong 72h; mua bảo hiểm y tế có nội dung chi trả điều trị Covid-19 ở mức tối thiểu 50.000 USD. Trẻ em và người chưa tiêm đủ liều sẽ có quy định riêng. Các doanh nghiệp đủ điều kiện đều được tham gia đón khách tại tất cả các cửa khẩu. Khách du lịch khi đến Việt Nam cần xét nghiệm tại khách sạn, sau đó có thể đến các nơi đã mở cửa, không phân biệt khách nội địa với khách quốc tế; không hạn chế thời gian đi du lịch. Từ 31/3/2022, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn để đón khách du lịch quốc tế và đưa khách trong nước đi du lịch nước ngoài qua tất cả các cửa khẩu quốc tế.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, cuối tháng 3/2022 là thời điểm thích hợp để mở cửa du lịch quốc tế. Bởi dự kiến đến thời điểm này, Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm mũi ba cho tất cả dân số trưởng thành, đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Nếu mở cửa chậm hơn sẽ làm giảm sức hấp dẫn, thu hút khách quốc tế trong khi nhiều nước trong khu vực cũng đang có kế hoạch khôi phục ngành du lịch. Thời gian từ nay đến cuối tháng 3/2022, các đơn vị có đủ thời gian để điều chỉnh quy định và ban hành hướng dẫn triển khai. Các doanh nghiệp cũng kịp hoàn thiện và làm kế hoạch truyền thông, quảng bá, kết nối thị trường, chuẩn bị đón khách. Tháng 5/2022, Việt Nam sẽ đăng cai SEA Games 31, nên việc công bố mở cửa du lịch sẽ góp phần gia tăng sức hút với du khách.

Dấu hiệu phục hồi khả quan ban đầu

Việt Nam đã chuyển sang chủ trương thích ứng an toàn Covid-19, chấp nhận có ca nhiễm cộng đồng. Đến nay, cả nước đã phủ vaccine mũi một cho tất cả dân số trưởng thành; 96% dân số được tiêm đủ liều; 22% tiêm mũi ba. 95% trẻ trừ 12-17 tuổi tiêm mũi một; 86% đã tiêm đủ liều. Theo PGS Trần Đắc Phu, "Thực tiễn thời gian qua cho thấy nhiều hoạt động đã được nới lỏng và Việt Nam vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh. Như vậy, chúng ta vừa có cơ sở lý luận, vừa có cơ sở thực tiễn để tiếp tục mở cửa. Việt Nam nên tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cảnh hơn nữa, bởi nhiều người ở nước ngoài đã tiêm vaccine; nới lỏng chính sách nhập cảnh sẽ kích thích du lịch phát triển”.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong 9 ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các địa phương trên cả nước đón khoảng 6,2 triệu lượt khách, trong đó có gần 500 khách quốc tế đã đến Việt Nam theo chương trình “hộ chiếu vaccine”. Lượng khách du lịch nội địa đã vượt xa số du khách cả tháng 12/2021 với 5,2 triệu lượt khách và không kém nhiều lượng khách nội địa trong tháng 1/2020 với 7,3 triệu lượt khách-thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhờ đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý IV/2021 đạt 42.700 lượt người, tăng 62,7% so với quý III/2021. Khách quốc tế chủ yếu từ Nga, Hàn Quốc, Singapore, Anh và Mỹ, đảm bảo về mặt y tế, an toàn dịch bệnh.

Giải pháp sản phẩm du lịch mới

Để kịp thời khắc phục khó khăn và chuyển mình sau thời gian dài “ngủ Đông”, các chuyên gia kỳ vọng năm 2022 toàn ngành Du lịch sẽ chủ động tận dụng mọi cơ hội, tiềm năng trong giai đoạn bình thường mới để tạo sức bật phục hồi mạnh mẽ.

Chủ tịch Hội lữ hành Quảng Bình, ông Trần Xuân Cương cho rằng, cần xác định những sản phẩm du lịch mang tính chiến lược và cốt lõi giai đoạn này để bứt phá. Theo ông Cương, các doanh nghiệp nên đầu tư khai thác du lịch nghỉ dưỡng cho gia đình hoặc nhóm nhỏ, trong đó tập trung du lịch biển gắn liền với những điểm nghỉ dưỡng đẳng cấp ven biển, phù hợp để triển khai các tour khép kín; du lịch mạo hiểm.

Trong khi đó, các chuyên gia Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đề xuất doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu xây dựng những sản phẩm ngách như: Du lịch cho người lớn tuổi, du lịch golf, du lịch kết hợp chữa bệnh, du lịch thể thao… nhằm tạo sản phẩm phù hợp nhất cho từng phân khúc thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, khi yếu tố an toàn trở thành tiêu chí hàng đầu của du lịch, xu hướng “du lịch không chạm” lên ngôi cũng là lúc chuyển đổi số trở thành đòi hỏi bức thiết của toàn ngành.

Song để tạo tác động mạnh mẽ, du lịch Việt cần những chính sách hỗ trợ mang tính đồng bộ, thiết thực hơn từ Chính phủ. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Võ Thành Thống cho hay, Bộ đang chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19 nhằm tạo sức bật cho nền kinh tế, góp phần phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025; dự kiến có nhiều nhóm giải pháp, chính sách liên quan đến lĩnh vực du lịch.

Với sự quan tâm, hỗ trợ và đồng hành của Chính phủ, ngành Du lịch được quyền hy vọng vào một năm 2022 có thể tạo sức bật phục hồi mạnh mẽ. Dù đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, con đường phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhưng với những giải pháp linh hoạt và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, tin tưởng du lịch Việt sẽ bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ