A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội tập trung đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông

QPTĐ-Thời gian qua, Hà Nội đã từng bước đưa vào khai thác, vận hành hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông đô thị quan trọng; góp phần tăng khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông, giải tỏa bức xúc dân sinh, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế. Cụ thể là tập trung đầu tư hệ thống cầu vượt sông Hồng, sông Đuống, phấn đấu trong giai đoạn 2021- 2025 sẽ hoàn thành cầu Vĩnh Tuy-giai đoạn 2; khởi công 5 cầu, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư 2 cầu. Hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thiện các trục giao thông kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. 

Hà Nội tập trung đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông đô thị. 
 Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Sở Giao thông-Vận tải đã phối hợp giải quyết kiến nghị điều chỉnh, tổ chức giao thông của UBND các quận, huyện, thị xã, giải quyết được 153/202 đề xuất; phối hợp giải quyết kiến nghị của Công an Hà Nội, với tổng số 172 kiến nghị. Hà Nội cũng đã xử lý 8/35 điểm đen, điểm ùn tắc giao thông. Cùng với đó, lực lượng chức năng cũng đã và đang xử lý 26 điểm đen về tai nạn giao thông.

Mặc dù có chuyển biến nhưng các chỉ số và tỷ lệ đất dành cho giao thông trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa đạt theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cùng với đó tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn ra phức tạp, số điểm ùn tắc giao thông giờ cao điểm còn nhiều và vẫn phát sinh số điểm ùn tắc mới. 

Để khắc phục vấn đề này, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 195/KH-UBND về việc thực hiện khắc phục hạn chế, khuyết điểm liên quan đến "Hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; tình trạng ùn tắc giao thông còn xảy ra ở một số nơi.

Kế hoạch nhằm huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, áp dụng các thành tựu khoa học-công nghệ tiên tiến nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông tiến tới xây dựng Thủ đô có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện môi trường.

Hà Nội đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể, đó là: Phấn đấu tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị tăng từ 0,25-0,3%; phấn đấu hàng năm giảm từ 5% đến 10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, phấn đấu không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Vận tải hành khách công cộng đảm bảo chất lượng, phục vụ hiệu quả, phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng năm 2023 đạt 21,5-23%. 

Hằng năm, các cơ quan chức năng xử lý từ 8 điểm đến 10 điểm thường xuyên ùn, tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Hà Nội đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trên địa bàn Thành phố; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn; nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và cứu hộ, cứu nạn; tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.

Minh Đức


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ