A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy thanh toán điện tử thời đại dịch Covid-19

 

QPTĐ-Cơ hội phát triển dịch vụ Mobile Money (Tiền di động) tại Việt Nam là rất lớn với thị trường gần 125 triệu thuê bao di động.  Việc phát triển Mobile Money sẽ cung cấp cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng, đối tượng người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện. Từ đó, góp phần làm tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ.

Triển khai Mobile Money tăng tiện ích thanh toán cho người dân. (Ảnh: Internet)

Xu hướng tất yếu thanh toán điện tử

Thanh toán điện tử đang là xu hướng mới trong mua sắm hiện nay trên toàn thế giới và cả Việt Nam. Phương thức thanh toán này được dự báo sẽ thay thế hình thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt. Trong những năm gần đây, người tiêu dùng mua sắm trong các siêu thị, trung tâm thương mại có xu hướng chuyển đổi từ việc thanh toán truyền thống sang thanh toán điện tử. Ngành thương mại điện tử phát triển, đồng nghĩa với việc kéo theo sự phát triển của thanh toán điện tử vì 90% sản phẩm mua trên các sàn điện tử được thanh toán online thông qua thẻ ngân hàng.

Phương thức thanh toán điện tử sau bao gồm sử dụng thẻ ngân hàng, cổng thanh toán, ví điện tử, điện thoại thông minh. Thanh toán bằng “Thẻ ngân hàng” là hình thức thanh toán điện tử đầu tiên và đặc trưng nhất trong thị trường thanh toán điện tử. Tỷ lệ thanh toán bằng hình thức này lên đến 90% trong tổng tỷ lệ thanh toán điện tử. Với phương thức thanh toán bằng thẻ này, người dùng có thể dễ dàng thanh toán bằng cách quẹt thẻ tại chỗ hoặc thanh toán online thông qua thẻ khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Thanh toán bằng “Cổng thanh toán” phần lớn thường xuất hiện ở các trang thương mại điện tử, hình thức hoạt động của thanh toán này rất đơn giản, giúp chuyển tiền từ tài khoản người mua thành một đơn vị tiền ảo trên internet nhưng không thay đổi thuộc tính và giá trị tiền. Vì thế người mua hàng vẫn có thể sử dụng tiền đó phục vụ mua sắm bình thường. Để có thể sử dụng hình thức thanh toán này, người tiêu dùng cần phải tạo một tài khoản, trong đó được điền đầy đủ thông tin đã được xác thực. Điểm mạnh của hình thức thanh toán điện tử này là tính chất bảo mật cao, một số cổng thanh toán nổi tiếng hiện nay như: Payoo, vnpay, vtcpay, kaokim.vn… đều có tính bảo mật cao và có lượng người dùng lớn.

Thanh toán bằng “Ví điện tử” là hình thức thanh toán khá tiện dụng và rất phổ biến trong giới trẻ ngày ngay. Ví điện tử không chỉ được sử dụng trong các trung tâm thương mại lớn, sàn giao dịch điện tử mà còn sử dụng được đối với bất kỳ nhà hàng, quán nước, shop đồ nào có ký hợp đồng liên kết với ví điện tử. Điều kiện tiên quyết khi muốn sử dụng ví điện tử là bạn phải có thẻ ngân hàng có liên kết với ví điện tử. Với hình thức thanh toán bằng ví điện tử như thế này, người tiêu dùng có thể dễ dàng thanh toán bằng cách quét mã QR của shop và nhập đúng số tiền cần thanh toán là có thể hoàn tất việc mua hàng hay sản phẩm. Những ví điện tử nổi tiếng hiện nay gồm: Momo, Smartpay, Payoo, Airpay.
Thanh toán bằng “Điện thoại thông minh” là hình thức thanh toán bằng 

phương thức chuyển khoản từ tài khoản ngân hàng này qua tài khoản ngân hàng khác bằng điện thoại di động. Nói đơn giản nghĩa là bạn dùng Mobile Banking của ngân hàng để chuyển khoản hoặc quẹt mã khi thanh toán. Không phổ biến như ví điện tử, các nhà hàng thường ít liên kết thẳng với ngân hàng mà thường thông qua các loại Ví điện tử hơn. Chính vì thế, người dùng chủ yếu dùng Smartphone để thanh toán chuyển khoản là đa số.

Thanh toán điện tử qua Mobile Money

Ngày 9/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ này. Kết quả thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money sẽ là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.

Về cơ bản, Mobile Money hướng đến đối tượng khách hàng là người dân miền núi, vùng sâu vùng xa, các vùng nông thôn, chưa có tài khoản ngân hàng cũng như điều kiện sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại. Do đó, Mobile Money nếu được quản lý tốt sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế và các đối tượng tham gia. 
Thị trường có thêm các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, Mobile Money được phát triển dựa trên tận dụng hạ tầng viễn thông nên sẽ giảm các chi phí xã hội để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Các doanh nghiệp viễn thông triển khai dịch vụ Mobile Money sẽ phát triển và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và đối tượng khách hàng, ngoài các dịch vụ viễn thông truyền thống, nhờ đó, mở rộng thị trường, tăng doanh thu và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Mobile Money cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng một kênh giao dịch nhanh chóng và thuận tiện, sử dụng 24/7, thanh toán mọi lúc, mọi nơi với thiết bị di động. Khách hàng mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money không đòi hỏi phải có tài khoản ngân hàng. Khách hàng cần có SIM thuê bao di động được định danh, xác thực theo quy định của pháp luật. Để hạn chế rủi ro trong giai đoạn thí điểm và phù hợp với giao dịch giá trị nhỏ, hạn mức giao dịch của Mobile Money là 10 triệu đồng/tháng.

Tập đoàn Viettel cho biết đã triển khai thử nghiệm thành công Mobile Money cho 40.000 khách hàng nội bộ, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng Viettel ngay khi được cấp phép. Với mạng lưới viễn thông phủ sóng toàn quốc, Viettel khẳng định có đủ năng lực đưa Mobile Money tiếp cận đến cấp xã, phường tại các địa phương.

Dịch vụ Mobile Money của Viettel sẽ thúc đẩy thanh toán không tiền mặt mà không cần đến các hình thức ví hay tài khoản ngân hàng-điều mà người dân tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo gặp trở ngại. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ này để thực hiện các giao dịch tài chính một cách dễ dàng bằng cả thiết bị thông minh hoặc điện thoại 2G dù không có tài khoản ngân hàng.

Trong khi đó, MobiFone vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, nên nhà mạng này cũng đủ điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam.

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ