A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế trang trại

 

QPTĐ-Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, năm 2011 Thành phố có 1.124 trang trại. Đến năm 2019, Hà Nội có 3.150 trang trại, tăng 2.026 trang trại so với năm 2011. Trong đó, có tới 2.700 trang trại chăn nuôi, 193 trang trại tổng hợp, 218 trang trại nuôi trồng thủy sản, 38 trang trại trồng trọt, 1 trang trại lâm nghiệp… Có thể khẳng định số lượng và chất lượng trang trại trên địa bàn Thành phố phát triển rõ nét. Tổng vốn đầu tư trung bình của 1 trang trại là 2 tỷ đồng. Có những trang trại đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Diện tích trung bình của một trang trại là 1,5ha. Thu nhập bình quân của mỗi một trang trại đạt 2.2 tỷ đồng/năm.

Mô hình nuôi bò lai F1 tại xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, Hà Nội đạt hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Internet)

Kinh tế trang trại được xác định là mũi nhọn trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, góp phần tạo việc làm ổn định với thu nhập khá cho nhiều lao động nông thôn; góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đáng nói hơn nữa là kinh tế trang trại đã làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế của một bộ phận nông dân, giúp chủ động và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học-công nghệ, mở rộng thị trường… từ đó hình thành một lực lượng lao động mới năng động hơn.

Đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển mô hình kinh tế trang trại phù hợp với đặc điểm của từng vùng, miền. Nhờ vậy mà các mô hình kinh tế trang trại của Hà Nội tăng nhanh về số lượng với nhiều thành phần kinh tế. Đáng kể là thời gian sử dụng đất để phát triển kinh tế trang trại được quy định tối thiểu là 20 năm (kể từ ngày được phê duyệt hoặc phê duyệt lại) giúp việc khai thác và sử dụng hiệu quả đất đai để phát triển sản xuất theo hướng chuyên canh, tỷ suất hàng hóa cao. Việc hình thành các mô hình trang trại cũng góp phần sử dụng ít đất, sử dụng nhiều lao động, có tính thâm canh cao gắn với chế biến, thương mại và dịch vụ, làm ra hàng hóa nông sản có giá trị kinh tế lớn. 

Hằng năm, các ngành có liên quan phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, bảo quản chế biến và cung cấp thông tin thị trường, đào tạo quản lý từ chương trình khuyến nông, chương trình đào tạo nghề cho các chủ trang trại ứng dụng vào quá trình sản xuất. Các chính sách về thuế, đầu tư, tín dụng, lao động, khoa học, công nghệ, môi trường, chính sách về thị trường… đi vào cuộc sống, tạo điều kiện giúp các trang trại ổn định phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng nông sản hàng hóa. Nhiều trang trại đã sản xuất và cung ứng giống tốt, làm dịch vụ, kỹ thuật, tiêu thụ sản xuất cho nông dân, tạo nguồn cung ổn định cho các cơ sở chế biến, tạo thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao để phục vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố và xuất khẩu.

Thời gian tới, để kinh tế trang trại tạo được sức mạnh, khẳng định ưu thế trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần rà soát lại quỹ đất để phát triển kinh tế trang trại. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giao đất, cho thuê đất, có chính sách giao đất ổn định lâu dài cho các trang trại, thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi xác nhận đối với trang trại đủ tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chủ trang trại yên tâm đầu tư phát triển sản xuất-kinh doanh. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống thuỷ lợi, giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước, cơ sở công nghiệp chế biến, cơ sở sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi… bảo đảm đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển sản xuất của trang trại. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về ưu đãi vốn vay cho phát triển kinh tế trang trại. Về thủ tục vay vốn cần đơn giản, hợp lý, có sự ưu tiên thời gian vay dài hạn mức lãi suất thấp, có thể tín chấp bằng công trình đầu tư trên đất hoặc bằng dự án, phương án sản xuất-kinh doanh của trang trại. Cũng cần tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là đối với các trang trại chăn nuôi theo hướng tập trung, tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao…

HOÀNG HƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ