A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng và phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam

QPTĐ- Việt Nam được đánh giá có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh, tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo số liệu thống kê vào tháng 2/2024 của Mỹ, doanh thu chip từ Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ tăng 74,9%, từ 321,7 triệu USD trong tháng 2/2022 lên 562,5 triệu USD sau một năm, chiếm 11,6% thị phần. Con số ấn tượng đưa Việt Nam cùng một số khu vực ở châu Á vào top thị trường tăng trưởng mạnh nhất, theo đánh giá của Bloomberg.

Việt Nam định hướng tham gia từng phần vào hệ sinh thái ngành công nghiệp vi mạch. 

Ảnh: Internet

Sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam

Lĩnh vực bán dẫn Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến của nhiều hãng sản xuất bán dẫn khi thu hút sự quan tâm, hiện diện của những tập đoàn hàng đầu thế giới của Mỹ và Hàn Quốc như Intel, Samsung. Trong bối cảnh doanh nghiệp trên toàn thế giới tăng tốc trong cuộc đua chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái thiết bị, việc sản xuất chip bán dẫn trở thành xương sống cho hệ thống điện tử và ngành công nghệ phát triển.

Tập đoàn Intel là một trong ba nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới đã bắt đầu phát triển nhà máy tại Việt Nam từ hơn 10 năm trước, với quy mô 1 tỷ USD. Việt Nam hiện là nơi đặt nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất của hãng công nghệ này tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ước tính, nhà máy này chiếm hơn 50% tổng sản lượng của Intel trên toàn cầu. Năm 2021, Intel đã tăng vốn đầu tư dự án này lên gần 1,5 tỷ USD và đang có kế hoạch đầu tư thêm để mở rộng nhà máy tại Việt Nam.

Cùng với Intel, Samsung cũng tuyên bố kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn ở Việt Nam. Việc sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn của Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên được thực hiện vào cuối năm 2023, sau khi công tác sản xuất thử nghiệm hoàn tất. Ngoài ra, thị trường còn chứng kiến sự hiện diện của Hana Micron Vina, Amkor Technology, và nhiều công ty khác, tích cực đầu tư vào các dự án này.

Ngày 16/9/2023, Công ty Hana Micron Vina (Hàn Quốc) khánh thành dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang). Đây là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc. Hana Micron Vina sẽ phát triển một hệ sinh thái ngành công nghiệp chất bán dẫn mới tại Việt Nam, góp phần đa dạng các loại hình công nghệ, kỹ thuật sáng tạo mà Việt Nam đang theo đuổi.

Một dự án khác trong lĩnh vực bán dẫn đang được Công ty Amkor Technology Việt Nam (Hàn Quốc) triển khai tại Bắc Ninh trị giá 1,6 tỷ USD. Đây là nhà máy lớn, hiện đại nhất của Amkor trên toàn cầu. Ngoài ra, Victory Giant Technology, tập đoàn chuyên sản xuất linh kiện điện tử, chất bán dẫn của Trung Quốc đã quyết định lựa chọn để xây dựng nhà máy với tổng mức đầu tư 400 triệu USD tại Bắc Ninh. Cuối tháng 5/2023, công ty Infineon Technologies AG (Đức) về các giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và IoT đã thông báo việc mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam, đồng thời thành lập một đội ngũ phát triển chip điện tử làm việc tại Hà Nội.

Với sự sôi động của các dự án, một số chuyên gia trong ngành cho rằng, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất của nhiều doanh nghiệp bán dẫn thế giới và có thể sẽ tiếp tục sôi động hơn.

Thách thức phát triển sản xuất chip bán dẫn của Việt Nam

Xét trên thực tế toàn chuỗi cung ứng chip bán dẫn, Việt Nam mới chỉ đóng góp một phần nhỏ. Để làm ra một chip, có ba khâu cơ bản gồm: Thiết kế, sản xuất và đóng gói. Nhà máy Intel tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện chỉ tham gia ở khâu cuối cùng là kiểm tra, đóng gói trước khi chip được đưa ra thị trường. Đây cũng là phần chiếm tỷ lệ giá trị thấp nhất trong chuỗi cung ứng. Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn SIA, đóng gói chiếm khoảng 6% giá trị trong chip, trong khi hơn 53% nằm ở thiết kế, 24% ở sản xuất. Việt Nam hiện đóng vai trò quan trọng trong ngành bán dẫn toàn cầu, nhưng chủ yếu tập trung vào lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói.

Chính vì vậy, Việt Nam muốn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu thì cần mở rộng thêm mảng sản xuất còn bỏ ngỏ, hoặc nâng cao khả năng và giá trị trong khâu thiết kế và đóng gói. Theo các chuyên gia, Việt Nam đang ưu tiên cho con đường thứ hai. Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn xác định người Việt Nam rất phù hợp thiết kế chip và sẽ coi đây là thế mạnh trọng tâm. Hạ tầng quan trọng cần đầu tư cho phát triển công nghiệp bán dẫn là hệ thống các phòng thí nghiệm hàng đầu. Việc phát triển nhân lực thiết kế là lựa chọn đúng đắn. Trong ngành chip, kỹ sư thiết kế nắm vị trí quan trọng nhất vì hiểu rõ toàn bộ thiết kế. Nếu Việt Nam tập trung phát triển mạnh đội ngũ này, Việt Nam chắc chắn sẽ có những trái ngọt trong 5-10 năm tới. Để làm chip nhưng không cần nhà máy sản xuất, mô hình các công ty Việt có thể theo đuổi là fabless, tức doanh nghiệp đảm nhiệm khâu thiết kế, kinh doanh, nhưng không tự sản xuất, giống như Nvidia, ARM, Qualcomm. Tại Việt Nam, đó là FPT Semiconductor.

Nếu lựa chọn con đường sản xuất chip bán dẫn sẽ đòi hỏi đầu tư tốn kém, trong khi hệ sinh thái của Việt Nam còn sơ khai. Về sản xuất chip, những đơn vị như TSMC, GlobalFoundries là những tên tuổi đầu ngành. Một nhà máy chip trên quy trình 3 nm của TSMC có thể cần đầu tư 20 tỷ USD. Sản xuất chế tạo là nói đến bài toán sản xuất hàng loạt với số lượng lớn, cạnh tranh về chất lượng và giá vô cùng khốc liệt. Sẽ rất rủi ro nếu không có giai đoạn chuẩn bị từ trước.

Tại Hội nghị Cấp cao Việt Nam-Mỹ về Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư sáng 11/9/2023, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cũng đề xuất Chính phủ đầu tư đào tạo từ 30.000 đến 50.000 chuyên gia bán dẫn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành. Trước đó, Đại học FPT đã công bố thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại Việt Nam. Khoa dự kiến đón lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024 với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, thực hiện nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.

SONG HÀ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ