QPTĐ- Ngày 18/8/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị Trí tuệ nhân tạo tạo sinh 2024 (GenAI Summit 2024) với chủ đề “Chân trời mới” chính thức khai mạc. Hội nghị mang tới những tiến bộ mới nhất về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh. Theo nghiên cứu về nền kinh tế số của Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 74 tỷ USD. Trong đó, có sự đóng góp rất lớn của Al trong các lĩnh vực kinh tế số. Việt Nam và Singapore là hai đại diện của Đông Nam Á góp mặt trong Top 30 thế giới về nghiên cứu Al. Hội nghị GenAI Summit 2024 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam được kỳ vọng giúp đất nước ta tiến sâu hơn vào kỷ nguyên mới của AI góp phần thành công của chiến lược chuyển đổi số.
Hội nghị GenAI Summit 2024 với chủ đề “Chân trời mới” của Trí tuệ nhân tạo.
Kỷ nguyên mới của AI
Hội nghị GenAI Summit 2024 là một sự kiện lớn, rất có ý nghĩa để các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư và những bên liên quan cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi, tìm kiếm cơ hội hợp tác nhằm tiếp tục nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ AI thế giới. Thành công lớn nhất của hội nghị là mang đến một bức tranh toàn diện và đầy cảm hứng về AI cho người Việt Nam. Sự kiện không chỉ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của AI, mà còn khơi dậy niềm đam mê và thúc đẩy hành động trong cộng đồng. Với những kiến thức và định hướng thu được từ hội nghị, Việt Nam có thể tự tin bước vào kỷ nguyên mới của công nghệ, mà ở đó AI sẽ đóng vai trò then chốt trong việc định hình tương lai.
AI Summit là sự kiện thường niên do New Turing Institute tổ chức từ năm 2018 nhằm tạo nền tảng kết nối cộng đồng trí tuệ nhân tạo trong nước với các chuyên gia trên toàn thế giới. Sau nhiều năm tổ chức thành công, AI Summit đã trở thành một sự kiện khoa học công nghệ ý nghĩa, có vị thế nổi bật tại Đông Nam Á. AI Summit 2023 đã thu hút hơn 3.600 khách tham dự trực tiếp và trực tuyến, hơn 100 doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia với các diễn giả hàng đầu.
Việc GenAI Summit 2024 lần đầu được tổ chức tại Việt Nam cho thấy các chuyên gia, các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và tiềm năng trở thành hub công nghệ khu vực của Việt Nam. Bên cạnh việc cung cấp những nội dung học thuật, những xu hướng công nghệ mới nhất, hội nghị còn là cầu nối gắn kết các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, cộng đồng nghiên cứu và ứng dụng AI để cung cấp những góc nhìn đa chiều đồng thời trưng bày sản phẩm AI tiêu biểu của các startups Việt.
Ứng dụng AI trong chuyển đổi số
Trí tuệ nhân tạo đang góp phần thay đổi phương thức làm việc và trở thành công nghệ nền tảng quan trọng dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực. Thế giới chứng kiến sự phát triển bùng nổ về xu thế AI siêu lớn, qua các hệ thống AI tạo sinh, chat GPT, hệ thống xử lý ảnh, video kết hợp dữ liệu lớn làm thay đổi cuộc sống hàng ngày của con người.
Triển vọng tương lai của AI trong việc phát triển chuyển đổi số rất hứa hẹn, bao gồm: Ứng dụng đám mây; hệ sinh thái do AI điều khiển; khả năng kết hợp, phát triển sản phẩm linh hoạt; tính bền vững; an ninh mạng và tự động hóa. Một số ngành dự kiến sẽ chịu tác động từ quá trình chuyển đổi số dựa trên AI trong tương lai, bao gồm an ninh và giám sát, giáo dục, y tế, nhân lực, ngân hàng, công nghệ cao và khoa học đời sống. Những tiến bộ dự kiến trong AI sẽ góp phần cải thiện chuyển đổi số bao gồm: Ra quyết định hiệu quả hơn, tăng lợi nhuận, phân tích nâng cao, tự động hóa các công việc lặp lại, ứng dụng giải pháp AI tiên tiến như AIoT, AI đàm thoại và học máy.
Thực tế những năm gần đây công nghệ AI đã có bước phát triển nhanh chóng, ngày càng đi vào chiều sâu và mở rộng ở nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Để Việt Nam có thể nắm bắt được lợi thế từ công nghệ AI, quan trọng nhất là phát triển nguồn nhân lực, tiếp theo là triển khai hạ tầng tính toán, quan tâm vấn đề dữ liệu trong đó có việc chia sẻ dữ liệu mở cho cộng đồng nhà khoa học, đơn vị khai thác.
Với tham vọng trở thành một trung tâm về AI của ASEAN vào năm 2030, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về AI đến năm 2030, với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và AI nằm trong top 4 của khu vực ASEAN và trong top 50 của thế giới. Thực tế, không phải đến khi ban hành chiến lược AI, các doanh nghiệp Việt Nam mới phát triển lĩnh vực này. Trên thực tế, các tập đoàn công nghệ lớn trong nước, các công ty khởi nghiệp (start-up) đổi mới sáng tạo đang tăng tốc đầu tư và thực hiện những bước đi vững chắc trong nghiên cứu AI và ứng dụng trong nhiều mô hình kinh doanh mới.
AI đã trở thành một công cụ hiệu quả để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp công nghệ không theo kịp công nghệ thay đổi nhanh chóng, họ có nguy cơ trở nên lạc hậu trong tương lai. Nhưng trong thực tế, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gần như không có động lực để triển khai AI trong các nghiệp vụ thường ngày của mình, vì chi phí lao động hiện đang quá rẻ so với chi phí ban đầu để triển khai công nghệ.
Một trở ngại quan trọng mà Việt Nam cần vượt qua là xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán. AI là một lĩnh vực dựa trên dữ liệu, nên nếu không có dữ liệu tốt và cập nhật thường xuyên, chiến lược sẽ lâm vào ngõ cụt. Trong khi đó, hạ tầng tính toán là “cỗ máy” để AI chạy cũng rất quan trọng, bởi khi tốc độ phát triển và áp dụng AI ngày càng tăng thì khối lượng tính toán và tài nguyên cho tính toán cũng phải tăng tương ứng.
Hạ tầng dữ liệu và tính toán của Việt Nam mới đang ở mức sơ khởi. Việt Nam chưa có nhiều bộ dữ liệu chất lượng tốt; các dữ liệu thường bị phân mảng, ít liên thông và hạn chế về quyền truy cập. Song, nỗ lực thúc đẩy chia sẻ và tập trung dữ liệu của Chính phủ Việt Nam đã được thể hiện qua việc khởi động Cổng dữ liệu quốc gia chia sẻ dữ liệu bộ ngành, địa phương.
SONG HÀ