Điểm sáng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2021
QPTĐ-Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư trong nước và những khó khăn dịch bệnh trước mắt chỉ là tạm thời. Đại dịch Covid-19 tạo sức ép để Việt Nam hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị, triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Các bộ, ngành có liên quan tiếp tục rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh để loại bỏ hoặc điều chỉnh những quy định không còn phù hợp để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường.
Công nghiệp chế tạo, chế biến chiếm tỷ trọng đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam với 18,1 tỷ USD. (Ảnh: Internet)
Kết quả tích cực trong thu hút đầu tư
Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc.
Chính vì vậy, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/12/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 19,74 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm 2020. Cả vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh đều tăng, chỉ có phần góp vốn mua cổ phần vẫn giảm song mức giảm đã cải thiện rất nhiều so với các tháng trước.
Theo đó, có 1.738 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt trên 15,2 tỷ USD, tương đương giảm 31,1% về dự án và tăng 4,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; 985 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 9 tỷ USD-tương đương giảm 13,6% về dự án và tăng 40,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, mặc dù tổng vốn FDI tăng so với cùng kỳ song số lượng dự án đăng ký năm 2021 giảm khá mạnh. Lý giải về vấn đề này, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, nguyên nhân là do chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam là một trong những nguyên nhân loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng vào Việt Nam thời gian qua. Ngoài ra, việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách ly dài ngày trong những tháng dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam cũng làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát và làm các thủ tục đầu tư. Việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các khu công nghiệp làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng góp phần làm ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
Doanh nghiệp Singapore đầu tư lớn vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam.
Những quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam
Đã có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong năm 2021. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc đứng thứ hai, Nhật Bản đứng thứ ba. Vốn đầu tư của Singapore gấp gần 2,2 lần vốn đầu tư của Hàn Quốc và gấp hơn 2,7 lần vốn đầu tư của Nhật Bản do Singapore có một dự án đầu tư mới tới 3,1 tỷ USD và một trường hợp góp vốn mua cổ phần có vốn đầu tư lớn. Về địa phương thu hút FDI, Hải Phòng vượt qua Long An vươn lên dẫn đầu trong cả năm với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 5,26 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Long An xếp thứ hai, Thành phố Hồ Chí Minh đứng vị trí thứ ba.
Hàn Quốc mặc dù chỉ xếp thứ hai về vốn đầu tư, song lại là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng như số lượt góp vốn mua cổ phần. Như vậy, nếu xét về số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư nhất. Đánh giá về triển vọng đầu tư FDI tại Việt Nam thời gian tới, ông Choi Joo Ho-Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, hiện Samsung Việt Nam đang tiếp tục xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển quy mô hơn 220 triệu USD tại Hà Nội. Trung tâm này sẽ nghiên cứu phát triển 5G, cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, góp phần nâng tầng tổ hợp Samsung tại đây.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam có lợi thế về chi phí đầu tư, nguồn lực lao động và chính sách thu hút đầu tư ngày càng hoàn thiện. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản vẫn coi Việt Nam là thị trường tiềm năng để mở rộng đầu tư trong giai đoạn tới. Dòng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2021 tiếp tục có sự tăng trưởng ấn tượng, tích cực, bất chấp khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19, thể hiện niềm tin của doanh nghiệp Nhật Bản và sức hút của thị trường Việt Nam.
Vốn FDI của Nhật Bản đã đầu tư tại 19 ngành, lĩnh vực của Việt Nam. Trong đó, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với khoảng hơn 42 tỷ USD vốn FDI đăng ký. Ngoài ra, còn đầu tư vào các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa; bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng; nông nghiệp; dịch vụ; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội. 57 tỉnh, thành phố trên cả nước đã thu hút được FDI từ Nhật Bản, trong đó tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố như: Thanh Hóa, Hà Nội, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng. Bên cạnh những thương hiệu quen thuộc như Honda, Toyota, Sony, Panasonic, Canon… những năm gần đây với áp lực phải đa dạng chuỗi cung ứng, các nhà đầu tư Nhật Bản đang đẩy mạnh mở rộng đầu tư theo hình thức mua bán, sáp nhập (M&A).
Song Hà