Pháo Phòng không đánh bộ binh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh
Sinh năm 1940 tại Từ Sơn, Bắc Ninh, năm 1959, Đại tá Nguyễn Hồng lên đường nhập ngũ, sau đó vào Trường Sỹ quan Pháo Phòng không. Năm 1971, ông vào chiến trường và chiến đấu ở Quảng Trị. Khi ấy, ông là Tiểu đoàn phó, đồng chí Đinh Văn Hường là Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3. Đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ đoạn đường mới từ km 01-Dốc Khỉ, đường 14 đến Tà Cơn (khoảng 54km); phối hợp với Sư đoàn 304 đánh Quảng Trị; sau đó quay ra Bắc chiến đấu tại phía Nam cầu Thác Cóc. Ngày 29/5/1972, Tiểu đoàn đã bắn rơi một máy bay của địch. Tới cuối năm đó, đơn vị được lệnh trở vào miền Nam. Khi ấy tình hình rất căng thẳng nên Tiểu đoàn phải hành quân theo đường vòng qua Lào, mới tới Sài Gòn. Đơn vị tham gia đánh ở Tây Nguyên một thời gian, rồi được lệnh chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 2 là đi theo bảo vệ bộ binh.
Một đơn vị Pháo Phòng không tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Đại tá Nguyễn Hồng xúc động: Được lệnh tham gia chiến dịch, chúng tôi rất phấn khởi. Vì trước đó, chúng tôi đánh địch theo lời kêu gọi của Bác Hồ: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”, chứ chấm dứt thời điểm nào thì vẫn chưa biết. Nhưng đến giờ thì rõ ràng có một “Chiến dịch Hồ Chí Minh” và cái đích là giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. Nhiều đồng chí còn kháo nhau, chiến dịch này mà không tham gia thì không bõ đời lính nên dù sống, hay chết, được tham gia là một vinh dự.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn Pháo Phòng không 232 trong đó có Tiểu đoàn 2 được giao nhiệm vụ bảo vệ bộ binh tiến công, thuộc Quân đoàn 3, dưới quyền Tư lệnh Vũ Lăng và Chính uỷ Đặng Vũ Hiệp, có nhiệm vụ đánh từ hướng Tây Bắc về Sài Gòn theo đường 22, phối hợp cùng 4 hướng khác đồng loạt tiến công để phân tán lực lượng địch; kết hợp tiến công với đồng khởi nổi dậy, binh vận từ trong lòng địch. Thời điểm nổ súng là 5 giờ ngày 26-4.
Sáng đó, theo kế hoạch, các tiểu đoàn đi cùng bộ binh của Quân đoàn tiến công trận địa pháo binh địch ở Phú Mỹ, chia cắt địch trên đường 22. Ngày 27-3, cùng lực lượng vũ trang địa phương chốt chặn ở Phú Mỹ và Đông Trảng Bàng, đánh địch phản kích và chia cắt tiêu diệt địch trên đường 22 và đường 1, hỗ trợ cùng quần chúng nổi dậy ở Trảng Bàng, Hiếu Nghiêm, Kiêm Hạnh, Phước Ninh…bức hàng, bức rút giải phóng nhiều xã, ấp ở Tây Ninh. Niềm tin trong anh em hình thành và dâng lên rất nhanh, Quân đoàn đã đến sát cửa ngõ Sài Gòn. Bài hát “Tiến về Sài Gòn”, “Giải phóng miền Nam” vang lên ở các đại đội trong những giờ sinh hoạt và cả khi trực chiến.
Mới vào chiến dịch, thật bất ngờ tôi đã biết được một chuyện thú vị. Tối 27-4, về đến Sở Chỉ huy Tiểu đoàn, đồng chí Đinh Văn Hường cho xem bức điện vừa nhận: 16 giờ 40 phút ngày 27-4, 5 máy bay A37 ta lấy được của địch ở sân bay Thành Sơn đã ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, phá huỷ 24 máy bay, trong đó có cả máy bay Mỹ chuẩn bị di tản. Chúng tôi thông báo cho anh em trong đại đội, họ rất phấn khởi. Hôm sau lại có thông báo: Máy bay địch vừa sơ tán 800 chiếc sang Thái Lan. Tôi trao đổi với đồng chí Hường và đồng chí Hoàng Kiệu, Chính trị viên phải chuẩn bị sẵn sàng đánh địch cả mục tiêu mặt đất. Đồng chí Hường giao cho tôi kiểm tra, đôn đốc các đại đội, ôn tập lại các bài bắn xe tăng và bộ binh, tôi xuống trận địa được anh em hưởng ứng hồ hởi, mỗi khẩu đội đều chuẩn bị sẵn đạn xuyên để bắn xe tăng địch.
Đại tá Nguyễn Hồng kể tiếp: Nhiệm vụ của lính cao xạ là bảo vệ bộ binh nên chúng tôi cử các đại đội đi theo từng đơn vị bộ binh. Song đặc thù của chiến dịch là đánh địch ở mặt đất nên khi trên có lệnh là phải chuẩn bị đánh bộ binh. Do đó đơn vị nhanh chóng chuẩn bị đạn, huấn luyện lại các bài bắn về mặt đất để tham gia chiến dịch. Và quả nhiên điều đó rất có lợi, trưa 29-4, có điện của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương gửi cho các lực lượng của chiến dịch: “Toàn lực lượng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh hãy anh dũng tiến lên giành toàn thắng”, Quân đoàn đã đẩy nhanh tốc độ tiến công, Sư đoàn 10 tiêu diệt Tiểu đoàn 8 Ngụy, tiến vào Ngã tư Bảy Hiến, khi tiến vào Sân bay Tân Sơn Nhất, 2 bên đường là những nhà cao tầng nên địch lợi dụng địa hình, địa vật bắn xuống. Chúng tôi dùng pháo 85 và pháo phòng không 37 vừa đi vừa bắn, khiến địch khiếp sợ. Tiểu đoàn tôi có 2 Đại đội pháo cao xạ 57, 3, Đại đội pháo 37 và 1 Đại đội súng máy nhưng khi vào chiến dịch thì không sử dụng khí tài 57, vì loại này bắn tự động và hỏng hóc nhiều, chỉ mang theo loại bắn trực tiếp (do con người tự điều chỉnh, ngắm bắn qua máy và bắn đạp cò bằng chân).
Đêm 30-4, chúng tôi được lệnh đóng quân ở Củ Chi, nơi tiếp giáp thành phố Sài Gòn. Sau khi kiểm tra các đại đội đã chiếm lĩnh trận địa, chuẩn bị chiến đấu xong, chúng tôi nhắc nhở việc canh gác, đề phòng địch phá hoại. Về đến Sở Chỉ huy Tiểu đoàn vừa lúc đồng chí Kiệu họp ở Trung đoàn về cho biết: Từ 11 giờ 30 trưa nay, Tổng thống Dương Văn Minh đã lên đài tuyên bố đầu hàng Quân Giải phóng. Ta đã công bố Sài Gòn-Gia Định dưới quyền Uỷ ban Quân Giải phóng do đồng chí Trần Văn Trà làm Chủ tịch. Do kết hợp tiến công và nổi dậy của quần chúng, chấp hành tốt kỷ luật nên không có chuyện “tắm máu” như địch rêu rao, thành phố khá nguyên vẹn và vẫn có điện.
Hơn 1 triệu quân Ngụy tan rã, riêng Sài Gòn-Gia Định, 160 phường thì 60 phường nổi dậy khi quân ta tiến công, 100 phường còn lại tự tan rã trước sức mạnh như vũ bão của chiến tranh nhân dân. Chúng tôi vui không ngủ được vì không ngờ chiến dịch kết thúc nhanh như vậy. Anh em bồi hồi nhớ tới những đồng đội đã hy sinh từ năm 1972 đến nay, trong đó có 42 nấm mộ liệt sỹ của Tiểu đoàn còn nằm trên đất bạn Lào. Là chiến sỹ phòng không-không quân, chúng tôi tự hào về pháo phòng không đi theo các quân đoàn đều đánh tốt, không quân ném bom sân bay Tân Sơn Nhất là một kỳ tích…
Trước khi về nghỉ hưu năm 1997, Đại tá Nguyễn Hồng công tác tại Ban Tư liệu, Bộ Tham mưu, Quân chủng Phòng không-Không quân. Được nhân dân tín nhiệm, ông được bầu là Chi hội trưởng Chi hội CCB khu dân cư; năm 2003 là Chủ tịch Hội Khuyến học phường Trung Hòa; năm 2015, giữ chức Chi hội trưởng chất độc da cam dioxin. Ông chính là tấm gương sáng để lớp lớp thế hệ trẻ, nhất là LLVT Thủ đô học tập và noi theo.
Trần Hiền-Thế Hà