A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam nỗ lực bảo đảm quyền của người lao động

 

QPTĐ-Quyền lao động là một trong những quyền cơ bản của con người và việc bảo đảm quyền lao động cho công dân là một trong những tiêu chí đánh giá sự tiến bộ của chế độ xã hội. Ở Việt Nam, quyền lao động của công dân không những được ghi nhận trong Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự và nhiều văn bản pháp luật khác mà còn được bảo đảm thực thi trong thực tiễn.

Việt Nam có nhiều nỗ lực trong bảo đảm quyền của người lao động.

Quyền lao động theo luật quốc tế

Trong luật nhân quyền quốc tế, quyền về lao động bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau như: Quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, quyền được bảo đảm điều kiện lao động hợp lý, quyền được trả thù lao hợp lý, quyền được thành lập công đoàn, được đình công, quyền được nghỉ ngơi… Những quyền này đầu tiên được ghi nhận một cách cụ thể trong Điều 23 Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 (UDHR). Theo đó, mọi người đều có quyền làm việc, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng, thuận lợi và được bảo vệ chống lại nạn thất nghiệp.

Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (ICESCR) (được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào năm 1966) cụ thể hóa các quyền về lao động nêu ở UDHR tại các Điều 6, 7 và 8. Theo Khoản 1 Điều 6, các quốc gia thành viên Công ước này thừa nhận quyền làm việc, trong đó bao gồm quyền của tất cả mọi người có cơ hội kiếm sống bằng công việc do họ tự do lựa chọn hoặc chấp nhận, và các quốc gia phải thi hành các biện pháp thích hợp để bảo đảm quyền này. Khoản 2 Điều 6 quy định, các quốc gia thành viên Công ước phải tiến hành các biện pháp để thực hiện đầy đủ quyền này, bao gồm triển khai các chương trình đào tạo kỹ thuật và hướng nghiệp, các chính sách và biện pháp kỹ thuật nhằm đạt tới sự phát triển vững chắc về kinh tế, xã hội và văn hoá, tạo công ăn việc làm đầy đủ và hữu ích với điều kiện bảo đảm các quyền tự do cơ bản về chính trị và kinh tế của từng cá nhân. Điều 7 khẳng định quyền của mọi người được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi. Còn Điều 8 của ICESCR khẳng định quyền của mọi người được thành lập và gia nhập công đoàn do mình lựa chọn.

Ngoài ra, các quyền trong lĩnh vực lao động còn được ghi nhận và bảo vệ bởi nhiều văn kiện pháp luật do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông qua.

Quyền lao động trong pháp luật Việt Nam 

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác quốc tế về quyền con người, Việt Nam đã tham gia 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế bao gồm 7 trong số 8 công ước cơ bản. Đây là mức độ cam kết cao, thể hiện nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Việt Nam cũng đã nỗ lực triển khai việc thực thi các công ước, trong đó có việc nội luật hóa các quy định của công ước trong hệ thống luật quốc gia.

Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam khẳng định công dân có quyền làm việc, được tự do lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. Giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội làm việc là trách nhiệm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và của toàn xã hội. Trên tinh thần đó, Điều 57, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện quyền được lao động của người dân, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định rõ quyền của người lao động tại Khoản 1, Điều 5, trong đó có những quyền cơ bản như: Tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động, được bảo hộ lao động; thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động; đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động… Đồng thời, Bộ luật Lao động cũng là công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền làm việc, lợi ích và các quyền khác của người lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, tạo điều kiện cho mối quan hệ lao động được hài hoà và ổn định.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đề ra hàng loạt các chương trình kinh tế-xã hội như: Chương trình quốc gia về giải quyết việc làm; giao quyền sử dụng ruộng đất để khuyến khích trồng rừng; chương trình hỗ trợ đánh bắt xa bờ;  khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển sản xuất-kinh doanh để tạo việc làm cho người lao động...

Bảo đảm quyền của người lao động

Trên thực tế, 5 năm trở lại đây, số lượng công nhân lao động có việc làm tăng 26%, trong đó, việc làm bền vững, thu nhập tăng đều qua các năm; đời sống của công nhân lao động ngày càng được cải thiện; điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động đã được chú trọng; các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được áp dụng ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp.

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tác động đến đời sống, việc làm của người lao động. Nhằm bảo đảm việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống cho công nhân, người lao động, Nhà nước có nhiều chính sách như: Đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội phục vụ đời sống, sinh hoạt, học tập, giải trí của công nhân, người lao động; thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội... Cụ thể, Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ ban hành 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 bao gồm: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động ngừng việc; chấm dứt hợp đồng lao động; hỗ trợ bổ sung và trẻ em; hỗ trợ tiền ăn đối với người điều trị Covid-19; hỗ trợ đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp; hỗ trợ hộ kinh doanh; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ lao động tự do.

Phương Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ