A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam chủ động, tích cực trong thực thi Công ước CAT: Xử lý nghiêm minh mọi hành vi tra tấn, nhục hình

QPTĐ- Dưới góc độ luật pháp quốc tế, tra tấn là một trong những hình thức vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất, bị chỉ trích gay gắt nhất. Vì vậy, Điều 4, Công ước CAT nêu rõ: “Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng mọi hành vi tra tấn đều cấu thành tội phạm theo luật hình sự của nước mình” và “phải trừng trị những tội phạm này bằng những hình phạt thích đáng tương ứng với tính chất nghiêm trọng của chúng”. Với quan điểm, “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể”, nhà nước Việt Nam đã đã xây dựng một hệ thống pháp luật cơ bản để bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể và phòng, chống các hành vi bức cung, nhục hình. 

Bộ Công an Việt Nam phối hợp Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam tổ chức Lớp tập huấn về Công ước CAT.

 

Hình sự hóa hành vi tra tấn, nhục hình

Từ khi tham gia Công ước CAT, Việt Nam luôn chứng tỏ là thành viên có trách nhiệm khi không ngừng triển khai tổng thể các biện pháp để thực thi có hiệu quả Công ước tại Việt Nam. Biểu hiện cụ thể của việc này là quá trình nội luật hóa, hợp tác quốc tế trong phòng, chống tra tấn; xử lý kỷ luật, khởi tố hình sự đối với các đối tượng có hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân.

Trên cơ sở kế thừa các chế định quyền con người của các bản hiến pháp và các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia, Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” (khoản 1 Điều 20). Như vậy, các nhà lập pháp Việt Nam nhận thấy quyền bất khả xâm phạm về thân thể có mối liên quan chặt chẽ đến quyền không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo. Đây là tiền đề cho việc xây dựng hệ thống pháp luật về chống tra tấn ở Việt Nam hiện nay.

Thực tế, luật hình sự Việt Nam chưa đưa ra khái niệm tra tấn cũng như chưa quy định tội danh riêng song mọi hành vi có tính chất tra tấn được xác định là hành vi phạm tội, được quy định trong tội dùng nhục hình và tội bức cung tại các bộ luật hình sự trước đó và Bộ luật Hình sự năm 2015. Bộ luật Hình sự 2015 tiếp tục coi các hành vi này là rất nghiêm trọng, phải bị trừng trị nghiêm minh với khung hình phạt tối đa đối với các hành vi này là chung thân (trước đây là 12 năm với tội dùng nhục hình và 10 năm với tội bức cung theo quy định của Bộ luật Hình sự 1999). Cũng trong Bộ luật Hình sự 2015, thời hiệu sẽ không được áp dụng trong trường hợp người phạm tội liên quan đến tra tấn cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã (thời hiệu tính lại từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ).

Đặc biệt, các quy định liên quan đến tội phạm tra tấn trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng sửa đổi, bổ sung “Tội dùng nhục hình” (Điều 373), “Tội bức cung” (Điều 374), “Tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu” (Điều 384).

Ngoài ra, cấm tra tấn là một trong những nguyên tắc được quy định tại nhiều đạo luật khác nhau trong hệ thống pháp luật Việt Nam: Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (Điều 10); Luật Thi hành án hình sự 2019 (khoản 8, Điều 10); Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 (khoản 2, Điều 14); Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 (khoản 3, Điều 4). Luật Đặc xá cũng quy định: Người thực hiện tội phạm nói chung và tội phạm liên quan đến tra tấn nói riêng nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 12 Luật Đặc xá năm 2018 thì không được đề nghị đặc xá.

Ngăn ngừa người thực thi pháp luật vi phạm

Để phòng ngừa nhân viên thực thi công vụ vi phạm pháp luật, các ngành, các cấp đều có các quy định về quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và các quy định về xử lý kỷ luật trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan vi phạm pháp luật và vi phạm quy tắc nghề nghiệp, đặc biệt là đối với bác sĩ, nhân viên y tế. Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung quy định về kỷ luật cán bộ, công chức; công khai kết quả đánh giá cán bộ, công chức ở nơi làm việc.

Luật Công an nhân dân 2018 quy định sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân, công nhân công an vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật (khoản 1, Điều 44).

Việt Nam cũng đã ban hành Thông tư số 38/2022/TT-BCA ngày 14/10/2022 quy định việc xử lý kỷ luật trong Công an nhân dân. Theo đó, mọi hành vi vi phạm pháp luật; vi phạm các nội quy, quy định, quy chế, quy trình công tác, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật và Bộ Công an; vi phạm quy định về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; vi phạm quy tắc ứng xử của Công an nhân dân; vi phạm phẩm chất đạo đức, tư cách của người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đều bị xem xét kỷ luật và xử lý theo quy định pháp luật. Cán bộ, chiến sĩ đang trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật mà nếu để cán bộ, chiến sĩ đó tiếp tục công tác sẽ gây khó khăn cho việc xác minh, kết luận vi phạm hoặc có thể tiếp tục có hành vi vi phạm thì bị tạm đình chỉ công tác; cán bộ, chiến sĩ có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự bị đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra. Như vậy, nếu cán bộ, chiến sĩ có dấu hiệu thực hiện hành vi tra tấn hoặc vi phạm các tội phạm liên quan đến tra tấn trong Bộ luật Hình sự 2015 đương nhiên bị đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra.

Ngoài ra, các ngành đặc thù đều có quy định riêng để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tra tấn, như điều tra viên có quy định tại Điều 56 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015; đối với Công an nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân không được sử dụng Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu khi bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam; đối với Quân đội nhân dân, sĩ quan tạm thời không được mang quân hàm khi bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam; sĩ quan bị phạt tù thì đương nhiên bị tước quân hàm khi bản án có hiệu lực pháp luật; đối với cán bộ kiểm sát, cán bộ tòa án và một số người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc kiểm lâm và hải quan… đều có những quy định cụ thể.

Xử lý thích đáng hành vi tra tấn, nhục hình

Có thể khẳng định, ở Việt Nam tội phạm có tính chất tra tấn không phải là tội phạm phổ biến, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số các tội phạm. Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2010 đến năm 2015, Tòa án nhân dân các cấp chưa thụ lý vụ án nào về “Tội bức cung” và “Tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật”. Cũng trong khoảng thời gian này, Tòa án các cấp đã thụ lý và xét xử 10 vụ án với tổng số 26 lượt bị cáo về “Tội dùng nhục hình”.

Trong khoảng thời gian từ 2018 đến hết 2022, Tòa án không thụ lý vụ án nào liên quan đến tội bức cung, tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu. Tòa án đã thụ lý 06 vụ án đối với 15 bị cáo về tội dùng nhục hình quy định tại Điều 373 Bộ luật Hình sự 2015, trong đó đã xét xử 05 vụ án hình sự đối với 12 bị cáo.

Trong số 05 vụ án hình sự đã đưa ra xét xử trước năm 2023, Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án tuyên 12 bị cáo phạm tội dùng nhục hình và xử phạt tù các bị cáo với thời hạn như sau: 01 bị cáo với thời hạn tù từ trên 07 năm đến 15 năm; 03 bị cáo với thời hạn tù từ trên 03 năm đến 07 năm; 08 bị cáo với thời hạn tù từ 03 năm trở xuống.

Tiêu biểu là vụ án dùng nhục hình xảy ra tại Trại giam Thanh Xuân. Tóm tắt vụ án như sau: Vào lúc 10h45 ngày 14/3/2018, Cầm Văn Chứn cùng các phạm nhân khác được đưa về nhập Trại giam Thanh Xuân. Lúc này, Nguyễn Văn Bảo phát hiện Cầm Văn Chứn có biểu hiện say rượu nên đã nhắc nhở. Tuy nhiên Cầm Văn Chứn không tiếp thu, nói năng lảm nhảm, có thái độ coi thường Nguyễn Văn Bảo nên Nguyễn Văn Bảo đã tát vào má bên trái của Cầm Văn Chứn, làm Cầm Văn Chứn ngã ngửa, đầu đập xuống sân trại giam, gây thương tích và chảy máu vùng đầu phía sau gáy. Cầm Văn Chứn được đưa đi Bệnh viện đa khoa Hà Đông điều trị và tử vong tại Bệnh viện. Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 37/2018/HSST ngày 14/11/2018, Nguyễn Văn Bảo bị tuyên án 09 năm tù về “Tội dùng nhục hình”. Về trách nhiệm dân sự: Đã bồi thường cho gia đình bị hại 115.000.000 triệu đồng.

Với việc hình sự hóa các hành vi liên quan đến tra tấn, nhục hình trong Bộ luật Hình sự và bảo đảm chúng được thực hiện trong thực tế một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam về việc nghiêm cấm tất cả các hành vi liên quan đến tra tấn, bức cung, dùng nhục hình và kiên quyết trừng trị nghiêm minh mọi hành vi vi phạm này.

PHƯƠNG LINH

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ