A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vẫn là nhận định thiếu khách quan

 

QPTĐ-Như thường lệ, ngày 30-3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại tự cho mình cái quyền gọi là Báo cáo nhân quyền quốc gia năm 2020, đánh giá tình hình nhân quyền của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy đã nêu các tiến triển tích cực của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người nhưng nội dung của báo cáo vẫn là một cái nhìn phiến diện, thiếu khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng: Chính phủ Việt Nam đang áp dụng một loại các biện pháp hạn chế quyền tự do internet. Các biện pháp đó gồm kiểm duyệt nội dung trực tuyến, ngăn chặn các website trong nước và nước ngoài bị cho không phù hợp; hạn chế và làm gián đoạn quyền truy cập vào internet, bắt giữ và áp đặt các bản án hình sự đối với những người đăng tải những thông tin chỉ trích Chính phủ hoặc bày tỏ quan điểm khác biệt trên internet; “dày công” kiểm soát thông tin cá nhân và việc sử dụng internet hàng ngày của người dân. Ngoài ra, Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho rằng Việt Nam đối xử phi nhân đạo đối với một số phạm nhân mà họ gọi là “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm” hay còn tình trạng thiếu công bằng trong xét xử và sự thiếu độc lập của cơ quan tư pháp. Đây đúng là những nhận định phiến diện, thiếu khách quan, dựa vào những thông tin không chính xác, thậm chí xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch, phần tử chống đối, phản động, cơ hội chính trị trong nước và nước ngoài.

 Theo thống kế tháng 1 năm 2020, Việt Nam có 68,17 triệu người sử dụng Internet, chiếm 70% dân số, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Internet phát triển mạnh mẽ

Việt Nam luôn khẳng định, tự do ngôn luận, tự do báo chí nói chung trong đó có tự do internet là một trong những quyền cơ bản của con người được Hiến định. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Theo đó, Nhà nước Việt Nam đã cụ thể hóa việc thực hiện quyền con người, quyền công dân, trong đó, có quyền tự do báo chí thành các điều luật ở các bộ luật, luật, như: Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Báo chí năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018...

Tuy là nước cho phép mở Internet chậm hơn so với thế giới nhưng đến nay, Việt Nam lại đang là quốc gia có sự phát triển internet mạnh mẽ nhất và đây được xem là động lực cho phát triển kinh tế văn hóa xã hội và hội nhập quốc tế. Cụ thể, hiện Việt Nam là 1 trong 20 nước có tỉ lệ sử dụng internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng internet thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng mỗi ngày. Nhiều báo cáo chi tiết của các tổ chức quốc tế về xã hội số, chính phủ số, kinh tế số cũng bổ sung rõ hiện thực khách quan này. Theo báo cáo EGDI của Liên hiệp quốc, về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Việt Nam có điểm số cao hơn mức trung bình của châu Á và thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện xếp thứ 6 về chỉ số phát triển chính phủ điện tử, sau Philippines, Brunei, Thái Lan, Malaysia và Singapore. Về chỉ số hạ tầng viễn thông, trong năm qua, Việt Nam đã tăng 31 bậc, đứng thứ 69 thế giới. Việt Nam hiện có khoảng 45.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin (ICT). Tổng doanh thu của nền kinh tế internet Việt Nam trong năm 2020 đạt hơn 14 tỷ USD. Trong đó, thương mại điện tử chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm khoảng 7 tỷ USD. Vậy mà báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá Việt Nam không có tự do internet liệu có khách quan, đúng thực tế?

Bảo đảm quyền của phạm nhân

Còn vấn đề đối xử với phạm nhân phạm tội về an ninh quốc gia mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gọi với những cái tên mỹ miều là “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm” thì cần khẳng định rõ, ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm”... Ở Việt Nam chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật Hình sự, bị Tòa án xét xử bằng bản án tuyên là có tội, có hiệu lực, những đối tượng này được gọi chung là phạm nhân. Phạm nhân chấp hành hình phạt tù được đối xử bình đẳng theo quy định của pháp luật. Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã quy định rõ về quyền của phạm nhân như: Được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế theo quy định; gửi, nhận thư, nhận quà, tiền; đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án; được tham gia hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; được lao động, học tập, học nghề; được gặp, liên lạc với thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân… Có thể khẳng định,  những quy định về quyền của phạm nhân đã thể chế hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Vì vậy, ngoài những quyền đã được quy định trong Luật thì phạm nhân không thể đòi hỏi những quyền khác.

Trong thực tế ở Việt Nam, một số phạm nhân phạm tội về an ninh quốc gia đã bày ra những chiêu trò như tuyệt thực, xuyên tạc, vu khống cách đối xử của cơ sở giam giữ để thu hút sự quan tâm của cá nhân, tổ chức nước ngoài hòng gây sức ép đòi tư do, tị nạn chính trị… Có lẽ, cũng vì dựa vào những thông tin không chính xác, thậm chí là thông tin giả, thông tin xuyên tạc mà Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trở lên phiến diện, thiếu khách quan, thiếu thiện chí đối với vấn đề nhân quyền của Việt Nam.

Sẵn sàng đối thoại về dân chủ, nhân quyền

Việt Nam không né tránh vấn đề dân chủ, nhân quyền mà sẵn sàng trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tôn trọng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Quan điểm này đã được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt, để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.

Với việc sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và làm sáng tỏ chính sách của Nhà nước Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan tới vấn đề dân chủ, nhân quyền, đã đến lúc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần có cách nhìn đầy đủ, khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, tránh định kiến, phiến diện, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ đang tăng cường hợp tác toàn diện vì lợi ích của cả hai nước.

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ