A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không cho phép can thiệp vào hoạt động tư pháp của Việt Nam

QPTĐ- Ngày 28/9 vừa qua, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Hoàng Thị Minh Hồng (SN 1972) 3 năm tù về tội “trốn thuế”, phạt bổ sung 100 triệu đồng. Phiên tòa diễn ra công khai, dân chủ theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, thế nhưng các thế lực thù địch, phản động lại tìm cách xuyên tạc, hướng lái vụ việc sang chiều hướng tiêu cực, lấy cớ vu cáo Đảng, Nhà nước, bôi nhọ các cơ quan tiến hành tố tụng, chống phá, xuyên tạc pháp luật về thuế, can thiệp thô bạo vào hoạt động tư pháp của Việt Nam.

BBC xuyên tạc hoạt động tư pháp của Việt Nam.

Những luận điệu chống phá

Trong vụ án trên, Hoàng Thị Minh Hồng bị tuyên phạt 3 năm tù về tội “trốn thuế”, song với bản chất chống phá, các thế lực thù địch, phần tử phản động, một số cơ quan, tổ chức quốc tế thiếu thiện cảm với Việt Nam lại cố tình xuyên tạc, hướng lái vụ việc sang hướng khác. Họ dựng chuyện, vu cáo chính quyền Việt Nam sử dụng tội “Trốn thuế” để đàn áp “những nhà hoạt động môi trường”... 

Trước khi phiên tòa diễn ra, tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) lập luận quy chụp, vu cáo “chính quyền Việt Nam đang sử dụng luật thuế mơ hồ như một vũ khí để trừng phạt các nhà lãnh đạo môi trường mà Đảng Cộng sản cầm quyền coi là mối đe dọa đối với quyền lực của họ”. 

Trên các trang Tiếng Việt của VOA, RFI, RFA, BBC hàng loạt bài viết có tính chất dựng chuyện, quy chụp, xuyên tạc bản chất vụ việc. Trên BBC có bài: “Tội trốn thuế-chiêu thức chính trị hóa các vụ án nhạy cảm quen thuộc của Việt Nam”. 

Bài viết ngụy biện rằng: “Mặc dù bị kết án “Trốn thuế”, nhưng cách thức bắt giữ, tạm giam và các phiên tòa xét xử những cá nhân trên diễn ra trong sự canh gác nghiêm ngặt chẳng kém gì các phiên tòa xét xử những người bất đồng chính kiến. Và đó chính là lý do vì sao giới quan sát quốc tế lên án Hà Nội vì đã “chính trị hóa” những vụ án này”. Từ đó, bài viết quy chụp rằng: “Bất chấp sự phản đối từ nhiều quốc gia dân chủ, tội danh trốn thuế vẫn được cơ quan chức năng sử dụng như một lá bài hữu hiệu để kết án những người hoạt động trong lĩnh vực xã hội dân sự”.

Không chỉ vụ án đối với Hoàng Thị Minh Hồng, trước đó, một số đối tượng bị xử lý hình sự liên quan đến tội danh “Trốn thuế” như Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương..., các thế lực thù địch, phản động, tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông thiếu thiện cảm với Việt Nam cũng thường xuyên dựng chuyện, xuyên tạc nhằm vu cáo Việt Nam đàn áp “những người bất đồng chính kiến”, bỏ tù “những nhà hoạt động môi trường”... 

Họ xuyên tạc rằng: “Luật thuế Việt Nam mù mờ khiến nhiều tổ chức, cá nhân gặp họa”; “Việt Nam chỉ cáo buộc tội trốn thuế với một số người?”; “Sử dụng tội trốn thuế để xiết các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam”; “Các nhà hoạt động bị bắt giữ vì ‘trốn thuế’, thực chất và hệ lụy”...

Thuế và tội “trốn thuế”

Nhìn từ góc độ xã hội, thuế là khoản đóng góp, bằng tài sản cho nhà nước do pháp luật quy định thành nghĩa vụ đối với các cá nhân hoặc tổ chức, đáp ứng nhu cầu chỉ tiêu của nhà nước.

Thuế ra đời và phát triển cùng với nhà nước, là công cụ chủ yếu để nhà nước thu ngân sách. Do đó, bản chất và công dụng xã hội của thuế gắn với bản chất của nhà nước. Thuế được thu dưới hình thức hiện vật hoặc bằng tiền. Người có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước là tổ chức, cá nhân có các hoạt động sản xuất, kinh doanh, có thu nhập hoặc tài sản được pháp luật xác định là đối tượng chịu thuế nên quan hệ thu, nộp này không mang tính đối giá. Thuế là khoản Nhà nước thu đối với tổ chức, cá nhân, là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước và Nhà nước không có nghĩa vụ hoàn trả lại khoản tiền thuế này cho người nộp.

Theo quy định của Hiến pháp nuớc Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn đặt ra hoặc bãi bỏ các thứ thuế và cũng quy định: “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định”.

Có thể khẳng định thuế là một khoản thu quan trọng bậc nhất của ngân sách nhà nước đối với mọi quốc gia nói chung, vai trò của thuế thể hiện như sau: Thuế đảm bảo phúc lợi xã hội cho các đối tượng chính sách và đồng thời là nguồn lực quan trọng để triển khai xây dựng hạ tầng xã hội như điện, đường, trường, trạm... trên cả nước phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Thuế phân bổ, cân bằng lại thu nhập làm giảm, hạn chế khoảng cách giàu nghèo trong xã hội hiện nay. 

Bởi lẽ, thuế đánh chủ yếu vào những đối tượng có thu nhập, thu nhập cao và ngược lại nhà nước luôn có chính sách miễn, giảm thuế cho các đối tượng có thu nhập thấp, đối tượng chính sách... Thuế tăng cường phát triển kinh tế, xã hội và cuộc sống của người dân. Đồng thời thuế cũng đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong xã hội nói chung. Đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi nộp thuế sẽ được kê khai, giảm trừ thông qua các chính sách đối với từng loại thuế. Như vậy, thuế có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, nhà nước và dân tộc.

Tội trốn thuế là hành vi khai báo gian dối trong sản xuất, kinh doanh, các khoản thu nhập... để không phải đóng thuế hoặc đóng mức thuế thấp hơn nhiều so với mức phải đóng. Tội trốn thuế được quy định tại điều 200 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) với hình phạt nghiêm khắc nhất là bảy năm tù và phạt tiền 4.500.000.000 đồng.

Xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế

Cần khẳng định, không riêng Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới cũng có những quy định hết sức chặt chẽ liên quan đến thuế. Tuỳ theo tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm thì người phạm tội sẽ phải chịu những chế tài tương ứng. Trên thế giới, những người nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực bị bắt, bị phạt về tội trốn thuế không phải là chuyện hiếm gặp. 

Trong lĩnh vực giải trí, nhiều sao Hollywood đã bị cáo buộc trốn thuế. Năm 2007, nam ca sĩ Marc Anthony bị buộc tội trốn thuế trong suốt 4 năm với giá trị lên đến 2,5 triệu USD. Nam diễn viên từng đoạt giải Oscar Nicolas Cage thậm chí phải ngồi tù 3 năm vì không khai khoản thu nhập từ năm 1994-2004. Cầu thủ bóng đá Lionel Messi cũng bị kết án 21 tháng tù treo do 3 lần trốn thuế từ khoản thu nhập 4,1 triệu euro bản quyền hình ảnh từ năm 2007 đến 2009... Điều đó cho thấy rằng, bất kể ở quốc gia nào, nếu trốn thuế, phạm pháp thì phải chịu các biện pháp xử lý tương ứng.

Ở Việt Nam, Tòa án nhân dân các cấp cũng đã xét xử không ít vụ án hình sự đối với tội danh “Trốn thuế”. Điển hình như ngày 20/6/2023, Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã mở phiên toà phúc thẩm xét xử vụ án hình sự và tuyên án bị cáo Lê Thuỳ Diễm 5 năm tù về tội “Trốn thuế”, 2 năm tù về tội "Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước"; đầu tháng 7 năm 2023, Tòa án nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội trốn thuế tại Công ty Cổ phần Toàn Phát; tháng 3 năm 2023, Tòa án quân sự Quân khu 7 đã xét xử và tuyên phạt ông Đinh Ngọc Hệ (còn gọi là Út trọc) 5 năm tù về tội trốn thuế; ngày 8/5/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đưa ra xét xử vụ án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo bị Phạm Minh Hưng (SN: 1975, HKTT: xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) về tội “Trốn thuế”...

Trở lại vụ án hình sự về tội “Trốn thuế” đối với Hoàng Thị Minh Hồng, trong quá trình cơ quan chức năng tiến hành khởi tố, bắt tạm giam, xét xử, tuyên phạt tù đối với bà Hoàng Thị Minh Hồng theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Tại phiên tòa, bị cáo Hoàng Thị Minh Hồng thừa nhận hành vi phạm tội, tỏ rõ ăn năn, hối cải về việc làm sai trái của mình; hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng để mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Chính vì vậy, không có lý do gì để một số cơ quan, tổ chức quốc tế lại can thiệp vào hoạt động tư pháp của Việt Nam; càng không cho phép các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị dựng chuyện, xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ các hoạt động của các cơ quan tố tụng Việt Nam.

Đức Minh

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ