A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CIVICUS và cái nhìn lệch lạc về xã hội dân sự ở Việt Nam

QPTĐ-CIVICUS là tên viết tắt của tổ chức “Liên minh toàn cầu vì sự tham gia của công dân”, một tổ chức phi chính phủ được thành lập ở Nam Phi. Những năm gần đây, CIVICUS liên tục có những nhận định, đánh giá thiếu khách quan, sai lệch bản chất về vấn đề dân chủ, nhân quyền nói chung, về xã hội dân sự ở Việt Nam nói riêng. Mới đây, CIVICUS lại đưa ra cái gọi là “xếp hạng về không gian xã hội dân sự và quyền tự do dân chủ”, trong đó đánh giá lệch lạc, méo mó, thậm chí xuyên tạc vấn đề xã hội dân sự ở Việt Nam.

CIVICUS luôn có cái nhìn lệch lạc về xã hội dân sự ở Việt Nam.

Xã hội dân sự và xã hội dân sự ở Việt Nam

Hiện nay có rất nhiều khái niệm về xã hội dân sự. Theo một số học giả và tổ chức nước ngoài, khái niệm xã hội dân sự xuất hiện sớm nhất ở nước Anh, và được hiểu là việc những con người sống trong cộng đồng. Theo lý thuyết của Scottish (thế kỷ XVIII), xã hội dân sự có nghĩa là xã hội văn minh với một nhà nước không độc đoán. 

Đến thế kỷ XIX, Hegel mô tả xã hội dân sự như là một phần của đời sống đạo đức, bao gồm ba yếu tố gia đình, xã hội dân sự và nhà nước, trong đó các cá nhân theo đuổi những lợi ích riêng trong giới hạn đã được pháp luật thừa nhận... Còn theo CIVICUS, xã hội dân sự là "diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường, nơi mà mọi con người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung".

Trên cơ sở quan điểm của C.Mác, cùng với sự tổng kết các quan điểm về xã hội dân sự, Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Yêm, nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân đã khái quát về xã hội dân sự: Xã hội dân sự là tập hợp các mối quan hệ (và thiết chế tương ứng đi kèm) giữa các cá nhân trong khuôn khổ của một quốc gia-dân tộc (Nation-State), được xác định với những đặc tính cơ bản như: Tính tự nguyện, tính phi lợi nhuận và tính tự quản. Xã hội dân sự được xem là lĩnh vực nằm cạnh và độc lập với thị trường và nhà nước.

Tuy có nhiều khái niệm khác nhau, song điểm chung của các khái niệm đó là nếu không có tổ chức phi chính phủ thì không thể hình thành xã hội dân sự. Hiện nay tại Việt Nam có 3 loại hình tổ chức phi chính phủ phổ biến là: Các tổ chức phi chính phủ mang tính quốc gia; tổ chức phi chính phủ mang tính quốc tế và tổ chức phi chính phủ mang tính chất chính phủ. Theo thống kê đến cuối năm 2022 đã có hơn 900 tổ chức phi chính phủ nước ngoài có quan hệ và hoạt động tại Việt Nam và hơn 101.000 tổ chức phi chính phủ Việt Nam đã và đang hoạt động.

Ngoài ra, để đáp ứng đòi hỏi các hiệp định thương mai tự do (FTA), Việt Nam đã sửa đổi Bộ luật Lao động, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, theo đó người lao động có quyền thành lập, tham gia các tổ chức công đoàn độc lập, các tổ chức của người lao động theo quy định của pháp luật. Điều 25 Hiến pháp quy định: “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện quyền này do pháp luật quy định”. 

Để cụ thể hóa Hiến pháp và các luật, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, ngày 21/4/2010 về Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Nghị định số 93/2019/NĐ-CP, ngày 25/11/2019 về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; Nghị định 80/2020/NĐ-CP, ngày 08/7/2020 về Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam; Nghị định số 58/2022/NĐ-CP, ngày 31/8/2022 về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam... 

Như vậy, có thể thấy pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng quyền lập hội, nếu các hội ấy thực sự vì quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và tuân thủ quy định pháp luật.

Cái nhìn lệch lạc của CIVICUS

Trở lại cái gọi là “xếp hạng về không gian xã hội dân sự và quyền tự do dân chủ”, trong đó CIVICUS xếp Việt Nam vào danh sách có không gian xã hội dân sự và quyền tự do dân chủ “bị đóng kín” hay “closed”. CIVICUS cho rằng: “Tại Việt Nam, hàng trăm trang web đã bị chặn và chính quyền đã gây áp lực lên các nền tảng truyền thông xã hội để tăng cường kiểm duyệt các bài đăng chống Nhà nước”. 

Ở Việt Nam, hơn 100 các nhà bảo vệ nhân quyền vẫn đang bị giam cầm với các cáo buộc bịa đặt là “Tuyên truyền chống Nhà nước” và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Gần đây hơn, điều luật “Trốn thuế” đã được sử dụng để bỏ tù những người bảo vệ nhân quyền...

Đây thực sự là một cái nhìn lệch lạc, méo mó về xã hội dân sự ở Việt Nam. Nếu nói về xã hội dân sự ở Việt Nam thì Mặt trận Tổ quốc là tổ chức xã hội dân sự lớn nhất. 

Cùng với đó là các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc; các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp như: Hội Luật gia Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam... 

Các tổ chức này đã có nhiều đóng góp trong việc phát huy dân chủ, xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật và thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; chủ động tham gia cung ứng dịch vụ công, hỗ trợ cho hoạt động của Chính phủ trong việc phân phối và nâng cao chất lượng dịch vụ, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo..., góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, trên danh nghĩa là tổ chức nhân quyền, CIVICUS lại không quan tâm đến thực tế hoạt động của các tổ chức nói trên để từ đó có những xem xét, đánh giá chân thực, đúng đắn về xã hội dân sự ở Việt Nam, mà chỉ tập trung bảo vệ một số tổ chức, cá nhân đội lốt xã hội dân sự đã và đang có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. 

Điển hình như phạm nhân Trương Văn Dũng bị phạt tù về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự lại được CIVICUS gắn cho cái mác là “nhà hoạt động vì quyền đất đai” cho có vẻ là xã hội dân sự. Hoặc bị cáo Phan Sơn Tùng bị tuyên phạt 6 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự nhưng CIVICUS gắn cho cái mác là nhà hoạt động. CIVICUS cũng thừa nhận Phan Sơn Tùng có “chủ trương thành lập nhóm đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền”...

Không cho phép đội lốt xã hội dân sự để chống phá

Có thể thấy, hiện nay, các thế lực thù địch xem việc thành lập, củng cố các tổ chức đội lốt xã hội dân sự là một hướng đi mới, là một trong những phương thức tác động cơ bản của chiến lược “diễn biến hòa bình” với mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam. 

Mục tiêu của các thế lực thù địch là lợi dụng vấn đề xã hội dân sự tìm cách thúc đẩy sự xuất hiện các lực lượng, tổ chức chính trị đối lập, làm suy yếu sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Các thế lực thù địch cho rằng, hình thành “xã hội dân sự độc lập về chính trị” là một “lối thoát” cho sự ra đời công khai, hợp pháp của các tổ chức, lực lượng chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, buộc Việt Nam phải chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Chúng ra sức cổ vũ cho hình thành ở Việt Nam một mô hình “xã hội dân sự độc lập về chính trị” kiểu phương Tây, nằm ngoài sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thoát ly khỏi sự quản lý của Nhà nước.

Thực hiện âm mưu đó, các thế lực thù địch đã và đang triệt để lợi dụng tính chất chính trị, xã hội phức tạp của “xã hội dân sự” để tác động vào hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều phương thức khác nhau, từ tuyên truyền lừa bịp, thổi phồng, cường điệu hóa vai trò của xã hội dân sự, cung cấp tài chính, phương tiện hoạt động đến gây sức ép với Đảng, Nhà nước ta trong quan hệ đối ngoại. 

Các đối tượng chống đối nhân danh chiêu bài “xã hội dân sự”, “dân chủ”, “nhân quyền”... để tập hợp lực lượng, lập hội, nhóm với tên gọi, khẩu hiệu, tôn chỉ, mục đích dễ gây “ấn tượng” với thị hiếu của từng nhóm xã hội nhất định, như “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Hội tù nhân lương tâm”, “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Hội bầu bí tương thân”, “Hội nhà báo độc lập”, “Hội anh em dân chủ”...

Để góp phần phòng, chống âm mưu lợi dụng vấn đề xã hội dân sự chống phá Đảng và Nhà nước, chúng ta cần đề cao cảnh giác, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tiến hành các hoạt động tuyên truyền về âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề xã hội dân sự để tác động chuyển hóa chính trị. Đảng, Nhà nước cần ban hành các chủ trương, chính sách, xây dựng hệ thống văn bản pháp luật phù hợp, điều chỉnh hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội phù hợp với định hướng phát triển đất nước. Tăng cường công tác quản lý các tổ chức xã hội, không để các thế lực thù địch lợi dụng. Đặc biệt, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động của các thế lực thù địch bên ngoài câu kết, hậu thuẫn cho số đối tượng chống đối trong nước thành lập các tổ chức phản động dưới danh nghĩa, vỏ bọc xã hội dân sự.

Đức Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ