A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo đảm quyền sống, quyền hưởng và duy trì tiêu chuẩn sống trong đại dịch Covid-19

 

QPTĐ-Những ngày gần đây, đại dịch Covid-19 lần thứ tư quay trở lại Việt Nam với tính chất ngày càng phức tạp đã tác động ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, kinh tế, xã hội của đất nước. Trước các biện pháp cấp bách, quyết liệt phòng chống dịch bệnh của Nhà nước, một số tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông thiếu thiện chí với Việt Nam lại bày trò xuyên tạc, vu cáo Việt Nam “lợi dụng Covid-19 để vi phạm nhân quyền”. Họ đâu biết, Việt Nam đang nỗ lực cao nhất để bảo đảm quyền sống, quyền hưởng và duy trì tiêu chuẩn sống của con người.

Chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Ấn Độ về nước. (Ảnh: Internet)

Quyền sống, quyền hưởng và duy trì tiêu chuẩn sống

Quyền sống là quyền cơ bản của con người. Quyền sống được quy định tại Điều 3 của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (UDHR) năm 1948 và được cụ thể hóa tại Điều 6 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) năm 1966. Theo đó: Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện. Ủy ban Quyền con người (UNHRC)-cơ quan giám sát thực hiện ICCPR giải thích rõ hơn: Quyền sống là “một quyền cơ bản của con người mà trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia, cũng không thể bị vi phạm...”. Quyền sống không nên hiểu theo nghĩa hẹp chỉ là sự toàn vẹn về tính mạng mà phải hiểu quyền này bao gồm cả những khía cạnh nhằm bảo đảm sự tồn tại của con người. Theo cách tiếp cận đó, việc bảo đảm quyền sống còn đòi hỏi các quốc gia phải thực thi những biện pháp để làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và tăng tuổi thọ bình quân của người dân, cụ thể như các biện pháp nhằm xóa bỏ tình trạng suy dinh dưỡng và các dịch bệnh... tức là bao gồm cả các biện pháp thụ động và chủ động.

Quyền hưởng và duy trì tiêu chuẩn sống thích đáng lần đầu tiên được đề cập trong Khoản 1 Điều 25 UDHR, trong đó nêu rằng, mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống thích đáng, đủ để bảo đảm sức khỏe và phúc lợi của bản thân và gia đình. Quy định kể trên sau đó được tái khẳng định và cụ thể hóa trong Điều 11 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (ICESCR): Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận quyền của mọi người được có một mức sống thích đáng cho bản thân và gia đình mình, bao gồm các khía cạnh về ăn, mặc, nhà ở, và được không ngừng cải thiện điều kiện sống. Các quốc gia thành viên phải thi hành những biện pháp thích hợp để bảo đảm việc thực hiện quyền này và vì mục đích đó, thừa nhận tầm quan trọng thiết yếu của hợp tác quốc tế dựa trên sự tự do chấp thuận. Tóm lại, quyền hưởng và duy trì tiêu chuẩn sống thích đáng là tập hợp của các quyền liên quan đến việc bảo đảm những điều kiện cơ bản của cuộc sống như ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế..., trong đó, quan trọng nhất là quyền có đủ lương thực, thực phẩm và quyền có nhà ở thích đáng.

Nỗ lực bảo đảm cuộc sống cho người dân

Việt Nam xác định đặt con người vào vị trí trung tâm của các chính sách phát triển; coi con người là vốn quý nhất, chăm lo cho con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ. Mọi chủ trương, chính sách phát triển đều xuất phát từ con người, lấy con người là trung tâm. Tăng trưởng và phát triển kinh tế vì con người, đi đôi với phát triển các mặt về văn hóa, giáo dục, nâng cao dân trí, bảo vệ và cải thiện môi trường. Mục tiêu nhất quán của mọi chính sách xã hội do Đảng và Nhà nước Việt Nam đề ra đều hướng trọng tâm vào con người, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất của mọi thành viên trong xã hội, bảo đảm những nhu cầu tối thiểu nhất của con người là ăn, ở, mặc, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, khám chữa bệnh và nâng cao thể chất của con người Việt Nam.

Với quan điểm đó, Việt Nam luôn nỗ lực để bảo đảm quyền con người, trong đó, giá trị cốt lõi nhất là quyền sống, quyền hưởng và duy trì tiêu chuẩn sống phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Trong đại dịch Covid-19, trước vô vàn khó khăn, điều này một lần nữa lại được khẳng định. Vậy nhưng vẫn còn những tiếng nói lạc lõng của Tổ chức theo dõi nhân quyền, có trụ sở tại Hoa Kỳ lại cáo buộc Việt Nam dù chống dịch thành công nhưng đã lợi dụng Covid-19 để biện minh cho các hành động vi phạm nhân quyền. Thậm chí, tổ chức này còn xuyên tạc khi cho rằng "Việt Nam đang lợi dụng Covid-19 để vi phạm nhân quyền". Trong khi đó, trang BBC tiếng Việt lại “soi mói” về cách dùng từ của báo chí Việt Nam khi đưa tin lịch trình di chuyển của một số ca dương tính Covid-19. Trước việc một ca F1 ở Bắc Giang không tự giác đi cách ly tập trung, cơ quan chức năng buộc cưỡng chế, BBC, RFA cũng giật tít câu like, hàm ý Việt Nam vi phạm nhân quyền… 

Thực tế, với phương châm "Chống dịch như chống giặc", "Không để ai bị bỏ lại phía sau"..., Việt Nam đã đưa ra những quyết định sáng suốt, kịp thời, phù hợp với điều kiện đất nước, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế, có hành động quyết liệt, tạo nên sự đồng thuận trong toàn dân, huy động được sức mạnh toàn dân tộc để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, bảo đảm an toàn, ổn định xã hội. Yếu tố có tính quyết định, xuyên suốt, đưa tới những kết quả tích cực trong phòng, chống đại dịch Covid-19 là Việt Nam luôn xác định giá trị cốt lõi của phát triển là tôn trọng đầy đủ quyền con người, tạo điều kiện giúp con người có cơ hội phát triển mọi mặt, đồng thời bảo vệ thân thể và phẩm giá con người bằng mọi khả năng có thể. Bởi vậy, mới có những “chuyến bay thần kỳ vào tâm dịch” để đưa công dân về nước; những “cây ATM gạo”, “siêu thị hạnh phúc 0 đồng” mở cửa để cung cấp miễn phí, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, quần áo, sách… cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Hay giữa lúc cao điểm làn sóng Covid-19 thứ tư, hàng nghìn cán bộ y tế, sinh viên ngành y-dược bất chấp khó khăn, gian khổ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng đã xung phong vào tâm dịch Bắc Giang để hỗ trợ người dân, công nhân lao động trọng các khu công nghiệp phòng chống dịch. Đó là nhận thức, là hành động thiết thực để thực hiện nghĩa vụ bảo vệ sự sống, bảo vệ quyền sống, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe và tiếp cận chăm sóc sức khỏe mà Liên Hợp quốc luôn nhấn mạnh, kêu gọi chính phủ các quốc gia trên thế giới phải thực hiện nghiêm túc.

Phương Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ