A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam

Bài 4: Xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội

QPTĐ- Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta. Những kết quả tích cực, toàn diện trên mọi mặt đời sống xã hội đã khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa; đồng thời là minh chứng sinh động, đập tan âm mưu, luận điệu phủ nhận kết quả thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam. Đây cũng là nội dung bao trùm các mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực tập trung 4: Thúc đẩy công lý, hòa bình và quản trị toàn diện.

Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới.

Khu vực tập trung 4 gồm mục tiêu phát triển bền vững số 5-Đạt được bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; mục tiêu phát triển bền vững số 10-Giảm bất bình đẳng trong xã hội và mục tiêu phát triển bền vững số 16-Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp.

Nhiều thành tựu về bình đẳng giới

Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, đặc biệt là mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược bình đẳng giới (theo Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020), Việt Nam thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Điều này thể hiện rõ ràng nhất ở sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỉ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý.

Trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 19 đồng chí nữ (9,5%), Quốc hội khóa XV đạt tỉ lệ 30,26% nữ đại biểu, cao nhất từ trước đến nay. Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh có 16% đồng chí nữ, HĐND cấp tỉnh có 29% đại biểu nữ… Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%. Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, xếp thứ 9/58 quốc gia, nền kinh tế được nghiên cứu; nhiều doanh nhân nữ có uy tín và xếp hạng cao trong khu vực và thế giới. Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, nhiều phụ nữ đã đoạt giải khu vực và quốc tế. Các nữ đại sứ, nữ cán bộ ngoại giao, nữ công an, nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc đã trở thành các "sứ giả" của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của nước ta trong hoạt động đối ngoại…

Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái vẫn là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trước các nguy cơ cũng như cần có thêm nhiều hơn nữa các cơ hội bình đẳng. Hiện nay, chỉ số bất bình đẳng giới của Việt Nam xếp thứ 65/162 quốc gia và vùng lãnh thổ; xếp 87/156 về chỉ số thu hẹp khoảng cách giới. Mặc dù được Liên hiệp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, tuy nhiên Việt Nam vẫn còn tồn tại vấn nạn ngược đãi phụ nữ, nhất là ở những vùng dân trí chưa cao, định kiến về giới vẫn còn tồn tại và gây nhiều thiệt hại không chỉ cho đối tượng yếu thế mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Như vậy, mặc dù đã có nhiều thành tựu về bình đẳng giới, song để đạt mục tiêu phát triển bền vững số 5 vào năm 2030, Việt Nam cần chú trọng giải quyết các vấn đề về mất cân bằng giới tính khi sinh, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Bảo đảm công bằng xã hội

Mục tiêu phát triển bền vững số 10 về giảm bất bình đẳng trong xã hội có nội hàm là: Đảm bảo cơ hội, bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực và hưởng lợi cho tất cả mọi người, đặc biệt thông qua các chính sách an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe. Điều này cũng trùng khớp với chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng được ghi nhận trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội...”.

Thực tế, sau hơn 35 năm đổi mới, quá trình thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trong 35 năm qua đạt khoảng 7%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 23 lần, từ 159 USD/năm (1985) lên 3.743 USD/năm (2021). Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi giảm từ 6,9% của năm 2001 xuống 3,22% năm 2021. Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả nổi bật. Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều…

Chính sách bảo trợ, an sinh xã hội được thực hiện ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, Nhà nước dành nhiều nguồn lực, biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, như giảm, giãn thuế, phí, lệ phí; giảm giá điện, nước, dịch vụ viễn thông; khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất tín dụng...

Công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt được nhiều thành tựu. Quy mô giáo dục phát triển, cơ sở vật chất được nâng cao, chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu về nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho sự phát triển đất nước. Hệ thống y tế được tổ chức đến tận thôn, bản không những phát huy tốt hoạt động y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu mà trong nhiều lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật khám, điều trị, chữa bệnh đã đạt trình độ tiên tiến của thế giới. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2022 đạt 92,04% dân số.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong đảm bảo bình đẳng xã hội trong thời gian qua, song Việt Nam vẫn còn gặp thách thức trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 10 về giảm bất bình đẳng trong xã hội. Trong đó, đáng chú ý là khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm giàu nhất và nghèo nhất ngày càng doãng ra; chính sách tài khóa tiền lương cần bảo đảm tính bình đẳng; thực hiện chính sách di cư có kế hoạch và được quản lý tốt.

Xây dựng nhà nước pháp quyền

Nhà nước pháp quyền là nhà nước bảo đảm tính tối thượng của pháp luật trong đời sống xã hội, trong đó pháp luật phải phản ánh ý chí chung, lợi ích chung của nhân dân, thực hiện và bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Ở Việt Nam, những giá trị cốt lõi của nhà nước pháp quyền về chủ quyền nhân dân, về tư tưởng đề cao giá trị công bằng, công lý, quyền con người đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới từ những ngày đầu lập nước; trở thành tư tưởng xuyên suốt của cách mạng Việt Nam.

Trên thực tế, trong những năm qua, xây dựng thể chế minh bạch, hiệu quả và có trách nhiệm giải trình ở tất cả các cấp là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta. Thể chế về tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới, loại bỏ sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật của nhân dân, nâng cao hiểu biết pháp luật. Hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý, điều hành được nâng cao, tạo thuận lợi cho cá nhân và tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính.

Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều tiến bộ. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đạt nhiều kết quả. Công tác đối thoại, tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được triển khai tốt hơn. Quyền làm chủ của nhân dân, các hình thức dân chủ đại diện được phát huy; dân chủ trực tiếp được mở rộng.

Cùng với đó, Luật Tiếp cận thông tin được xây dựng nhằm bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin với tư cách là quyền cơ bản của công dân có ý nghĩa làm tiền đề, điều kiện cho việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ khác của con người như quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền bầu cử, ứng cử, quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, quyền khiếu nại, quyền tố cáo, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…

Tuy nhiên, xét về tổng thể, Việt Nam sẽ còn gặp thách thức để đạt được mục tiêu phát triển bền vững số 16 vào năm 2030. Cụ thể, vẫn tồn tại những hạn chế, khó khăn như tình trạng bạo lực vẫn diễn biến phức tạp; việc chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp chưa theo đúng lộ trình; công tác phòng chống tham nhũng tuy tạo được sự thay đổi tích cực nhưng chưa thực sự mang tính đột phá; việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế.

Đức Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ