A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam

Bài 3: Phát triển kinh tế bền vững để hiện thực hóa khát vọng hùng cường

QPTĐ- Trong các mục tiêu phát triển bền vững thì phát triển kinh tế là một thành tố quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực khác. Có phát triển kinh tế thì mới có khả năng đầu tư cho con người, trước hết là chấm dứt nghèo ở mọi nơi, xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực. Có phát triển kinh tế mới có nguồn lực để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nói cách khác, mục tiêu phát triển bền vững suy cho cùng là vì con người, vì cuộc sống thịnh vượng, tốt đẹp hơn của con người.

Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên được xem là vấn đề then chốt của phát triển kinh tế bền vững.

Khát vọng hùng cường

Đi ra từ hai cuộc chiến tranh vào loại tàn khốc nhất của lịch sử nhân loại, bằng ý chí quật cường, khát vọng mãnh liệt, Việt Nam đã và đang gặt hái được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Chúng ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng. Kinh tế tăng trưởng cao và ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn hóa, xã hội có bước phát triển mới; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được củng cố; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. 

Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta…”.

Đất nước đạt được những thành tựu to lớn trên mọi mặt từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhưng chúng ta không được ngủ quên trên chiến thắng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở: “Chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thoả mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức”. Đó là thành quả đạt được chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của đất nước cũng như kỳ vọng của người dân. 

Sự gia tăng phân hóa giàu-nghèo, chênh lệnh giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng kinh tế tạo ra nhiều tác động tiêu cực trong xã hội. Phát triển kinh tế chưa thật sự bền vững; năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu. Những vấn đề về sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu còn nhiều yếu kém... 

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Lĩnh vực văn hóa, xã hội chưa có nhiều đột phá, hiệu quả chưa cao; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu còn bất cập...”.

Đối diện với khó khăn, thách thức, nhìn thẳng vào những yếu kém, thay đổi để tiến bộ hơn, kế thừa những nền tảng sẵn có, học hỏi kinh nghiệm và tiếp nhận có chọn lọc những thành tựu từ các quốc gia đi trước, dám chấp nhận loại bỏ những thứ không còn phù hợp là cách tốt nhất để chúng ta phát triển bền vững đất nước, hiện thực hòa khát vọng hùng cường của dân tộc.

Phát triển kinh tế bền vững

Trong các mục tiêu phát triển bền vững, khu vực tập trung “Thịnh vượng và Hợp tác” bao gồm: Mục tiêu 5-Đạt được bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; mục tiêu 8-Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; mục tiêu 10-Giảm bất bình đẳng trong xã hội, mục tiêu 12-Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững và mục tiêu 17- Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.

Theo Báo cáo quốc gia, Việt Nam có khả năng hoàn thành 5/17 mục tiêu phát triển bền vững; 10 mục tiêu sẽ còn gặp khó khăn, thách thức để hoàn thành và 2 mục tiêu sẽ rất khó để hoàn thành vào năm 2030. Trong khu vực tập trung “Thịnh vượng và Hợp tác”, Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu 17 về lĩnh vực hợp tác, song mục tiêu số 12 về sản xuất và tiêu dùng bền vững sẽ rất khó hoàn thành. Các mục tiêu số 5, số 8 và số 10 sẽ còn gặp khó khăn, thách thức để hoàn thành.

Cụ thể, về mục tiêu số 17, với việc tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, Việt Nam đã bước vào kỷ nguyên của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Thế và lực của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao trên tất cả các phương diện từ chính trị-kinh tế-xã hội đến văn hóa và thể thao. Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam xếp vị trí 67/141 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018. 

Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao thuộc loại hàng đầu của khu vực và được IMF đánh giá nằm trong Top 20 nền kinh tế đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Với các kết quả đạt được liên quan đến các mục tiêu cụ thể, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu phát triển bền vững số 17 về tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững đến năm 2030.

Việt Nam rất khó để hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững số 12 về bảo đảm mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030. Chúng ta chỉ có thể đạt 1 mục tiêu cụ thể đến năm 2030 liên quan tới các chính sách về thuế, giá đối với nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, có tới 3 mục tiêu được đánh giá sẽ rất khó đạt vào năm 2030, bao gồm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên; quản lý vòng đời của các loại hóa chất và chất thải; giảm đáng kể lượng chất thải phát sinh và tái chế tái sử dụng, thu hồi năng lượng từ xử lý chất thải. Những mục tiêu còn lại vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, đòi hỏi cần có những nỗ lực và thực hiện chính sách phù hợp.

Trong những năm qua, kinh tế vĩ mô của Việt Nam cơ bản ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên. Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu dịch chuyển sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể, tăng độ mở của nền kinh tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn. Khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn và trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ chắc chắn hoàn thành 5/10 (chiếm 50%) mục tiêu cụ thể của mục tiêu phát triển bền vững số 8 về tăng trưởng kinh tế và việc làm, gồm tăng trưởng GDP bình quân đầu người, tạo việc làm, xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và tăng cường năng lực thể chế tài chính. 

Trong đó, tăng trưởng trung bình trong 4 năm (2016-2019) đạt 6,8%. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng sâu sắc của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là quốc gia hiếm hoi trên thế giới tăng trưởng kinh tế dương. Năm 2022, kinh tế Việt Nam cũng hồi phục nhanh, tăng trưởng đạt 8,02%. Tương ứng với tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người giai đoạn 2016-2020 đạt 5,5%, vẫn cao hơn lộ trình mục tiêu đặt ra là 4-4,5%.  

Tuy nhiên, có 4 mục tiêu cụ thể còn gặp khó khăn, thách thức để hoàn thành, gồm mục tiêu về năng suất lao động và đổi mới công nghệ, mục tiêu về việc làm bền vững, tăng trưởng các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, mục tiêu về sử dụng nguồn lực hiệu quả và giảm tác động của tăng trưởng kinh tế lên môi trường và mục tiêu về tăng trưởng du lịch bền vững. Trong khi đó, mục tiêu về đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho mọi người sẽ rất khó để hoàn thành.

Đức Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ