A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam nghiêm túc thực hiện khuyến nghị theo Cơ chế UPR

Bài 1: Hoàn thiện pháp luật, thể chế về quyền con người

QPTĐ-Trong khuôn khổ Khóa họp 41 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, tại Phiên họp thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ III ngày 7/4/2019, Việt Nam chấp thuận 241 trong tổng số 291 khuyến nghị mà các quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ đưa ra. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo UPR chu kỳ III với nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, hoàn thiện pháp luật, thể chế về quyền con người là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. 

Việt Nam dự kiến nghiên cứu đề xuất gia nhập thêm 15 công ước của ILO trong giai đoạn 2021-2030.

Nhiều khuyến nghị thiết thực

Trong số 241 khuyến nghị Việt Nam chấp thuận, có khoảng 40 khuyến nghị thuộc nhóm hoàn thiện pháp luật, thể chế về quyền con người. Việt Nam rất coi trọng các khuyến nghị này bởi việc thực hiện các khuyến nghị không chỉ thể hiện sự nghiêm túc, minh bạch của Việt Nam đối với vấn đề nhân quyền mà còn thúc đẩy quá trình cải cách tư pháp, củng cố thể chế, chính sách, pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Có thể kể một số khuyến nghị của các quốc gia thành viên như: Tiếp tục thúc đẩy và giám sát việc thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận thông qua chương trình định hướng thực hiện các khuyến nghị của Cộng hòa Dominica. Xem xét triển khai một cơ chế quốc gia thực hiện, báo cáo và tiếp nối các khuyến nghị của UPR của Haiti. Xem xét việc tăng cường các chính sách hiện có về quyền con người thông qua việc xây dựng một kế hoạch hành động quốc gia tổng thể của Ukraine. Theo đuổi các nỗ lực để thực hiện hiệu quả cải cách thể chế, pháp luật và chính sách nhằm củng cố và thúc đẩy quyền con người của Lebanon. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân được đóng góp trong quá trình dự thảo và xây dựng văn bản pháp luật của Mông Cổ. tiếp tục tăng cường pháp quyền, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống tư pháp hình sự có tính đến quyền con người của các nghi phạm và tù nhân, và thúc đẩy việc thực thi tư pháp hình sự công bằng và minh bạch của Nhật Bản. Tiếp tục hoàn thiện pháp quyền và cải cách pháp luật nhằm củng cố nền tảng thể chế, pháp lý và chính sách nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Turkmenistan. 

Đặc biệt là một số khuyến nghị từ các quốc gia Đông Nam Á liên quan đến người lao động như khuyến nghị của Thái Lan về việc rà soát pháp luật về lao động và tính đến việc đưa ra các sửa đổi phù hợp dựa trên các chuẩn mực của ILO và quyền con người áp dụng được, nhằm đảm bảo nâng cao điều kiện làm việc và bảo vệ người lao động, trong đó có trước mối đe dọa lao động cưỡng bức; hay khuyến nghị của Indonesia về Hoàn thiện Bộ luật Lao động để đảm bảo tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền của người lao động, trong đó có công ước ILO mà Việt Nam là thành viên…

Đối với những khuyến nghị này, Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo UPR chu kỳ III của Chính phủ cũng xác định rõ: Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền, thúc đẩy cải cách tư pháp, củng cố thể chế, chính sách, pháp luật về quyền con người phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật. Việt Nam cũng cam kết tiếp tục rà soát pháp luật về lao động nhằm bảo đảm quyền của người lao động; rà soát Luật Bình đẳng giới, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến vấn đề bạo lực đối với phụ nữ, phòng chống mua bán người, quyền của người bị bắt giữ; tiếp tục nội luật hóa Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; hoàn thiện luật bảo đảm quyền của người lao động di cư; nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện pháp luật về chống phân biệt đối xử trên cơ sở xu hướng tình dục và bản dạng giới; hoàn thiện pháp luật về chống phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, bảo đảm quyền cho người khuyết tật; xem xét thay đổi quy định tuổi trẻ em thành 18 tuổi phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em; tiếp tục thúc đẩy cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng… Chính phủ Việt Nam cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu về khả năng thành lập Cơ quan nhân quyền quốc gia.

Xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện pháp luật

Mới đây, tại Hội thảo quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Chủ tịch nước nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Nhà nước pháp quyền là những giá trị có tính phổ quát trên thế giới, cả trong nghiên cứu lý luận và thực tiễn chính trị-pháp lý. Những tư tưởng, giá trị phổ biến và tiến bộ của nhà nước pháp quyền đó là đề cao vai trò của pháp luật trong tương quan của nó với quyền lực của Nhà nước. Theo đó, Nhà nước phải đặt mình dưới pháp luật, chịu sự ràng buộc của pháp luật; tư tưởng về chủ quyền nhân dân với tính cách là nguồn gốc tính chính đáng, tính hợp pháp của nhà nước; đề cao các giá trị công bằng, công lý, quyền con người.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chính thức xác định Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo là một trong 8 đặc trưng của xã hội XHCN mà Việt Nam xây dựng. Hiến pháp năm 2013 (Điều 2) cũng khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Mới đây nhất, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Nghị quyết Đại hội XIII cũng xác định rất rõ việc phát huy giá trị con người Việt Nam, con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển. Như vậy, quan điểm về xây dựng nhà nước pháp quyền của Việt Nam là rất rõ ràng và minh bạch.

Trên thực tế, những năm qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện pháp luật nói chung, pháp luật về quyền con người nói riêng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Từ năm 2019 đến tháng 6-2021, Quốc hội Việt Nam đã thông qua 36 luật, trong đó có nhiều luật liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân như Bộ luật Lao động, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính... Đối với khuyến nghị về “Xây dựng Luật chống phân biệt đối xử”, Việt Nam đã đưa nhiệm vụ này vào Kế hoạch tổng thể cấp quốc gia về việc tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền với thời hạn thực hiện là năm 2022. Việt Nam cũng tạo điều kiện thuận lợi cho công dân được đóng góp trong quá trình dự thảo và xây dựng văn bản pháp luật. Cụ thể,  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 đã bổ sung nội dung quy định rõ hơn trách nhiệm phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các tổ chức chính trị-xã hội cũng tổ chức phản biện xã hội nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của đoàn viên, hội viên của tổ chức mình như: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phản biện xã hội nhiều dự thảo luật, dự thảo báo cáo quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phản biện xã hội những dự thảo văn bản liên quan đến chính sách, việc làm của Thanh niên; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phản biện dự thảo liên quan đến chính sách nông dân, nông thôn… Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp để thực hiện khuyến nghị về các quy định của bộ Luật Hình sự như: Nghiên cứu khả năng sửa đổi và đề xuất hoàn thiện pháp luật hình sự về hình phạt tử hình; tư pháp hình sự; phòng chống bạo lực giới và mua bán người đã được đưa vào Kế hoạch tổng thể cấp quốc gia về việc tăng cường thực thi hiệu quả ICCPR. 

Đặc biệt, đến thời điểm này, Việt Nam đã gia nhập 25 công ước của ILO, bao gồm 7 trong tổng số 8 công ước cơ bản liên quan đến các lĩnh vực thương lượng tập thể, phòng chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Theo Bản ghi nhớ, Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục nghiên cứu việc gia nhập thêm các công ước của ILO phù hợp với yêu cầu, điều kiện và thực tiễn kinh tế-xã hội của Việt Nam. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam dự kiến nghiên cứu đề xuất gia nhập thêm 15 công ước của ILO nhằm thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế ở Việt Nam.

Những nỗ lực, thành tựu quan trọng của Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thể chế về quyền con người là sự cam kết mạnh mẽ thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận trong Cơ chế UPR nói riêng và trong bảo đảm quyền con người nói chung.

Nguyễn Trung Nguyên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ