A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xứng đáng là những “chiến sĩ tiên phong” trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTĐ-Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; coi đây là cuộc đấu tranh liên tục, bền bỉ, lâu dài và là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt quyết định đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam, cũng như thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để đạt được mục tiêu đó, Đảng ta cũng xác định trong đó phải có vai trò tiên phong, đóng góp quan trọng của báo chí cách mạng. Vì vậy, báo chí không chỉ là “chiến sĩ tiên phong” mà còn là công cụ sắc bén để bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí cách mạng Việt Nam.
Ảnh: Internet

Vai trò “vũ khí lý luận” sắc bén
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn bó với báo chí. Người luôn coi báo chí là phương tiện để vận động, tập hợp lực lượng cách mạng, tổ chức thực hiện mục tiêu cách mạng một cách nhanh chóng, sâu rộng, hiệu quả nhất. Chính vì vậy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, hay bất cứ giai đoạn, tình thế nào, Bác cũng vẫn quyết sáng lập, chỉ đạo, phát hành những tờ báo cách mạng. Nên ngay khi thành lập Báo Thanh niên ngày 21/6/1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”, vậy nên báo chí cần “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”; “cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”. “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”. 

Như vậy, báo chí là một bộ phận quan trọng của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Để làm được điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”. 

Và thực tiễn đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 98 năm qua, Báo chí cách mạng Việt Nam đã luôn làm tốt chức năng tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát hiện, nhân rộng ra toàn xã hội cái hay, cái đẹp, những điển hình, những nhân tố mới; đồng thời, phải tích cực đấu tranh phê phán cái xấu, tiêu cực, tham ô, tham nhũng, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. 

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội chính trị ra sức chống phá, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó tập trung công kích những nguyên lý cơ bản và những luận điểm chính trị then chốt cả về lý luận và thực tiễn, những bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác-Lênin. 

Từ đó đưa ra lập luận đối lập chủ nghĩa Mác-Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, xuyên tạc, chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhất là triệt để lợi dụng và khoét sâu vào những vấn đề nhạy cảm, những thiết sót, bất cập mà chính quyền chưa kịp thời giải quyết, như giải phóng mặt bằng, xử lý ô nhiễm môi trường, an ninh năng lượng, rồi cả cuộc chiến đấu tranh phòng, chống “tham nhũng” của Đảng, để chống phá, xuyên tạc sự thật, bôi nhọ nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên. 

Bên cạnh đó, chúng còn trực tiếp tấn công vào nền báo chí cách mạng Việt Nam, với chiêu bài “tự do báo chí, tự do ngôn luận”, từ đó vu cáo Đảng và Nhà nước ta “vi phạm quyền tự do báo chí”, “vi phạm quyền tự do ngôn luận”, âm mưu “phi chính trị hóa” báo chí nước ta, tách rời báo chí khỏi sự lãnh đạo của Đảng, làm cho báo chí mất phương hướng chính trị, mất tính chiến đấu. Đây là sự chống phá hết sức thâm độc, nguy hiểm của các thế lực thù địch, phản động. 

Để đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái đó, trong cuộc chiến cam go “không tiếng súng” ấy, báo chí đã góp phần tuyên truyền, phổ biến, lan tỏa những giá trị, tính khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thông tin trung thực, đầy đủ, kịp thời về tình hình đất nước và thế giới, các sự kiện chính trị, những thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; những gương người tốt, việc tốt để góp phần phòng, chống “diễn biến hòa bình”, ngăn chặn thông tin xấu, độc. 

Đồng thời, phản ánh, nhận diện chính xác, cụ thể những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch trong và ngoài nước chống phá Đảng, Nhà nước ta đến với đông đảo quần chúng nhân dân, giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thuận, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Yêu cầu đặt ra đối với người làm báo 
Từ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ có thể khẳng định, báo chí vừa là công cụ đấu tranh vừa là phương tiện giám sát nhằm phòng, chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tuy nhiên, thời gian qua, có không ít người làm báo không giữ vững phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí tha hóa. 

Do đó, để phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện trên, cấp ủy, tổ chức Đảng trong các cơ quan báo chí cần tập trung thực hiện có hiệu quả hai giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhằm phát huy cao độ vai trò của cơ quan báo chí trong đấu tranh và giám sát phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TƯ ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” gắn với thực hiện Kết luận số 53-KL/TƯ ngày 4/6/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin sai sự thật, xấu độc trên internet, mạng xã hội. 

Tích cực tham gia hưởng ứng Phong trào thi đua “Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo” theo 6 tiêu chí do Hội Nhà báo Việt Nam phát động. Tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đối với đội ngũ biên tập viên, phóng viên, xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ nghề nghiệp ngày càng cao, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm đối với chính tờ báo và bạn đọc của mình. Từ đó làm cơ sở xây dựng cơ quan báo chí trở thành một “pháo đài” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Cùng với đó, từng cán bộ, phóng viên cần phải phát huy tính tự giác, tích cực, chủ động tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, phương pháp, tác phong công tác trên tinh thần nghiêm túc, nói đi đôi với làm, xây đi đôi với chống, nói và viết đúng chỉ thị, nghị quyết của Đảng, gương mẫu, tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, lối sống, như tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại lời của V.I.Lênin và căn dặn: “Về trách nhiệm báo chí, Lênin có nói: Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung.

 Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”. Thực hiện tốt những lời căn dặn đó thì người làm báo mới “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” vượt được mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nguyễn Văn Tuân

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ