A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không để tham nhũng lạm dụng từ truyền thống văn hóa

 

QPTĐ-Tình trạng tham nhũng, tiêu cực hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như: Tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, lối sống thực dụng, cậy chức, cậy quyền, sự trỗi dậy của lòng tham cá nhân, khiến cho nhiều cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) phai nhạt lý tưởng, vi phạm những nguyên tắc của Đảng, dẫn đến tham ô tham nhũng. Luận giải về hiện tượng tham nhũng thì nhiều, nhưng trong đó có nguyên nhân sâu xa thuộc về mặt trái lạc hậu của yếu tố văn hóa truyền thống, đã tạo nên mảnh đất thuận lợi dung dưỡng cho tham nhũng phát triển. Vì vậy, nhận diện những yếu tố này là cần thiết, để có những biện pháp loại bỏ, từ đó góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội.

Tranh minh họa: Internet

Ảnh hưởng từ “tư tưởng tiểu nông”

Văn hóa truyền thống của Việt Nam được sản sinh từ nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, nền sản xuất nhỏ lẻ và manh mún, nên người nông dân tự lo liệu mọi việc. Cùng với đó, là nghèo đói, thiếu thốn quanh năm của người nông dân trên nền tảng sản xuất nhỏ khiến họ luôn quan tâm đến những lợi ích của bản thân khi có điều kiện, dù là rất nhỏ, thậm chí vì mối lợi nhỏ nhặt trước mắt mà quên đi cái lợi lớn, lâu dài. Chính vì thế, cùng với việc hình thành các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, thì từ đó hình thành nên tâm lý tiểu nông, tư lợi, thu vén cá nhân, còn cái chung, cái của tập thể thì mặc kệ, tiêu biểu là “cha chung không ai khóc”, hay “có lụt thì lút cả làng”, sống bình yên an phận, ít quan tâm đến những diễn biến xung quanh, dẫn đến thói quen trọng tình, trọng nghĩa hơn trọng lý, “trăm cái lý không bằng tý cái tình”. Tất cả những điều này hình thành nên một hệ ý thức văn hóa tiểu nông, không có thói quen sử dụng pháp luật để đấu tranh với cái sai, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình khi bị xâm phạm dẫn đến thái độ thỏa hiệp, sống chung với bất công và tham nhũng. Đối với CB, ĐV mang tư tưởng tiểu nông, họ thường lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong hoạt động chung để kiếm lợi bất chính. Không khó để nhận ra số CB, ĐV này, trong sinh hoạt luôn tỏ thái độ “im lặng là vàng”, nể nang, né tránh, ngại va chạm khi phê bình và tự phê bình, dù biết rất rõ hành vi tiêu cực của đồng chí, đồng đội nhưng không muốn phê bình, tố giác, vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân, sợ bị mang tiếng là cạn tàu ráo máng và cho rằng tham nhũng là tài sản chung, chứ đâu phải tài sản của mình nên không đấu tranh. Vậy nên, khi trong tổ chức Đảng có đảng viên bị kỷ luật, bị xử lý pháp luật rồi, thì lúc đó họ mới tỏ thái độ “Ông ấy vi phạm từ lâu rồi, bây giờ tổ chức mới phát hiện được thì quá muộn”. Còn trong giải quyết công việc, thì luôn mang tư tưởng làm ơn, ban phát, có đi có lại mới toại lòng nhau, từ đó nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. 

Chúng ta đều biết, văn hóa truyền thống của nước ta có nhiều phong tục tập quán rất tốt đẹp, cụ thể như truyền thống “thương người như thể thương thân”, hoặc khai vị một câu chuyện được bắt đầu bằng “miếng trầu”, nói đến miếng trầu làm cho mỗi chúng ta thấy được không khí giao tiếp đầm ấm gần gũi, cởi mở với nhau, khi miếng trầu cay quện với cau và vôi tạo nên nước trầu đỏ tía, làm người ăn nóng lên, hơi thở nồng ấm, lâng lâng, nên “miếng trầu là đầu câu chuyện”, ý nói người mời muốn truyền cảm giác êm ái lâng lâng này cho người thân quý, cho bạn bè khi bắt đầu giao tiếp. Và miếng trầu còn là sự thể hiện lòng thành kính của thế hệ sau với các thế hệ trước, cho nên trên mâm cỗ thờ cúng gia tiên của người Việt có trầu cau. Còn trong lễ cưới, hỏi và mâm cỗ cúng tơ hồng vị thần của hôn nhân, bao giờ cũng phải có buồng cau và tệp lá trầu. Ăn trầu là một nét văn hóa truyền thống độc đáo, truyện cổ “Sự tích trầu cau” càng làm thiêng liêng hóa việc ăn trầu, một “mỹ tục” của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, từ nét văn hóa đặc sắc này đã bị lợi dụng, để biện minh, ủng hộ cho hành vi bôi trơn, quà cáp tiếp tay cho tham nhũng, tiêu biểu như trong vụ án ở Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần nghe nhìn AVG, “miếng trầu” mà Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch HĐQT AVG làm đầu câu chuyện khi gặp ông Nguyễn Bắc Son, Nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là hối lộ 3 triệu USD. Hay trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, để trúng thầu cung cấp thiết bị, vật tư y tế,  Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á đã không ngại bỏ ra hàng tỷ đồng để lót tay, thế nên “miếng trầu” đi trước ấy không còn là một tập tục tốt đẹp nữa mà đã bị lạm dụng, biến tướng thành hành vi tham nhũng. Theo thống kê của Ủy ban kiểm tra Trung ương, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, cao gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII, trong đó có 8 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sỹ quan cấp tướng, đều liên quan đến tham nhũng, cấu kết với nhau để chia chác tài sản công. Nhưng có một điều trùng hợp kỳ lạ ở đây, tất cả số cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ bị kỷ luật đó, đều có chung lỗi phạm là “Vi phạm các nguyên tắc của Đảng”, qua đó cho thấy, lối sống tùy tiện tiểu nông, vô nguyên tắc, coi thường pháp luật là nguyên nhân chủ yếu. Vậy nên có thể khẳng định, tham nhũng thực chất là bắt nguồn từ hành vi thiếu văn hóa mà nguyên nhân là từ tư tưởng tiểu nông tạo nên.

Văn hóa là “chìa khóa” xóa bỏ tham nhũng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ”. Do đó, cùng với việc ngăn chặn tham nhũng bằng cơ chế kiểm soát quyền lực, chính sách, kiểm tra, giám sát, thì cần quan tâm chú trọng xây dựng văn hóa đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, để hướng con người đến những giá trị tốt đẹp của chân, thiện, mỹ. Từ đó, tạo ra nền tảng tinh thần vững chắc để giáo dục, để phòng, chống tham nhũng từ góc độ văn hóa truyền thống mới là giải pháp căn cơ, mới có thể xóa bỏ tận gốc, triệt để tham nhũng. Do đó, các tổ chức Đảng phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ cho đội ngũ CB, ĐV chống lại chủ nghĩa cá nhân, loại bỏ dần nét tâm lý cá nhân thu vén, tư lợi. Bởi lẽ, đạo đức tạo nên uy tín của người CB, ĐV, là cơ sở để giáo dục, thuyết phục và lãnh đạo quần chúng, là tấm gương sáng cho quần chúng noi theo. Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công vẫn giữ vững tinh thần khiêm tốn, luôn đi đầu trên mọi trận tuyến, trong thời chiến cũng như trong thời bình, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo. Nguyên tắc cơ bản của đạo đức cách mạng là chủ nghĩa tập thể, mình vì mọi người. Khi có văn hóa đạo đức cách mạng, thì lý tưởng cao đẹp của CB, ĐV sẽ là vì nước, vì dân, từ đó sẽ không có vụ lợi cá nhân, không có hành vi tham nhũng. Vì vậy, trong tuyên truyền giáo dục, bồi dưỡng CB, ĐV hàng năm, các tổ chức đảng cần tập trung vào các nội dung bồi dưỡng về đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ và trách nhiệm trong thực hiện đúng pháp luật, thấy được việc phục vụ nhân dân là trách nhiệm, bổn phận và vinh dự thiêng liêng của mỗi CB, ĐV. Từ đó làm cơ sở cho mỗi CB, ĐV tự rèn đức, luyện tài, hoàn thiện nhân cách của bản thân trong hoạt động thực tiễn, nêu gương sống có văn hóa, đạo đức cách mạng, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Ngoài tuyên truyền, giáo dục cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị các cấp cần xây dựng các bộ quy tắc ứng xử, chuẩn mực cụ thể về văn hóa đạo đức nghề nghiệp, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục một cửa, tăng cường kiểm tra, giám sát CB, ĐV, công chức trong thực thi công vụ, khen thưởng và kỷ luật kịp thời; tích cực bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”, lấy cái đẹp dẹp bỏ cái xấu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là công khai, minh bạch cơ chế, chính sách để nhân dân hiểu và nghiêm túc thực hiện, dần xóa bỏ tâm lý dựa vào mối quan hệ thân quen để giải quyết công việc, dẫn đến tiếp tay cho tham nhũng tiêu cực phát triển. Từ đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho nhân dân, hướng tới bồi đắp các giá trị văn hóa tiên tiến, tích cực, tốt đẹp, đồng thời phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái thấp hèn, lạc hậu ra khỏi đời sống xã hội.

NGUYỄN VĂN TUÂN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ