Hãy để “danh thơm” lưu đọng mãi
QPTĐ-Tinh thần đồng cam cộng khổ vượt qua khó khăn, thử thách, đấu tranh chống chọi với thiên tai, địch họa, cố kết cộng đồng làng xã, gắn bó thủy chung là một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc ta. Vì vậy, khi gia đình, quê hương có người học hành đỗ đạt, thì không những được mọi người kính trọng vì “con hơn cha là nhà có phúc”, mà còn rất tự hào bởi đã tìm ra người đem tài đức cống hiến cho cộng đồng, cho đất nước, chở che cho dòng họ, xóm làng. Nên câu thành ngữ “Một người làm quan cả họ được nhờ” là một trong những mong muốn có ý nghĩa tích cực như thế. Tuy nhiên, do liên quan đến nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền, mang nặng tư tưởng “con ông cháu cha”, nên câu thành ngữ trên đã bị biến tướng theo hướng xấu.
Cần xóa bỏ quan niệm “Một người làm quan cả họ được nhờ”. (Tranh minh họa: Internet)
Áp lực từ những suy nghĩ tiêu cực
Xin không nêu tên cụ thể, nhưng câu chuyện của thầy dạy tôi là một ví dụ điển hình như thế. Thầy là Phó Chính ủy một nhà trường có tiếng trong quân đội, sau hơn 30 năm cống hiến với sự nghiệp giáo dục đào tạo, thầy được Đảng, Nhà nước, quân đội cho về nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tướng, hiện tại gia đình thầy đang ở trong khu tập thể của nhà trường. Lâu rồi mới có dịp gặp lại thầy, sau một hồi thầy trò hàn huyên tâm sự, khi tôi hỏi thầy có hay về quê không, bỗng dưng những nếp nhăn trên trán thầy như nhíu lại, trùng xuống, mắt nhìn xa xăm ánh lên vẻ đượm buồn. Thầy chậm rãi tâm sự: “Lâu rồi mình cũng ít về”. Qua câu chuyện tâm sự của thầy, tôi mới thấu hiểu áp lực của người “làm quan”. Theo như thầy chia sẻ, trước đây mỗi năm có bốn đến năm đoàn đại diện cho các hội, nhóm, như: Hội khuyến học, câu lạc bộ thể thao, kiến thiết đường làng, xây nhà truyền thống… của làng, xã rồi cả của huyện đến gặp thầy để quyên góp ủng hộ. “Mình có là doanh nghiệp gì đâu. Lương công chức Nhà nước chỉ có hạn, rồi còn phải lo cho gia đình, con cái. Phải chắt bóp chi tiêu mới đủ sinh hoạt. Nhiều thì không có, chỉ có chút ít ủng hộ theo phong trào”. Nên mỗi khi về quê, thường bị mọi người đem ra so sánh, đánh giá là “kém” so với một số người khác trong xã cũng là cán bộ, làm “quan”, thậm chí “quan” còn bé hơn thầy, nhưng vẫn lo được cho con cháu họ hàng, đóng góp cho làng, xã.
Qua câu chuyện của thầy, tôi chợt nhớ ra dân ở quê mình cũng thế, mỗi lần về quê, thỉnh thoảng tôi lại được nghe mọi người trong xóm chê trách về trường hợp của bác “X”, nguyên là Thứ trưởng của một Bộ đã nghỉ hưu. Lí do, là vì làm cán bộ trên Trung ương mà không dìu dắt được đứa cháu nào vào biên chế Nhà nước để nối nghiệp, không đưa được “công trình, dự án” nào về quê hương để phát triển, không vun vén, giúp ích gì cho làng, cho xã cả. Vậy đấy, mọi người thường mặc định, làm “quan” là có chức, có quyền, lắm tiền nhiều của, thích gì được đấy, càng làm cán bộ cao cấp “quan to” thì quê hương dòng họ càng được nhờ vả nhiều, bởi vì, quê hương là “chùm khế ngọt”, sinh ra lớn lên ở đâu, nếu thành đạt, trở thành cán bộ thì phải có trách nhiệm giúp đỡ ở đó, mà ở đó là gì? là gia đình, dòng họ, làng xã. Đây chính là những suy nghĩ tiêu cực, có tính phổ biến, ăn sâu, bám rễ trong suy nghĩ của nhiều người dân ở các địa phương, trở thành áp lực lớn đối với những người con thành đạt của quê hương. Không chỉ thế, trong nhiều trường hợp, cán bộ giữ vị trí quan trọng còn bị người thân quen mượn oai, mượn danh để thị uy, dọa dẫm người khác, hoặc lợi dụng làm ăn phi pháp. Chính áp lực từ suy nghĩ tiêu cực này, đã khiến không ít cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) có chức vụ, quyền hạn không làm chủ được bản thân, gục ngã khi đưa ra các quyết định thiếu nguyên tắc, như: Đầu tư, quy hoạch nhiều công trình, dự án không phù hợp với tiềm năng, lợi thế phát triển của địa phương, dẫn đến gây lãng phí nguồn lực đầu tư từ ngân sách, làm mất cơ hội phát triển của địa phương khác. Hoặc tìm cách lách luật để nâng đỡ, bổ nhiệm người thân, người nhà khiến cho dư luận bức xúc. Điển hình như công tác bổ nhiệm cán bộ ở Bắc Ninh, Hà Giang…
Ngọc chỉ sáng khi “dĩ công vi thượng”
Muốn vượt qua được áp lực từ những suy nghĩ tiêu cực này, đòi hỏi mỗi CB, ĐV phải luôn giữ vững khí tiết, bản lĩnh “dĩ công vi thượng” chí công vô tư của người đảng viên chân chính, phải biết hy sinh và đặt lợi ích của nước, của dân, của Đảng lên trên, lên trước việc tư. Một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng ta đã chỉ rõ là: Tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích. Đây là vấn đề tiêu cực đang là trở lực lớn kéo lùi sự phát triển, nguy cơ phá hỏng thượng tầng kiến trúc chế độ xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.
Thực tiễn đã chứng minh, một trong những yếu tố làm nên thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta, đó là Đảng ta đã tôi luyện ra được nhiều CB, ĐV vị công vong tư, kiên trung lẫm liệt. Như trường hợp của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng là một viên ngọc sáng ngời như thế, đó là, khi con trai duy nhất của mình là Phạm Sơn Dương bước vào tuổi trưởng thành, đã nhận được rất nhiều lời mời đi học ở nước ngoài được cấp học bổng, nhưng cố Thủ tướng đã từ chối tất cả, ông không muốn con trai mình hưởng đặc quyền đặc lợi. Vì thế, thay cho con đi học ở nước ngoài, ông quyết định đưa con nhập ngũ khi chiến tranh biên giới nổ ra và đối xử như một người lính bình thường, cầm súng trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, chứ không lạm dụng vào quyền cao để can thiệp tổ chức phải ưu tiên con của Thủ tướng. Còn nhớ trong các hội nghị của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nhắc nhở CB, ĐV: Tiền bạc lắm để mà làm gì, chết có mang được đi đâu. Danh dự mới là cái quý giá nhất... Đúng vậy, danh dự mới là tiếng thơm muôn thuở, nên dù thời gian có xóa nhòa đi theo năm tháng, nhưng khi nhắc tới những vị quan thanh liêm, công minh, chính trực, yêu thương dân như con, thì chẳng cần sách vở gì, chúng ta có thể nhớ ngay đến “Quan hành khiển Nguyễn Trãi với khoan thư sức dân làm sâu rễ bền gốc, hay việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, không màng danh lợi, đem tài đức giúp dân, giúp ích cho đời.
Do đó, tư tưởng đòi hỏi bất công, vô lý từ áp lực được nhờ cậy từ việc “làm quan” là nguyên nhân dẫn đến CB, ĐV thiếu bản lĩnh sẽ bị sa ngã, lạm dụng quyền lực được giao. Bên cạnh việc cố tình làm sai để trục lợi, thì việc phải cố gắng lo cho người thân, người nhà mà nhiều cán bộ sinh ra cục bộ, thu vén lợi ích cá nhân, bỏ qua mọi nguyên tắc, quy chế trong công việc, chuyên quyền độc đoán, tha hóa, biến chất. Vì vậy ngày 28/4/2022 vừa qua, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký Quy định số 65-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. Trong đó, Điều 4 quy định rất rõ về phạm vi, đối tượng, chức danh luân chuyển cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị. Đây chính là giải pháp hiệu quả để cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp xóa bỏ triệt để tư tưởng rào cản “con ông cháu cha”, tư duy làng, xã, cục bộ địa phương. Do đó, để Quy định số 65 của Bộ Chính trị đạt hiệu quả và đi vào cuộc sống, trong quá trình thực hiện, các cấp ủy tổ chức Đảng, chính quyền cần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng đến mọi tầng lớp nhân dân, rà soát quy trình công tác giới thiệu, bố trí nhân sự và luân chuyển cán bộ chặt chẽ, để không thể cố tình ưu ái người thân, người không xứng đáng đứng vào hàng ngũ của Đảng và bộ máy của chính quyền. Đối với những CB, ĐV làm việc tắc trách, nhũng nhiễu, xa dân ngoài việc phê phán, lên án cần có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm minh.
Hiện nay, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tạo ra cho chúng ta nhiều cơ hội từ học tập, nghiên cứu, đến tiếp thu nền khoa học-kỹ thuật và tạo công ăn việc làm. Cho nên, những người thân trong gia đình, làng xóm của cán bộ cũng phải loại bỏ tư duy “nhờ cậy”, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường trong sạch, lành mạnh để cán bộ toàn tâm, toàn ý, chăm lo phát triển địa phương, lĩnh vực mình công tác.
NGUYỄN VĂN TUÂN