Đừng để thi đua chỉ là phong trào cho có
QPTĐ-Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Đây chính là mục tiêu, động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng, gắn liền với sự phát triển của dân tộc. Tuy nhiên có những tập thể, cá nhân chạy theo thành tích mà bất chấp điều kiện, quy định, tạo ra những “thành tích ảo” để tạo uy tín, che mắt dư luận, làm cho động lực thi đua bị biến tướng.
Thi đua tạo sức mạnh đoàn kết, góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.
Xuất phát từ bệnh thành tích
Cuối năm là thời điểm các cơ quan, đơn vị từ địa phương đến Trung ương tiến hành bình xét, đánh giá thành tích của tập thể, cá nhân trong quá trình công tác để vinh danh và khen thưởng. Nếu khen thưởng đúng sẽ có tác dụng động viên, khích lệ, thúc đẩy phong trào thi đua phát triển, hiệu quả sẽ được lan tỏa trong đời sống xã hội. Ngược lại, nếu khen thưởng không đúng sẽ tạo nên sự bất bình trong dư luận, hạn chế động cơ phấn đấu của những tập thể, cá nhân có thành tích thực sự. Do đó, việc bình xét thi đua phải được thực hiện khách quan, công tâm, nghiêm túc, khen thưởng đúng người đúng việc mới tạo ra được động lực, kích thích sự sáng tạo, góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo không khí thi đua làm việc sôi động, hiệu quả.
Thế nhưng, không ít cơ quan, đơn vị còn xem nhẹ công tác thi đua, khen thưởng, hoặc còn nặng về hình thức. Biểu hiện rõ nhất đó là tổ chức phát động hoành tráng, ký kết nội dung nhưng làm không thực chất, có không ít ngành, đơn vị các phong trào thi đua “chồng” lên thi đua, rồi chỉ “phát” mà không “động” nên nội dung thi đua chỉ nằm trên giấy, hay chỉ té nước theo mưa. Đến khi tổng kết, bình xét thì nghĩ cách làm sao để cá nhân mình, đơn vị mình đạt thành tích như đã đăng ký. Vì vậy, thường né tránh khuyết điểm, “tô hồng” thành tích bằng báo cáo với kiểu đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Chưa kể đến tâm lý xét thi đua “cào bằng, phân bổ, chỉ định trước”, mà bỏ qua quan điểm lấy hiệu quả công việc làm thước đo phẩm chất năng lực của tập thể, cá nhân. Thế nên ở đâu đó, nơi này nơi kia vẫn còn hiện tượng khen thưởng luân phiên hoặc tập trung ưu tiên cho một số cá nhân sắp đến kỳ nâng lương trước thời hạn, dẫn đến nhiều cá nhân nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” xong, không muốn nhắc đến vì ngại, vì chưa thực sự xứng đáng. Những tấm bằng khen được trao mang về cất kỹ, với mục tiêu “méo mó” là dùng làm báo cáo, khai hồ sơ, có ý nghĩa trong việc đề bạt, bổ nhiệm, tăng lương. Với cách tổ chức phong trào thi đua rồi bình xét khen thưởng kiểu đó, thì đương nhiên là không đem lại hiệu quả, không phát hiện và nhân rộng được những “hạt giống đỏ”, không làm cho những bông hoa đẹp trong vườn hoa thi đua được nở rộ, không tạo ra động lực năng lượng tích cực cho đất nước. Đúng như lời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi khai mạc Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XV, đề cập dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi): Cần đảm bảo công khai, minh bạch, khắc phục chuyện trong thi đua khen thưởng cũng “chạy”. “Chạy” danh hiệu, “chạy” bằng khen, giấy khen, “chạy” anh hùng. Thậm chí có trường hợp vừa phong Anh hùng xong đã phải xử lý rồi.
Sức sống, hiệu quả của thi đua
Tâm lý chung của con người là ai cũng thích được khen ngợi, được ghi nhận, được vinh danh khi bản thân có những công lao đóng góp xứng đáng cho cộng đồng và xã hội. Như vậy, thành tích là điều tốt đẹp, nên thi đua để đạt thành tích cao hơn không phải là điều xấu. Vấn đề ở chỗ, thành tích đạt được phải là thành tích thật, kết quả của những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, những trăn trở, suy tư không ngừng nghỉ, cùng cả những hy sinh lợi ích cá nhân để đem lại lợi ích cho cộng đồng và tập thể. Có như thế, động lực thi đua mới nảy nở, đơm hoa kết trái bằng hành động tự giác của mỗi người. Có thể khẳng định, thi đua yêu nước là thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, là một phương thức vận động cách mạng thiết thực và hiệu quả, nhằm phát huy năng lực, trí tuệ của mỗi người dân, tạo ra sức mạnh dời non, lấp biển của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều đó đã được chứng minh, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quân và dân miền Bắc đẩy mạnh phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, cả nước dấy lên phong trào thi đua: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tay búa, tay súng”, phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” trong thanh niên, “Ba đảm đang” trong phụ nữ… Đỉnh cao của các phong trào này đều đem lại thắng lợi vẻ vang như nguyện vọng cháy bỏng của Bác kính yêu là “Đánh cho Mĩ cút/Đánh cho Ngụy nhào/Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Cho nên, bình xét khen thưởng phải đúng người, đúng việc, khi đó thi đua mới thực sự trở thành động lực, góp phần khuyến khích, cổ vũ và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong phong trào thi đua yêu nước. Do đó, các cơ quan, đơn vị khi tổ chức các phong trào thi đua phải có mục đích, mục tiêu và có kế hoạch cụ thể. Phong trào thi đua phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, làm tốt công tác tuyên truyền, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Sau khi kết thúc mỗi phong trào hay đợt thi đua phải tiến hành tổng kết đánh giá cụ thể, chỉ ra được những thành tích tiêu biểu để phát huy, đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại để khắc phục, kết thúc đợt này chuyển ngay sang đợt thi đua mới cao hơn, chất lượng hơn. Có như vậy mới động viên, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào thi đua yêu nước, tạo nên sức mạnh đoàn kết của dân tộc trong lao động sản xuất và trong công tác chiến đấu, góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của cách mạng.
NGUYỄN VĂN TUÂN