Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất
QPTĐ- Dưới góc độ triết học, danh dự là một thành tố thuộc phạm trù đạo đức. Danh dự có ý nghĩa rất lớn thúc đẩy con người làm điều thiện, điều tốt, ngăn ngừa điều ác, điều xấu. Vì vậy, người xưa trọng danh dự còn hơn cả mạng sống của mình, bởi vì danh dự mới là điều “thiêng liêng cao quý” nhất. Đối với cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) danh dự không chỉ là phẩm giá cá nhân, mà còn là tấm gương phản chiếu sự trung thực, liêm khiết, tinh thần trách nhiệm với nhân dân, với Đảng. Lối sống này không chỉ là chuẩn mực đạo đức mà còn là sợi dây liên kết chặt chẽ với lý tưởng cách mạng, giúp cho mỗi CB, ĐV luôn giữ vững được phẩm chất đạo đức trong sáng, mà còn tích cực đấu tranh với các tệ nạn tham ô, tham nhũng tiêu cực hiện nay.
Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân.
Cái giá khi “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”
Danh dự làm nên phẩm hạnh con người, là thước đo giá trị của mỗi người trong xã hội. Với một người bình thường, danh dự đã là cao quý. Là CB, ĐV người lãnh đạo, quản lý, danh dự càng cao quý, thiêng liêng hơn nhiều.
Vì vậy, lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên nhắc nhở CB, ĐV phải luôn giữ gìn, bồi đắp đạo đức, nhân cách. Người căn dặn: “Hạnh dục phương”, nghĩa là đức hạnh, đạo đức phải vuông vắn, ngay thẳng, không làm điều gì khuất tất. Phải tránh xa những thói xấu “lười biếng, gian giảo, tham ô”. Phải biết sống “ngay thẳng, không có việc gì phải giấu Đảng”, “không tham địa vị. Không tham tiền tài”... Đó là phẩm chất, đức hạnh, danh dự của người cộng sản. Ông cha ta cũng đã đúc kết, nhắc nhở con cháu đừng “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, bởi vì tạo dựng được danh tiếng, thanh danh khó hơn rất nhiều so với việc làm mất uy tín, niềm tin và danh dự.
Điều này rất đúng khi chúng ta soi chiếu vào một số vụ án lớn vừa qua, cho thấy có nhiều bị cáo từng là cán bộ cấp cao, thậm chí là cấp chiến lược, bộ trưởng, bí thư thành ủy, hay chủ tịch tỉnh, thành phố, hoặc tướng lĩnh trong các lực lượng vũ trang, như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Đức Chung, Tất Thành Cang… từng có những đóng góp nhất định cho địa phương, đơn vị, là niềm tự hào của dòng họ, gia đình. Nhưng vì không kiên tâm, bền chí nuôi dưỡng, bồi đắp và bảo toàn uy tín, danh dự của bản thân, nên chủ nghĩa cá nhân đã trỗi dậy, thích ham muốn vật chất, công danh, phú quý, những thứ không thuộc về cá nhân nhưng lại muốn nó thuộc về mình, để nhu cầu và lợi ích riêng chi phối công việc, dẫn đến các vi phạm ở các mức độ khác nhau. Đến khi bước lên bục khai báo trước tòa, dù họ có thật sự nhận ra sai phạm của mình, có ăn năn hối cải thế nào đi chăng nữa, cũng không thể cứu vãn được danh dự bản thân.
Điển hình khi tòa cho nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Thanh Long nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế ân hận, xót xa: “Bị cáo có lỗi với gia đình, với đồng nghiệp, có lỗi với nhân viên ngành y tế. Bị cáo xin được gửi lời xin lỗi đến tất cả. Bị cáo thành thật xin lỗi”, còn bị cáo Chử Xuân Dũng cựu Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chua xót: “Phiên tòa này sẽ kết thúc trong những ngày tới. Tuy nhiên sẽ có một phiên tòa, tòa án lương tâm sẽ phán quyết bị cáo trong suốt cả cuộc đời”. Vậy đấy, danh dự, nhân phẩm, uy tín của một người không phải bỗng dưng mà có được, không thể mua được bằng tiền bạc hay địa vị mà “do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố”.
Ngày hôm qua anh là người tốt, có ích cho xã hội, nhưng nếu không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện thì chưa hẳn hôm nay anh còn là người tốt, thậm chí còn gây tổn hại cho uy tín, thanh danh của tổ chức, gây họa cho xã hội. Thực tế cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 141 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 31 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 24 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, đã xử lý hình sự 55 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 16 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, trong đó nhiều trường hợp phải xử lý hình sự, thậm chí án chồng án. Những bài học đau đớn, xót xa từ rất nhiều CB, ĐV chỉ vì chút lợi ích vật chất tầm thường, không vượt qua được cám dỗ “mồi phú quý, bả vinh hoa” mà đánh mất phẩm giá, danh dự, uy tín vẫn còn nguyên giá trị.
Tấm lòng son luôn chói sáng nghìn thu
Sức mạnh của Đảng, sự trường tồn của Đảng nằm ở lòng yêu nước, thương dân, phẩm chất chính trị, đạo đức, tài năng của người CB, ĐV. Vì danh dự, uy tín của Đảng, mà hàng vạn đảng viên dù phải chịu đòn tra tấn cực hình của kẻ thù, nếm mật nằm gai, đói rét, đau đớn về thể xác, đày đọa về tinh thần. Hay nhiều đảng viên khi ra pháp trường, nhưng vẫn trung kiên hiên ngang không hề run sợ trước họng súng của kẻ thù với niềm tin sắt đá “chiến thắng thuộc về những người yêu nước”, coi danh dự của Đảng, niềm tin của nhân dân gửi gắm lên trên hết.
Như đồng chí Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ trước lúc ra pháp trường năm 1944 đã nhắn gửi: Việc nước xưa nay có bại thành/ Miễn sao giữ trọn được thanh danh/ Phục thù, chí lớn không hề nản/ Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành… trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì danh dự mà hàng triệu CB, ĐV khắp mọi miền đất nước, trong các ngành, nghề, tổ chức chính trị, xã hội đã không ngại gian khổ, khó khăn, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, vượt qua bao khó khăn thường nhật, cám dỗ vật chất “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, bằng bàn tay, khối óc của mình, các đồng chí đảng viên đã lãnh đạo nhân dân chung sức xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, làm cho đất nước, quê hương đổi mới, thịnh vượng và phát triển. Tiêu biểu như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng… luôn đau đáu đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết, luôn coi trọng danh dự của người đảng viên. Đó chính là những tấm lòng son luôn chói sáng nghìn thu.
Vì uy tín, danh dự của Đảng, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, biết bao thế hệ CB, ĐV đã giữ trọn được thanh danh, đúng như lúc sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở, nhắn gửi CB, ĐV: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần. Vì vậy, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai mang tiếng, mọi người khinh bỉ. Để đến khi nhắm mắt xuôi tay, có thể tự hào rằng: Ta đã sống có ích, đã mang tất cả đời ta, tất cả sức ta hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời, vì vinh quang của Tổ quốc, của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, của con người; để con cháu chúng ta mai sau mãi mãi biết ơn, kính trọng, học tập và noi theo”.
Hiện nay, lối sống trọng danh dự không chỉ là một giá trị đạo đức, mà còn là yếu tố cốt lõi để củng cố và phát triển đạo đức cách mạng. Nó giúp CB, ĐV giữ vững phẩm giá, lòng tự trọng, từ đó tạo dựng uy tín và sự tôn trọng từ nhân dân. Chỉ khi mỗi CB, ĐV luôn tự rèn luyện, không ngừng hoàn thiện bản thân, thì mới có thể xây dựng được bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của nhân dân. Lối sống trọng danh dự chính là ngọn đuốc soi đường, giúp mỗi CB, ĐV vượt qua mọi cám dỗ, giữ vững lý tưởng cách mạng, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững.
CB, ĐV biết coi trọng danh dự là thứ “vũ khí” hữu hiệu để luôn giữ mình trong sạch, vững vàng, không để bị sa ngã, cám dỗ trước các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, sự mua chuộc, lôi kéo của các phần tử xấu, “lợi ích nhóm”; không để bị lợi dụng cương vị công tác làm phương hại đến lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và lợi ích chính đáng của nhân dân. Tuy nhiên, danh dự cũng không phải là điều gì đó bất biến, còn mãi, trái lại sẽ bị giảm sút, thậm chí mất đi nếu không biết giữ gìn, bảo vệ, bồi đắp.
Do đó, cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi CB, ĐV phải quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới”, làm cho CB, ĐV thật sự thấm nhuần sâu sắc các chuẩn mực đạo đức cách mạng một cách tự giác, thường xuyên như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Làm cho đạo đức cách mạng trở thành nét đặc trưng, nổi bật ở người CB, ĐV; trở thành vũ khí sắc bén, vượt qua mọi thách thức, cám dỗ, đẩy lùi mọi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Làm cho đạo đức cách mạng trở thành hồn cốt của văn hóa Đảng, định hướng, thúc đẩy xây dựng, củng cố nền tảng đạo đức, văn hóa, xã hội, lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, làm cho văn hóa, con người Việt Nam thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển và bảo vệ đất nước.
NGUYỄN VĂN TUÂN