A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm

QPTĐ-Tinh thần trách nhiệm là phẩm chất cao đẹp, CB, ĐV có tinh thần trách nhiệm là người luôn nhận thức rõ vị trí, vai trò của mình, sẵn sàng phấn đấu, hy sinh cho lý tưởng cách mạng, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân mà trước hết là thực hiện tốt nhiệm vụ được cơ quan, tổ chức phân công, thể hiện tốt chức trách của mình với đồng chí, đồng nghiệp, cơ quan, đoàn thể. Tuy nhiên, do thiếu tinh thần trách nhiệm nên dẫn đến một số CB, ĐV sợ sai, né tránh trách nhiệm, không có bản lĩnh, sáng tạo, làm việc cầm chừng, dễ làm khó bỏ, thành tích thì vơ cho mình, khuyết điểm thì tìm cách đổ lỗi cho người khác, nhiều quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước vì thế không đi vào cuộc sống. Đây chính là “U nhọt” trong cơ thể Đảng cần phải loại bỏ.

Tranh cổ động: Internet

Không có trách nhiệm sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy xấu

Trong cuộc sống cũng như trong công việc hằng ngày, không khó để nhận biết những CB, ĐV thiếu tinh thần trách nhiệm, nhất là những CB, ĐV là cán bộ lãnh đạo, quản lý, chủ trì cơ quan, đơn vị, tổ chức. Bởi vì, người cán bộ lãnh đạo, quản lý có trách nhiệm thường tích cực đi sâu, đi sát, lắng nghe ý kiến, tâm tư,nguyện vọng của quần chúng để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, giải quyết triệt để những hạn chế, tồn tại của cơ quan, đơn vị mình. 

Đồng thời, luôn tích cực kiểm tra, đôn đốc cán bộ cấp dưới thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Ngược lại, nếu thiếu tinh thần trách nhiệm, những CB, ĐV này thường làm việc cầm chừng, không phân công, phân cấp rõ ràng, không tạo không gian, môi trường, điều kiện, cơ chế dân chủ để cho đồng chí, đồng nghiệp, cấp dưới đề xuất kiến nghị đưa ra những sáng kiến hoặc phát biểu trao đổi thảo luận đi đến tận cùng của vấn đề trước khi quyết định, rồi cấp dưới chưa phát biểu thì đã phủ đầu. Họ không tích cực chủ động, sáng tạo, dám thay đổi những điều chưa hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ dần dần dẫn tới bảo thủ, trì trệ. Nguy hiểm hơn khi thấy đơn vị mình có biểu hiện mất đoàn kết cũng không nhắc nhở xử lý từ sớm từ xa, mà thậm chí còn kích động dùng người này để kiểm soát người kia, “Tọa sơn quan hổ đấu”, các chú cứ mất đoàn kết với nhau đi rồi lúc đấy anh xử lý kỷ luật.

Chúng ta đều biết, một trong những phương thức lãnh đạo cơ bản của Đảng, là muốn lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả thì đương nhiên đi cùng với đó là phải kiểm tra, kiểm soát. Người chủ trì, đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức cũng vậy, muốn công việc, nhiệm vụ của đơn vị mình hoàn thành tốt, thì trong bất kỳ công việc gì dù lớn hay nhỏ, dễ hay khó, khi giao việc cho cấp dưới đều phải định hướng, hướng dẫn, chỉ ra phương pháp tiếp cận như thế nào và tạo điều kiện để cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ. 

Cùng với đó, là tăng cường kiểm tra, giám sát, khi thấy cấp dưới gặp khó khăn, vướng mắc cần một niềm tin, cần một sự động viên, cần một chỗ dựa tin cậy về mặt chính trị thì người chủ trì phải tỏ rõ tinh thần trách nhiệm, cảm thông, đồng cảm, sẻ chia, cùng chung tay gánh vác, tháo gỡ khó khăn cho cấp dưới, đó chính là phong cách lãnh đạo, là đạo đức, văn hóa công vụ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở CB, ĐV: “Phải thương yêu đồng chí, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Tuy nhiên, đối với những CB, ĐV thiếu tinh thần trách nhiệm, họ không quan tâm chia sẻ, luôn mang tư tưởng giao việc cho cấp dưới là “xong nhiệm vụ”, né tránh trách nhiệm, tội vạ do cấp dưới chịu, chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân; không chấp hành kỷ luật, kỷ cương, quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và nhân dân, gây ra nhiều hệ lụy xấu, làm tổn hại nghiêm trọng cho nền đạo đức công vụ là văn hóa phục vụ nhân dân của Đảng. 

Và thực tế những năm qua, đã có hàng trăm CB, ĐV thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống đã bị kỷ luật, trong đó, có cả những đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo thiếu gương mẫu, đạo đức, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cá nhân chủ nghĩa, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao và phải chịu các hình thức kỷ luật đảng như cảnh cáo, cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng; bị pháp luật trừng trị, khởi tố, bắt giam. 

Cụ thể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật hơn 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Điều đó đặt ra yêu cầu phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức của người CB, ĐV đối với công việc để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các sai phạm của CB, ĐV ngay từ khi mới phát sinh.

Khắc phục theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đối với CB, ĐV, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”. Người giải thích: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy… là không có tinh thần trách nhiệm”.

Do đó, mỗi CB, ĐV khi thực thi nhiệm vụ cần phải gương mẫu về đạo đức, tự giác tuân thủ kỷ luật, giữ vững nền nếp công tác, tránh được những cám dỗ tầm thường. Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ phụ trách phải theo đường lối chung nhưng cũng phải suy nghĩ tìm tòi, có những sáng kiến riêng của mình, theo tinh thần “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, như thế công việc mới “chạy” được. Mọi người cần đoàn kết thân mật, hợp tác chặt chẽ như tay với chân thì công việc mới hoàn thành được. 

Bác chỉ rõ: “Đối với đồng chí mình phải thế nào? Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị”. Nếu trong một tập thể mà các thành viên có thành kiến với nhau, dè dặt, đối phó với nhau, kèn cựa lẫn nhau thì “nó làm cho trống đánh xuôi kèn thổi ngược, nó làm cho công tác bị tê liệt, hư hỏng”. 

Tuy nhiên, thân ái, hợp tác ở đây không phải là bao che khuyết điểm cho đồng nghiệp mà để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm kỷ luật trong thi hành công vụ và trong cuộc sống. Đồng thời, Bác cũng nhắc nhở chúng ta: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng ta, phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. 

Đối với những người có thói hư tật xấu, từ hạng người phản Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời”. Vậy nên trước khi đi xa, trong Di chúc Bác vẫn đau đáu căn dặn: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, nhắc nhở mỗi CB, ĐV phải “Trung với nước, hiếu với dân”, “luôn yêu thương con người”. Đó chính là phẩm chất đạo đức cộng sản của người cán bộ chân chính.

Hiện nay, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, một số nhân tố khách quan và chủ quan đã tác động gây ra tình trạng lệch chuẩn đạo đức công vụ ở một bộ phận CB, ĐV làm giảm lòng tin của nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực thi công vụ. Do đó, mỗi CB, ĐV, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp phải quán triệt sâu sắc, nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của CB, ĐV là “công bộc của nhân dân”, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, mệnh lệnh hành chính, xa rời quần chúng và thực tế công việc; nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống biểu hiện thờ ơ, vô cảm khi tiếp xúc, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân và trước khó khăn của nhân dân.

 Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát, tạo chuyển biến rõ nét về tác phong, thái độ của đội ngũ CB, ĐV trong thực thi công vụ, nhất là trên các lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Đối với CB, ĐV phải là người tiên phong, gương mẫu, đi đầu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực, luôn bám sát thực tiễn, biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đồng thời tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng công tác, rèn luyện bản lĩnh và năng lực lãnh đạo, quản lý, khả năng hợp tác, tổ chức thực hiện và sự chịu trách nhiệm; kiên quyết và kiên trì trong cuộc đấu tranh chống lại những biểu hiện sai trái, tiêu cực.

Nguyễn Văn Tuân

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ