A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Căn bệnh trọng hư danh, ham hình thức cần sớm loại bỏ

 

QPTĐ-Nhân cách đạo đức của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) được ví như tiếng chuông ngân. Tiếng chuông ấy sẽ ngân nga, vang xa khi người CB, ĐV biết khơi dậy khát vọng, làm lay động ý chí, niềm tin, quy tụ được sức mạnh quần chúng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng. Nhưng thực tế, vẫn còn những CB, ĐV mắc căn bệnh hư danh, coi trọng hình thức nên đã làm tiếng chuông nhân cách bị méo rè, què cụt, ảnh hưởng xấu đến uy tín của người CB, ĐV, làm giảm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng.

Cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập nâng cao trình độ lý luận, rèn luyện bản lĩnh để phòng, chống bệnh hư danh, hình thức.    Ảnh minh họa: Internet

Trăm đường tác hại

Dấu hiệu nhận biết rõ nhất đối với CB, ĐV mắc căn bệnh này là khi thấy ai có quyền hành, có thể mang lại lợi ích cho mình thì a dua, nịnh bợ, cố nói lấy lòng cho bằng được. Trong ứng xử, giao tiếp hằng ngày luôn tỏ thái độ hách dịch, cửa quyền, thích nịnh trên, đe dưới, thích đánh bóng tên tuổi, coi trọng vai trò cá nhân, thích khen, đánh giá tốt về bản thân, ngại tiếp thu phê bình của cấp dưới, coi thường quần chúng nhân dân; khi có thành tích thì nhận, khuyết điểm, hạn chế hay việc khó thì đùn đẩy, né tránh, ham mê chức quyền, địa vị và bằng mọi giá để đạt cho bằng được vị trí mà mình muốn. Thế nên, chúng ta không khó bắt gặp ở các cơ quan, đơn vị mà có CB, ĐV này, việc bé xé ra to, nói nhiều làm ít, mỗi khi tổ chức sơ kết, tổng kết thường hay kể lể dài dòng, liệt kê đủ cột mục thành tích lớn nhỏ nhưng không chỉ ra được đâu là hạn chế, khuyết điểm để khắc phục sửa chữa, mà có khuyết điểm thì chủ yếu đổ lỗi do nguyên nhân khách quan. Cũng chỉ vì chăm chăm lo sao cho đẹp lòng cấp trên, phô trương mà quên rằng mục đích, trách nhiệm chính là hiệu quả công việc và hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Vậy nên, có những việc không đáng làm, không nên làm thì lại làm. Ví như địa phương, cơ quan còn nghèo nhưng xây trụ sở làm việc quá to, mua sắm nội thất đắt tiền, mua sắm xe công vượt định mức tiêu chuẩn, tổ chức hội nghị, lễ hội rình rang gây lãng phí tốn kém, để cố tình tạo nên các giá trị, phẩm chất ảo.

Chuộng hư danh, trọng hình thức chính là mảnh đất màu mỡ, dung dưỡng cho tham ô, nhũng nhiễu, lợi ích nhóm, vun vén bản thân, bòn rút của công để phục vụ hoạt động đối ngoại mang danh tập thể nhưng thực chất là vì vị trí, vì sự thăng tiến của bản thân, lối sống xa hoa vô cảm. Đặc biệt, di chứng của căn bệnh còn ảnh hưởng xấu đến cả vấn đề văn hóa và đạo đức công vụ, nghề nghiệp. Cụ thể, có không ít đồng chí cán bộ lãnh đạo hôm nay ở vị trí này được đồng nghiệp ca ngợi, tung hô, kính trọng nhưng đến khi chuyển sang vị trí khác, cơ quan, địa bàn khác, khi không còn giá trị lợi dụng thì nhanh chóng bị lãng quên, thậm chí còn bàn tán, nói xấu, phê phán.

Tích cực học tập để tẩy hư danh, xóa hình thức

Căn bệnh “Trọng hư danh, ham hình thức” không chỉ đánh lừa nhận thức, tình cảm, luật pháp, làm rối loạn các chuẩn mực văn hóa, thẩm mỹ, đạo đức và pháp lý, mà còn làm tiêu hao một lượng thời gian và vật chất vô cùng lớn của xã hội và đất nước. Vì vậy, ngay từ rất sớm, trong công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những “căn bệnh nguy hiểm” mà CB, ĐV mắc phải sẽ lây lan nhanh nếu không nhìn nhận, sửa chữa sẽ làm suy yếu tư tưởng và tổ chức của Đảng. Trong Thư gửi các đồng chí Bắc bộ, ngày 1-3-1947, Bác đã nêu tám khuyết điểm “phải kiên quyết tẩy sạch” mà xét một cách căn cơ cũng do thói chuộng hư danh, hình thức mà nên. Đó là: “Địa phương chủ nghĩa”, chỉ biết đến lợi ích của địa phương mình, bộ phận mình; “Óc bè phái”, nghe người, dùng người hẩu với mình; “óc quân phiệt quan liêu”, hống hách, như một “ông vua con” ở nơi mình phụ trách; “óc hẹp hòi”, không biết dùng chỗ hay của người khác và giúp họ chữa chỗ dở; “ham chuộng hình thức”, thích hình thức bề ngoài, phô trương cho oai; “làm việc lối bàn giấy”, thích làm việc kiểu giấy tờ, chỉ tay năm ngón, ít đi vào quần chúng, bám sát thực tiễn; “vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm”, việc dễ thì làm, khó thì bỏ, bỏ địa phương khi chiến tranh lan đến; “ích kỷ, hủ hóa”, thích ăn ngon mặc đẹp, xa hoa, chỉ lo danh lợi của bản thân mình.

Trải qua hơn 90 năm xây dựng và phát triển, Đảng ta đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, tuy nhiên, bài học về xây dựng người CB, ĐV trung kiên, chân chính hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân vẫn luôn là bài học sáng mãi. Để phòng, chống căn bệnh hư danh, hình thức trong CB, ĐV có nhiều việc cần làm, nhiều biện pháp phải thực hiện. Nhưng quan trọng trước hết là việc học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ lý luận của bản thân mỗi CB, ĐV. Trong nhiều văn kiện, Đảng ta đã chỉ rõ những hạn chế, sự non kém về lý luận khiến cho CB, ĐV thiếu tư duy biện chứng, thiếu cái nhìn toàn diện, lịch sử, cụ thể và đó chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến căn bệnh hư danh vô thực, ham hình thức. Lý luận là kim chỉ Nam chỉ ra phương hướng cho thực tiễn, đồng thời lý luận gắn với thực tiễn là cơ sở cho phương pháp hành động phù hợp, hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Trình độ lý luận vững cũng là nền tảng cho phong cách tư duy khoa học. CB, ĐV nếu thiếu phong cách tư duy khoa học thì sớm hay muộn cũng vướng vào chủ nghĩa giáo điều, duy ý chí dẫn đến trọng hư danh ham hình thức. Đối với cấp ủy, tổ chức Đảng cần phải thấy rằng việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, không thể tách rời việc nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Cần phát huy cao độ vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ CB, ĐV về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tự học nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ là cần thiết và rất quan trọng. Để mỗi CB, ĐV biết “tự soi, tự sửa” để tiến bộ và cùng nhau xây dựng Đảng ngày càng thật sự trong sạch, vững mạnh.

NGUYỄN VĂN TUÂN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ