“Tự soi”- Chìa khóa mở ra lòng dũng cảm
QPTĐ-Trong công việc, cuộc sống cũng như trong sinh hoạt giao tiếp hàng ngày, chúng ta không thể tránh khỏi những nhầm lẫn, sai sót; vì không ai có thể “nắm tay cả ngày đến tối” và có thể tròn trịa mãi được, nhất là đối với cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), người đứng đầu, phạm vi công tác với tầm bao quát lớn, làm nhiều việc, nhiều va chạm dẫn đến sai sót, khuyết điểm là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, việc “tự soi” để nhận ra khuyết điểm, nhận ra hình bóng của chính mình quả là một điều không dễ, không phải ai cũng làm được. Bởi vì, lẽ thường tình của mỗi con người, hầu như ai cũng thích khen, chẳng thích chê, nhất là khi bị phê bình trước tập thể, vì ai cũng có cái tôi cá nhân, lý do, mục đích riêng của mình. Vì vậy, “tự soi” không chỉ mang ý nghĩa soi đúng sẽ sáng hơn, sửa đúng sẽ đẹp hơn, mà còn là “chìa khóa” mở ra lòng dũng cảm khi đấu tranh với chính bản thân mình.
Một trong những giải pháp quan trọng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là “tự soi, tự sửa” của CB, ĐV. Tuy nhiên, đây không phải là việc dễ ai cũng có thể làm được, vì tâm lý của mỗi con người thường có sự bảo thủ, chủ quan trong nhận thức, dễ thấy cái sai, khuyết điểm của người khác nhưng lại khó nhận thấy mặt hạn chế, thiếu sót của mình. Cho nên khi “tự soi”, sẽ khiến cho chúng ta mặc cảm, e ngại với những giả thuyết như là: Nếu khi “soi” thấy hạn chế, khuyết điểm liên quan đến lợi ích của cá nhân thì việc tự sửa cũng đồng nghĩa là tự đánh mất những lợi ích đó, sợ bị thua thiệt. Còn hạn chế, khuyết điểm liên quan đến uy tín, vị thế của mình thì việc tự sửa cũng như là sẽ giảm đi sự oai phong, bớt đi phần quan trọng. Nếu hạn chế, khuyết điểm liên quan đến lập trường, quan điểm, đến việc phân biệt đúng sai thì việc tự sửa cảm giác như là mình đuối lý, là vô lý. Nếu hạn chế, khuyết điểm liên quan đến đạo đức, lối sống thì việc tự sửa cảm thấy hổ thẹn, sợ bị chê cười. Chính vì thế “tự soi” là công việc đầy cam go, khó khăn, có khi đau đớn, vì tự ái, vì thói quen, có khi vì sợ mất thể diện, mất uy tín của bản thân, của tổ chức mà không dám “vạch áo cho người xem lưng”. Đó là một cuộc đấu tranh, giữa tình cảm và lý trí, giữa sự cầu thị và tính bảo thủ, giữa mặt tốt và mặt xấu trong mỗi con người. Là thử thách thực sự đối với bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên, đòi hỏi mỗi chúng ta muốn tiến bộ phải có dũng khí, lòng dũng cảm để vượt qua chính mình.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ: “Điều đó nói thì dễ, nhưng làm thì khó, khó là vì người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị”. Suy ngẫm những lời Bác dạy, điểm lại những vụ việc làm nóng dư luận xã hội trong thời gian qua liên quan đến nhiều CB, ĐV, từ cấp thấp đến cấp cao trong vụ án công ty Việt Á nâng khống giá kít xét nghiệm Covid-19 cho thấy, hàng loạt lãnh đạo các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật vướng vòng lao lý vì nhận tiền “hoa hồng”, gần đây, có 2 cán bộ diện Trung ương quản lý là cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Vụ án Việt Á cho thấy một góc khuất hết sức nguy hiểm đó là sự câu kết, dung túng của một số cán bộ lãnh đạo chủ trì, chủ chốt, ngụy biện, bao che để trục lợi. Ngoài nguyên nhân xuất phát từ lòng tham, thì nguyên nhân sâu xa trong số những cán bộ này, là đã bỏ qua bước “tự soi” để nhận ra những việc làm sai trái, những vi phạm của mình. Thế nên, khi dư luận lên tiếng, thậm chí báo chí phanh phui đưa ra nhiều bằng chứng sai phạm, thì bản thân những người trong cuộc vẫn lên tiếng phủ nhận hoặc cố tình biện minh, như trường hợp ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế, trước khi bị bắt ông đã trả lời với báo chí rằng: “Tôi không bao giờ nhận một đồng nào từ Công ty Việt Á trong vụ việc này. Việc mua sắm kít xét nghiệm Covid-19 từ công ty này ở CDC Thừa Thiên Huế được thực hiện theo đúng quy trình, có thẩm định giá từ nhiều công ty khác nhau”, song kết quả điều tra cho thấy, bị can này có nhận hoa hồng.
Đây chính là hậu quả của việc CB, ĐV không thường xuyên “tự soi, tự sửa”, để thấy được hiệu quả công việc, phẩm chất đạo đức, lối sống, quan hệ ứng xử giao tiếp của bản thân, để có sự điều chỉnh, tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu cho phù hợp. Bởi vì, chúng ta đều biết, diễn biến của các sự vật, hiện tượng đều có xu hướng chuyển động tịnh tiến tăng dần, khuyết điểm của chúng ta cũng vậy, ban đầu từ những sai sót nhỏ, những biểu hiện có thể chưa đến mức nghiêm trọng, chỉ là những hạn chế, khuyết điểm nhỏ; song, nếu không được nhận diện và có biện pháp sửa chữa, khắc phục kịp thời thì nó có thể tích tụ dần, từ khuyết điểm nhỏ thành khuyết điểm lớn, từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng và cuối cùng đưa con người ta đến chỗ suy thoái, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân và làm suy yếu tổ chức, gây giảm sút năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ CB, ĐV. Thế nên, trong công tác xây dựng Đảng, nhận thức rõ ý nghĩa to lớn, sâu xa của tự soi, tự sửa, Đảng ta đã khẳng định: “Sức mạnh của Đảng, của mỗi đảng bộ và đảng viên không chỉ ở ưu điểm mà còn ở chỗ nhận rõ và sửa chữa bằng được những vấn đề tồn tại, những sai lầm, khuyết điểm và tự vượt lên chính bản thân mình”. Đúng vậy, chúng ta có “tự soi” thì mới nhìn ra được chính mình, thấy được điểm mạnh để phát huy, điểm yếu để khắc phục. Có “tự soi” thì mới có cái nhìn thấu đáo, khách quan, toàn diện để phê bình, góp ý cho đồng chí, đồng đội mình tiến bộ được. Cho nên, bản thân mỗi CB, ĐV phải tự mình soi xét, khi thấy có sai lầm, khuyết điểm phải quyết tâm sửa chữa và tự giác khắc phục. “Tự soi” là thuộc tính về nhận thức của cá nhân mỗi con người, do đó, cấp ủy, tổ chức Đảng dù có tích cực giáo dục bao nhiêu và công tác kiểm tra, giám sát có chặt chẽ đến đâu, nhưng nếu cán bộ, đảng viên không tự giác, không kiên quyết thì rất khó kiểm soát, ví như để đẩy lùi những biểu hiện như phát ngôn thiếu tính xây dựng, đi muộn về sớm, lối sống chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, “nói không đi đôi với làm”, “nói một đằng làm một nẻo”… vì nó thuộc về ý thức của con người, sự điều chỉnh của cá nhân mới là quyết định chủ yếu. Vì vậy, việc “tự soi, tự sửa” phải được tiến hành một cách chủ động, ngăn chặn từ xa, đẩy lùi từ sớm, ngay từ khi nó bắt đầu xuất hiện trong suy nghĩ, trong hành động của mỗi người và điều quan trọng là phải thực hiện thường xuyên như “ngày nào cũng ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn”. Tự soi, tự sửa là để tránh tự kiêu, tự đại, vì tự kiêu, tự mãn như cái chén, cái đĩa cạn, một chút nước cũng tràn đầy vì độ lượng nó hẹp. Cho nên, tự soi, tự sửa là để luôn luôn chân thành, khiêm tốn, thật thà đoàn kết và giúp người tiến bộ. Tuyệt đối không nịnh hót người trên, không xem thường người dưới. Vì hậu quả của sự nịnh bợ kéo theo hệ lụy rất nguy hiểm, khiến cho một số cá nhân trở nên tự mãn, ảo tưởng về “hào quang” của bản thân, ngỡ mình đã là người tài ba, xuất chúng. Hệ quả là mắc “bệnh kiêu ngạo cộng sản”, làm xấu đi hình ảnh của Đảng và bộ máy cầm quyền, khiến cho những cán bộ, đảng viên chân chính, trung thực sinh ra chán nản, giảm sút ý chí và vơi cạn tình yêu dành cho tổ chức, đơn vị. Vì vậy, để CB, ĐV phát huy lòng dũng cảm, tự giác “tự soi” mình, thì trong sinh hoạt Đảng, các tổ chức Đảng phải phát huy tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nhất là người chủ trì đi đầu trong việc “tự soi”, phải tự soi trong từng công việc, trong từng lời nói và việc làm, trong chính suy nghĩ của mình để tự thấy hạn chế, khuyết điểm mà sửa, nhất là những hạn chế, khuyết điểm thuộc về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Làm được như vậy mới giải quyết được tận gốc, làm rõ được nguyên nhân, mới “chữa đúng bệnh” và tạo ra được động lực mới, tạo môi trường sinh hoạt đoàn kết, thống nhất về tư tưởng và hành động, để làm cơ sở cho mỗi cán bộ, đảng viên tự kiểm điểm, tự soi lại mình, không sợ nói ra khuyết điểm của mình, mà mong muốn được mọi người giúp đỡ để bản thân tiến bộ và trưởng thành hơn.
NGUYỄN VĂN TUÂN