A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Bộ tứ trụ cột" để Việt Nam cất cánh

QPTĐ-Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân ngày 18/5 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Những đổi mới, cải cách tập trung vào bốn đột phá: Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị-Thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng. Hôm nay, chúng ta vừa nghe đồng chí Thủ tướng quát triệt Nghị quyết 68-Phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; đồng chí Chủ tịch Quốc hội quán triệt Nghị quyết 66-Đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật. Đến thời điểm hiện nay có thể gọi 4 Nghị quyết trên là "Bộ tứ trụ cột" để giúp chúng ta cất cánh.

 

Trước hết, Nghị quyết số 57-NQ/TW là minh chứng rõ nét thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị của Đảng ta trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Bởi, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số vừa là điều kiện tiên quyết, vừa là thời cơ, đồng thời là đòi hỏi của thực tế không chỉ đối với Việt Nam, mà có tác động và ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nên bước ngoặt lịch sử trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; tạo ra những điều kiện và cơ sở vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong khi đó, sự ra đời của Nghị quyết 59-NQ/TW về "hội nhập quốc tế trong tình hình mới" là "quyết sách đột phá", đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử trong quá trình hội nhập của đất nước với việc định vị hội nhập quốc tế là động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Nghị quyết đặt mục tiêu: Nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính đồng bộ, toàn diện, sâu rộng, của hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần thiết thực xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Tranh thủ tối đa các nguồn lực và điều kiện thuận lợi bên ngoài để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, phát triển nhanh, bền vững; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; không ngừng cải thiện toàn diện đời sống nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia; nâng cao vai trò, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước. Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Với tinh thần xóa bỏ định kiến, tạo điều kiện đột phá, Nghị quyết 68 là lời khẳng định mạnh mẽ của Đảng về vai trò then chốt, động lực quan trọng hàng đầu của khu vực kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển đất nước. Nghị quyết khẳng định: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia... Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển đất nước.

Còn Nghị quyết 66 lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tiếp nối để thực hiện một trong ba đột phá chiến lược mà trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, trong đó đột phá chiến lược về mặt thể chế được xếp ở vị trí hàng đầu. Thời gian qua, chúng ta đã nhận diện được điểm yếu, điểm hạn chế, bất cập của quá trình xây dựng pháp luật, được coi là điểm nghẽn về mặt thể chế. Nghị quyết 66 có rất nhiều nội dung đổi mới cho cả khâu xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Qua đó tạo hành lang pháp lý vững chắc để huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cùng bởi vậy, nghị quyết mang lại ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

4 nghị quyết trên tập trung đột phá vào 4 lĩnh vực song không tách rời nhau, mà nó gắn kết chặt chẽ với nhau,  là một “tổ hợp” chính sách có tính kiến tạo, tính thống nhất và bổ trợ lẫn nhau, bởi đó là kết quả tiếp nối của một chương trình làm việc được hoạch định từ trước, nhằm thực hiện mục tiêu lớn: Tái cấu trúc, chuẩn bị năng lực thể chế và tổ chức bộ máy của Đảng và nhà nước, cùng toàn hệ thống chính trị để bước vào “kỷ nguyên vươn mình” sau Đại hội Đảng lần thứ XIV, là "Bộ tứ trụ cột" để Việt Nam cất cánh.

Đức Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ