“Lương y như từ mẫu”
QPTĐ-Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Lương y phải như từ mẫu". Có thể thấy, y đức được coi là phẩm chất tốt đẹp của những người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ và thương yêu chăm sóc cho người bệnh. Chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện đầy cảm động qua Nhật ký của bác sỹ có tên Đặng Thùy Trâm. Có thể nói trong suốt chiều dài đất nước, khi đất nước chiến tranh cũng như hòa bình lập lại, biết bao thế hệ bác sỹ đã không tiếc máu xương, tận tụy không ngừng nghỉ với nghề, chữa bệnh, cứu sống được biết bao sinh mạng, đem lại tiếng cười cho bệnh nhân cũng như gia đình và người thân của họ. Và để tri ân tới đội ngũ y, bác sỹ, những người đang công tác trong ngành Y, năm 1985, Đảng và Nhà nước ta quyết định lấy ngày 27/2 hàng năm là Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Tiểu đoàn Quân y 24, Sư đoàn Bộ binh 301 cấp thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách.
Cách đây 64 năm, ngày 27/2/1955, nhân dịp Hội nghị cán bộ ngành Y tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết thư gửi đến cán bộ ngành Y tế 3 điều căn dặn: "1. Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sỹ, dược sỹ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành Y tế, trong việc phục vụ nhân dân.
2. Thương yêu người bệnh. Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.“ Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.
3. Xây dựng một nền y học của ta. Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: Khoa học, dân tộc và đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “ Đông” và thuốc “Tây”".
Cũng vì lý do như vậy nên Đảng và Nhà nước ta quyết định lấy ngày 27/2 hàng năm là Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Kể từ đó, 27-2 chính là ngày tôn vinh những người làm trong ngành Y tế, trách nhiệm cũng như tài trí của những cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Và thực tế cho thấy, trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, có biết bao thế hệ cán bộ, y tá, nhân viên trong ngành Y tế đã không quản mưa bom, bão đạn, có mặt trên khắp chiến trường, đối phó với nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất cũng như tinh thần để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội. Rất nhiều người theo đó đã để lại một phần máu xương, thậm chí hy sinh dưới tầng tầng bom đạn, hoặc nhiễm chất độc da cam… Không thống kê được con số cụ thể nhưng số bác sỹ, y tá, nhân viên y tế từng bị thương nơi chiến trường không phải ít. Đi khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc, đâu đâu ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy một trường hợp như vậy.
Hòa bình lập lại, trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không chịu tụt hậu so với các nước trên thế giới, cán bộ y tế tiếp tục ra sức luyện rèn, nghiên cứu khoa học, cứu chữa người bệnh. Những năm gần đây, ngành Y tế đã có nhiều thành tựu rất nổi bật. Tiêu biểu phải kể đến là lần đầu ngành đã làm chủ kỹ thuật cao; ứng dụng thành công trong lĩnh vực ghép tạng (ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam thực hiện ngày 21/2/2017 cho bệnh nhi 6 tuổi do các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện), thành công ca ghép thận chéo đầu tiên, kỹ thuật mới trong chữa vô sinh, ứng dụng công nghệ 3D trong phẫu thuật tim (2017)…
Chính “thành công ca ghép phổi đầu tiên đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên tầm cao mới, giúp Việt Nam ghi tên trên bản đồ thế giới trong kỹ thuật ghép phổi” (theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến). Năm 2018, lần đầu tiên, các chuyên gia Việt Nam thực hiện ghép phổi thành công và tiến hành lấy đồng thời 6 tạng từ cùng một người cho chết não để ghép cho 5 bệnh nhân; Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận Việt Nam là quốc gia đã loại trừ được bệnh giun chỉ bạch huyết; hay Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong sản xuất vaccine cúm mùa "3 trong 1"; vaccine sởi do Việt Nam sản xuất được Chủ tịch JICA trao giải thưởng quốc tế…
Cùng với các thành tựu đó, rất nhiều giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú, Chiến sỹ thi đua như: GS.TS Tôn Thất Tùng, GS. Đặng Văn Ngữ, GS. Hoàng Đình Cầm, GS. Lê Thế Trung, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch...Chính họ là tấm gương sáng về đạo đức, tinh thần hết mình vì người bệnh, là tấm gương sáng để các thế hệ sau noi theo và phát huy.
Ngân Mỹ