A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về Thanh Lâm nhớ làng kháng chiến kiểu mẫu

 

Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 45 Km về phía Tây Bắc, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh là địa bàn chiến lược thuộc tuyến phòng ngự hữu ngạn sông Hồng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân và lực lượng vũ trang nơi đây đã chiến đấu ngoan cường có nhiều trận đánh tiêu biểu, lập công xuất sắc được mệnh danh là “làng kháng chiến kiểu mẫu”, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

 

Trên Đồi 79 mùa Xuân, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh có Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ, xã Thanh Lâm là một cứ điểm quan trọng của giặc Pháp. Trên những quả đồi, chúng xây dựng 5 bốt và 3 tháp canh tạo thành vành đai trắng án ngữ phía Bắc Hà Nội nhằm uy hiếp nhân dân và càn quét bộ đội chủ lực cũng như du kích của ta, kiểm soát giao thông đường thủy trên sông Hồng và ngăn chặn ta mở rộng khu du kích.

 

Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thanh Lâm đã tiễn đưa trên 100 người con nhập ngũ chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường. Ở hậu phương, Thanh Lâm dồn toàn bộ công sức, lực lượng xây dựng chiến lũy, rào làng chiến đấu, bổ sung quân số cho lực lượng du kích, phát huy sức mạnh tổng hợp sẵn sàng đánh trả quân địch khi chúng càn quét vào làng. Từ tháng 8 năm 1949 đến tháng 7 năm 1954, du kích Thanh Lâm phối hợp với bộ đội C474 huyện Tiên Lãng và bộ đội chủ lực đã trực tiếp đánh địch trên 100 trận lớn nhỏ, bẻ gãy nhiều đợt tấn công, đập tan nhiều trận càn quét quy mô lớn, tiêu diệt 515 tên địch, thu hơn 500 súng, trong đó có hai trận chống càn đánh trả 4 Tiểu đoàn lính Âu Phi được trang bị vũ khí hiện đại, góp phần làm thất bại chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp và phá tan âm mưu xóa tên làng kháng chiến Thanh Lâm kiểu mẫu.

 

Ông Nguyễn Ngọc Thìn, nguyên Chủ tịch CCB xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh nhớ lại: Ngày 29/2/1953, địch tổ chức trận càn lớn chưa từng có, huy động 4 đơn vị ứng chiến GM (khoảng trên dưới 4 tiểu đoàn) Âu Phi và nguỵ, có máy bay ném bom yểm trợ. Du kích xã Thanh Lâm cùng bộ đội địa phương Yên Lãng sát cánh suốt một ngày chiến đấu ác liệt, giằng co từng tấc đất, căn nhà, đánh lui nhiều đợt công kích của địch. Đến chiều tối, địch không vào được xã, chúng buộc phải rút lui, bỏ lại hàng trăm xác chết. Sau chiến thắng Điện biên Phủ, du kích Thanh Lâm tập trung lực lượng cùng bộ đội đánh chiếm toàn bộ đồn bốt địch, giải phóng quê hương.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hưởng ứng phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, xã Thanh Lâm đã thực hiện vượt mức mọi chỉ tiêu chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Toàn xã có gần 2.000 thanh niên nhập ngũ, đi thanh niên xung phong chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường. Ở hậu phương, trên 850 lượt người tham gia dân quân ngày đêm trực chiến, phối hợp với bộ đội phòng không chiến đấu bảo vệ vùng trời Thủ đô, nhất là chi viện lực lượng cho Sân bay Nội Bài và các huyện bạn khắc phục hậu quả chiến tranh, lũ lụt, khôi phục sản xuất.

 

Trong các cuộc kháng chiến, Thanh Lâm đã có 190 người con ưu tú hy sinh, 119 thương binh, 1.320 cá nhân và gia đình được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương các hạng, danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”. 12 bà mẹ được tặng và truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”. Năm 2003, xã Thanh Lâm được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.                                      

Trong thời kỳ đổi mới xây dựng quê hương, xã Thanh Lâm luôn chú trọng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và công tác quân sự địa phương. Hàng năm đều hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân với chất lượng cao. Lực lượng dân quân xã được xây dựng vững mạnh, rộng khắp, chất lượng, nhiều năm liên tục hoàn thành xuất sắc chỉ lệnh huấn luyện, kế hoạch giáo dục chính trị theo chương trình, nội dung quy định với tỷ lệ đạt khá, giỏi trên 80%. Lực lượng dân quân xã tham gia Hội thao quốc phòng lực lượng dân quân tự vệ huyện Mê Linh đều đạt thành tích cao.        

                                       

Những năm gần đây, trên đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Thanh Lâm đã đưa giá trị lao động tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch chiếm 70%. Tuy là xã thuần nông, sau khi dồn điền đổi thửa đã quy hoạch vùng trồng rau an toàn, trồng hoa cho giá trị kinh tế cao. Nhiều hộ đã đạt giá trị từ 70 đến trên 100 triệu đồng/ha và phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, góp phần đưa giá trị kinh tế nông nghiệp đạt 40 tỷ đồng/năm. Thanh Lâm đã có mức tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 8%/năm, giá trị kinh tế đạt 255 tỷ đồng/năm. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 29 triệu đồng/năm. Theo tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,6%. Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, cùng với việc tuyên truyền, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, Thanh Lâm đề xuất với UBND huyện Mê Linh điều chỉnh quy hoạch các hạng mục như Nhà văn hoá thôn,  điểm trung chuyển rác thải và nghĩa trang tập trung của xã cho phù hợp, được người dân đồng tình. Năm 2015, Thanh Lâm đã hoàn thành 19/19 tiêu chí,được UBND Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhờ đó, cơ sở vật chất, văn hoá, y tế, giáo dục được nâng cấp, đời sống của nhân dân được cải thiện, hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện là cơ sở để Thanh Lâm vững bước xây dựng quê hương giàu mạnh.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Anh Thưởng, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lâm cho biết: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Thanh Lâm nhiệm kỳ 2015-2020 đã định hướng: Tiếp tục đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, khai thác mọi tiềm năng lợi thế của địa phương; duy trì và phát huy hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; chú trọng đầu tư phát triển các ngành nghề thương mại dịch vụ để chuyển dần từ mô hình kinh tế nông nghiệp sang mô hình nông nghiệp dịch vụ, công nghiệp vào năm 2020. Phấn đấu đưa mức tăng trưởng kinh tế đạt từ 9 đến 10%/năm và có mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/năm. Đồng thời nêu cao truyền thống Anh hùng của quê hương làng kháng chiến kiểu mẫu Thanh Lâm, phát huy thành tích danh hiệu là “Đơn vị Quyết thắng” nhiều năm của LLVT huyện Mê Linh trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, công tác quân sự địa phương”. 

 

Vũ Xuân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ