Họ ngoắc tay nhau ăn cắp tiền bảo hiểm?
QPTĐ-Tuần qua, dư luận xã hội lại chấn động bởi hành vi lừa đảo để trục lợi tiền bảo hiểm xảy ra tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang và doanh nghiệp với các thỏa thuận lên đến 65 tỉ đồng. Ngày 16/5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tuyên bố, hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 23 bị can về tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo đó, các bị can lợi dụng Thông tư 15/2029/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành, cho phép các cơ sở y tế tư nhân được phép tự lựa chọn đơn vị cung cấp thuốc theo quy định của Luật Đấu thầu. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Y dược Lan-Q Nguyễn Mạnh Quyền và Chủ tịch HĐQT Công ty Dược Sơn Lâm Phạm Văn Cách bàn tính, tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cấp thuốc, bày trò “quân xanh”, “quân đỏ”. Thắng thầu, họ ma quái, tráo đổi, mua thuốc tại đơn vị khác giá rẻ hơn, không có hóa đơn chứng từ, hưởng ít nhất 18% tổng giá trị hóa đơn xuất khống.
Theo Cơ quan điều tra (từ 3/2020 đến 4/2021), Công ty Dược Sơn Lâm đã xuất 100 hóa đơn cung cấp thuốc cho Công ty Y dược Lan-Q, tổng trị giá gần 56 tỉ đồng. Hai công ty ký phụ lục hợp đồng nâng tổng giá trị lên 65 tỉ đồng. Công ty Lan-Q làm hồ sơ, được thanh toán số tiền hơn 40 tỉ đồng từ Bảo hiểm xã hội Bắc Giang và của người dân cùng chi trả. Trong phi vụ này, bị can Quyền và đồng phạm đã hưởng lợi bất chính hơn 18 tỉ đồng.
Đáng chú ý, có 18 lãnh đạo, cán bộ bệnh viện, trung tâm y tế bị Cơ quan điều tra đề nghị truy tố về hành vi “Nhận hối lộ”, trong đó có cựu Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang Thân Đức Lại. Hàng quý, “đều như vắt chanh”, Lại đã nhận khoảng 700 triệu đồng của doanh nghiệp. Có tiền “bôi trơn”, Giám đốc Lại nhiều lần tỏ ra hào phóng đáp lễ, chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện, ưu ái cho Công ty Ydược Lan-Q của Quyền, tạm ứng kinh phí khi chưa có biểu mẫu, trong đó có 2 lần được giải ngân tạm ứng vượt quá 80% quy định.
Mở rộng điều tra, xác định bị cáo Cách (Công ty Sơn Lâm) chỉ đạo nhân viên, đã 27 lần chuyển số tiền (triệu đồng): 287-476-507-626 và 1,1 tỉ đồng cho các sếp bệnh viện, bảo hiểm ở Hưng Yên. Tổng số tiền Cách đưa hối lộ cho một số bệnh viện y học cổ truyền cấp tỉnh đến hơn 71 tỉ đồng; trong đó, cựu Viện trưởng Viện Y học dân tộc cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Nguyễn Lộc “ăn” 47,1 tỉ đồng.
Quỹ Bảo hiểm xã hội do Nhà nước thống nhất quản lý; là chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước đối với người lao động, người có công, đối tượng chính sách. Các cán bộ, nhân viên bảo hiểm xã hội, bệnh viện, cơ sở y tế và chính quyền các cấp có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh, triệt để Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tuyệt đối nghiêm cấm các hành vi sai phạm, trục lợi cá nhân, lợi ích nhóm; hành vi bòn rút, ăn cắp tiền bảo hiểm đồng nghĩa với việc tham ô của công, ngang nhiên xà xẻo quyền lợi chính đáng của công dân được khám, chữa bệnh; họ ăn cắp tiền thuốc của nhân dân. Đó là tội ác!
Gần đây, có nhiều vụ sai phạm y đức xảy ra trong ngành Y tế, khiến chúng ta không khỏi băn khoăn suy nghĩ. Từ vụ án “nén bạc đâm tọa…đơn thuốc” dạng này, khiến ta chạnh lòng nhớ lại 2 vụ án có chung kẻ chủ mưu cầm đầu là Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT-Tổng giám đốc Công ty Việt Á. Bị cáo Việt dùng 800 tỉ đồng “bôi trơn”, chi “hoa hồng” đậm, biến sản phẩm nhập khẩu thành “sáng kiến khoa học kit test xét nghiệm Covid-19”, lưu thông toàn quốc, gây thiệt hại cho Nhà nước 1.235 tỉ đồng. Hậu quả, hơn 50 công chức, trong đó có các quan tham giữ chức: Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Vụ trưởng, Giám đốc sở, Giám đốc CDC và doanh nghiệp vào tù. Đúng là, “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, “kẻ cắp, bà già gặp nhau”!
Thế mới biết giá trị cao quý của loài hoa sen qua câu ngạn ngữ Việt: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, khó lắm thay!
MINH NGỌC