A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả từ việc gửi, nhận và ký số văn bản điện tử

QPTĐ-Thời gian qua, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số trong Bộ Tư lệnh nghiêm túc, chặt chẽ. Trong đó nổi bật là việc triển khai, thực hiện hiệu quả công tác gửi, nhận, xử lý văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số. Đây là một nội dung quan trọng được xác định trong kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tư lệnh. Thực hiện tốt nội dung này chính là góp phần hiện đại hóa nền hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong đơn vị.

Trung tướng Trần Ngọc Tuấn, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội kiểm tra thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, nhân viên Ban Bảo mật. 

Một ngày cuối tuần đến Ban Bảo mật, Văn phòng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, chúng tôi chứng kiến Thiếu tá Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Bảo mật cùng với đội ngũ nhân viên vẫn đang nghiêm túc, hăng say làm việc. Khi có công văn chuyển tới, cán bộ, nhân viên của Ban Bảo mật niềm nở tiếp nhận, xử lý, ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ và ban hành nhiều văn bản, chỉnh lý các hồ sơ đưa vào lưu trữ… Chúng tôi ấn tượng kỹ năng sử dụng trang thiết bị công nghệ thông tin vào thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành dùng chung trong Bộ Quốc phòng của cán bộ, nhân viên trong Ban. Mọi thao tác đều nhanh, gọn, chính xác, tốc độ truyền tải của văn bản điện tử nhanh chóng và không gian tiếp cận rộng, gần như ngay lập tức có thể đưa thông tin đến địa chỉ cần thiết và việc tiếp nhận, xử lý thông tin trở nên dễ dàng, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí và công sức.  Đây cũng chính là bước đột phá mới trong thực hiện chuyển đổi số của ngành văn thư, bảo mật Bộ Tư lệnh trong gần 2 năm qua.

Thiếu tá Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết: Năm 2024, trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, chúng tôi đã chủ động tham mưu với chỉ huy Văn phòng, thủ trưởng Bộ Tư lệnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện gửi nhận văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số trong Bộ Tư lệnh. Trong đó, xác định các chỉ tiêu cụ thể, như: 100% các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh đã có máy tính được kết nối đường truyền số liệu quân sự thực hiện gửi, nhận, xử lý văn bản có sử dụng chữ ký số và chữ kí số cá nhân, phấn đấu trên 50% văn bản (không mật) phát hành có sử dụng chữ ký số cá nhân toàn trình; 80% văn bản của các đơn vị cấp 2, cấp 3 thuộc Bộ Tư lệnh thực hiện gửi, nhận và xử lý văn bản điện tử có ký số trên Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành dùng chung trong Bộ Quốc phòng; tỷ lệ gửi, nhận văn bản điện tử giữa Bộ Tư lệnh và các cơ quan, sở, ngành thành phố Hà Nội đạt 100%.

Đoàn cán bộ, nhân viên QĐND Lào  tìm hiểu thực tế tại Ban Bảo mật, Văn phòng Bộ Tư lệnh tháng 7 năm 2024.

Tính đến hết năm 2024, Bộ Tư lệnh cơ bản đã đạt được các chỉ tiêu về gửi, nhận, xử lý văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số và chữ kí số cá nhân theo kế hoạch chuyển đổi số Bộ Tư lệnh đã xác định, có nội dung vượt chỉ tiêu. Có thể nói việc gửi, nhận, xử lý văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số và chữ ký số cá nhân để ban hành văn bản đã trở thành thói quen đối với các cơ quan, đơn vị trong toàn Bộ Tư lệnh, đem lại hiệu quả thiết thực hơn so với phương pháp truyền thống, rõ rệt nhất là việc tiết kiệm chi phí.

Những kết quả trên xuất phát từ việc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn bám sát các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, đồng thời chỉ đạo và có sự vào cuộc rất quyết liệt và sâu sát của người chủ trì các cấp. Thiếu tá Nguyễn Thị Tuyết Nhung chia sẻ: Ngay khi triển khai làm điểm đối với một số cơ quan, đơn vị, thủ trưởng Bộ Tư lệnh đã trực tiếp làm trước, chỉ đạo tổ chức tập huấn, hướng dẫn bằng nhiều hình thức: Trực tuyến, trực tiếp, tập trung và cả phân tán theo đầu mối cơ quan, phòng, ban, đơn vị… chỉ đạo rà soát, đề xuất bảo đảm, củng cố trang thiết bị công nghệ thông tin trong toàn Bộ Tư lệnh. Là cơ quan chuyên môn, chúng tôi đã nghiên cứu, nắm rõ tình hình thực tế và mô hình làm việc tại cơ quan, đồng thời phối hợp với một số phòng, ban chức năng (phòng Cơ yếu, Ban CNTT/BTM) nghiên cứu, đề xuất những hình thức triển khai phù hợp, hiệu quả như: Tham mưu với thủ trưởng Bộ Tư lệnh mở rộng, nâng cao tỷ lệ máy tính kết nối mạng máy tính quân sự cho các cơ quan, đơn vị; triển khai đầy đủ các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng cho 100% các trang, thiết bị công nghệ thông tin trong Bộ Tư lệnh.

Cán bộ, nhân viên Ban Bảo mật thành thạo trang thiết bị công nghệ thông tin sử dụng văn bản điện tử và chữ ký số.

Trong quá trình thực hiện, Bộ Tư lệnh còn giao cơ quan Văn phòng thường xuyên báo cáo thủ trưởng Bộ Tư lệnh và đôn đốc các cơ quan xử lý và ký số văn bản hằng ngày. Hằng tuần, hằng tháng theo dõi tổng hợp số liệu thực hiện (tỷ lệ ký số) để rút kinh nghiệm tại giao ban tuần, giao ban tháng và yêu cầu các cơ quan, đơn vị báo cáo, giải trình, đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, việc gửi, nhận, xử lý văn bản điện tử và ký số cá nhân để ban hành văn bản đã dần trở thành thói quen đối với các cơ quan, phòng, ban, đơn vị trong toàn Bộ Tư lệnh. Qua đó, tạo môi trường làm việc ngày càng hiện đại, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ huy, điều hành các hoạt động của LLVT Thủ đô, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Phúc Nguyên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội