A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch Covid-19

 

QPTĐ-Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm thực hiện mục tiêu kép là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân với khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 là vô cùng quan trọng nhằm nhanh chóng đưa cuộc sống người dân trở về trạng thái bình thường mới. 

Việt Nam công nhận hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Ảnh: Internet)

Triển khai hiệu quả nhất ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch 

Trong tiêm chủng, việc sử dụng công nghệ, triển khai các nền tảng, ứng dụng công nghệ là hết sức quan trọng. Triển khai hệ thống quản lý công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 sẽ thúc đẩy mục tiêu kép, vừa giúp người dân tiện lợi vừa giúp chính quyền có cơ sở dữ liệu để quản lý thuận tiện, chính xác. 

Sổ sức khỏe điện tử giúp cho người dân đăng ký tiêm chủng, khai báo y tế online, qua đó người dân nhận được thông tin về địa điểm tiêm, thời gian dự kiến tiêm. Điều này giúp tiết kiệm thời gian cho người đến tiêm, hạn chế tập trung đông người tại cơ sở tiêm cùng một thời điểm đảm bảo giãn cách phòng chống dịch. Mỗi người dân sẽ được cấp một mã QR code nên khi đến tiêm chỉ cầm quét mã rất nhanh, thay vì phải khai giấy tờ mất thời gian. Cũng qua ứng dụng này, người đi tiêm được cung cấp thông tin về tiêm chủng, các lưu ý cũng như biện pháp phối hợp tổng thể.

Bên cạnh đó, các thông tin khám sàng lọc (nhiệt độ, huyết áp, tim mạch, tiền sử bệnh tật, thuốc đang sử dụng…) của mỗi người được tiêm cũng được nhập vào Sổ sức khỏe điện tử của mỗi người để giúp đối chiếu các triệu chứng sau tiêm. Sau khi tiêm, nếu có triệu chứng bất thường về sức khỏe, người được tiêm chủng có thể phản ánh qua ứng dụng này để được nhân viên y tế tại các cơ sở tiêm liên hệ tư vấn, hướng dẫn khám và điều trị kịp thời.

Việc ứng dụng công nghệ trong tiêm chủng vaccine còn có ý nghĩa thúc đẩy hộ chiếu vaccine. Hiện Việt Nam đã có hệ thống quản lý tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và sẽ sớm có hệ thống cung cấp Chứng nhận vaccine điện tử. Thời gian tới, lượng vaccine sẽ ngày càng nhiều, để đáp ứng yêu cầu quản lý, mở cửa giao thương thì các hệ thống này là rất quan trọng. 

Như vậy, đến nay việc triển khai ứng dụng công nghệ trong ứng phó dịch bệnh đã được triển khai khá toàn diện. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội trong công tác phòng, chống dịch bằng cách quan tâm, cài đặt, sử dụng các ứng dụng, phần mềm công nghệ. Người sử dụng quyết định tới 80% thành công của nền tảng số. Bởi vì, các ứng dụng công nghệ hiện nay đã sẵn sàng để đáp ứng hầu hết các yêu cầu của người sử dụng. Chỉ cần người sử dụng đặt rõ bài toán. Bởi vậy, quyết tâm sử dụng công nghệ của ngành Y tế vẫn là quan trọng nhất, mang tính quyết định. 

Việt Nam đang công nhận hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời trao đổi với gần 80 đối tác khác về vấn đề này. Theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, Việt Nam tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng, còn gọi là hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được đại diện các bên giới thiệu đến Bộ Ngoại giao. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ được Việt Nam công nhận hộ chiếu vaccine gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore...

Bộ Ngoại giao đang cùng lúc trao đổi với gần 80 đối tác về công nhận giấy chứng nhận vaccine của nhau. Giấy chứng nhận tiêm vaccine của Việt Nam cũng đã được một số nước công nhận và có thể dùng để nhập cảnh vào những quốc gia này. Nhiều quốc gia đã áp dụng hộ chiếu vaccine để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường mới.

Ba nền tảng công nghệ liên thông kết nối phòng, chống dịch 

Sau thời điểm ngày 20/10/2021, ứng dụng PC-Covid sẽ là nền tảng duy nhất phòng, chống dịch Covid-19. Khi dịch bệnh kết thúc, ứng dụng này sẽ được xem xét duy trì hoặc chuyển đổi. Song song với PC-Covid, ứng dụng khai báo y tế điện tử (VNEID) do Bộ Công an chủ trì và ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử do Bộ Y tế chủ trì sẽ được sử dụng lâu dài phục vụ cho người dân.

Tiêm chủng hiện đang là ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19, do đó, cần giải được bài toán quản lý tiêm chủng để không còn những tồn tại như trong thời gian qua. Hiện nay, Việt Nam đã tiêm được hơn 61 triệu mũi tiêm chủng Covid-19. Do đó, vấn đề đặt ra là phải định danh, xác thực thông tin chính xác. Mục tiêu là làm sao có thể xác thực được các thông tin của người tiêm chủng để phục vụ cho phòng, chống dịch bệnh, đi lại, lưu thông hay tham gia các hoạt động. Trách nhiệm xác thực thông tin thuộc về cấp cơ sở, bởi chỉ cấp cơ sở mới có thể đảm bảo độ chính xác dữ liệu tiêm chủng của người dân. 

Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an đã thống nhất từ ngày 20/10/2021, các cơ sở tiêm đều phải thực hiện trên nền tảng ứng dụng PC-Covid từ khâu lập kế hoạch-tiêm-in và cấp chứng chỉ tiêm, để đảm bảo dữ liệu được chính xác. Đối với các dữ liệu đã có trước đây, khi chưa đối soát thì người dân có thể phản ánh các thông tin sai, chưa chính xác trên Cổng tiêm chủng quốc gia trước ngày 25/10/2021. 

Theo kế hoạch được liên bộ xây dựng, mục tiêu là phục vụ xác thực thông tin cá nhân của người được tiêm vaccine Covid-19 thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về tiêm chủng với Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm mà các địa phương cần thực hiện bao gồm xác minh các thông tin cá nhân còn thiếu, không đúng với thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xác thực và cập nhật thông tin cá nhân đã (được xác minh) trên nền tảng; xác nhận giá trị pháp lý của dữ liệu kết quả tiêm chủng (đã được xác minh thông tin); đồng thời tuyên truyền để các cá nhân, cán bộ y tế nhận thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình khi thực hiện. 

Tại các địa phương, Y tế và Công an sẽ là hai lực lượng chịu trách nhiệm phối hợp để đối chiếu, xác thực thông tin công dân đã tiêm vaccine và tiến hành cập nhật trên hệ thống. Hiện tại, liên bộ đã thống nhất lấy căn cước công dân sử dụng chip điện tử có gắn mã QR Code để thống nhất dữ liệu căn cước công dân với dữ liệu tiêm chủng và F0 khỏi bệnh, để đảm bảo cuộc sống mới cho người dân.

Song Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ