A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam thương mại hóa công nghệ 5G

 

QPTĐ-Ngày 30-11-2020 tại sự kiện “5G Viettel xin chào Việt Nam”, Viettel công bố khai trương kinh doanh thử nghiệm 5G ở Hà Nội, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc đưa 5G đến trực tiếp người dùng. Tiên phong trong lộ trình thương mại hóa mạng 5G, Viettel đã đẩy cuộc đua triển khai 5G ở Việt Nam nhanh hơn so với mạng 3G và 4G trước đó.

Trước đó, quy hoạch tần số chính thức được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố ngày 20-8-2020 được coi là bước tiến lớn trong lộ trình phát triển công nghệ 5G của Việt Nam. Bộ cho phép Viettel và MobiFone triển khai thử nghiệm thương mại công nghệ 5G đến giữa năm 2021. Viettel được phép thử nghiệm dịch vụ 5G ở tối đa 140 địa điểm tại Hà Nội. MobiFone thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh ở tối đa 50 trạm thu phát sóng BTS.

Viettel thử nghiệm thương mại hóa mạng 5G tại Hà Nội. (Ảnh: Internet)

Thử nghiệm kỹ thuật công nghệ mạng 5G

5G là mạng thông tin di động thế hệ mới nhất có tốc độ cao, dữ liệu lớn, độ trễ siêu nhỏ, tiết kiệm năng lượng, chi phí thấp và có khả năng kết nối đa thiết bị. Mạng 5G có tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn 10-100 lần so với mạng 4G, tương đương cáp quang, có thể xử lý được tất cả nội dung đa phương tiện và truyền thông ảo với độ phân giải siêu nét, nên có thể coi 5G là cáp quang mà không có cáp quang. Mạng 5G có khả năng kết nối cao nên xử lý tốt với việc gia tăng số lượng lớn các thiết bị kết nối với nhau. Internet kết nối vạn vật (IoT) sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của thiết bị kết nối, theo dự báo năm 2020, sẽ có khoảng 34 tỷ thiết bị kết nối internet trên phạm vi toàn cầu. 

Tháng 11-2020, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội cho biết, tiến độ triển khai 5G của Việt Nam không chậm so với nhịp độ thế giới. Việc triển khai 5G tại Việt Nam sẽ tận dụng được khoảng 70% hạ tầng 4G hiện có, bao gồm các trạm thu phát sóng, ăng-ten và các thiết bị truyền dẫn khác, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí. Việc triển khai 5G sẽ thực hiện trước tiên ở các khu vực đô thị lớn, sau đó là các khu công nghiệp, khu nghiên cứu và trường đại học để hỗ trợ đổi mới và tạo ra công nghệ mới. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng rằng, các thiết bị 5G do các nhà khai thác viễn thông và di động sử dụng sẽ hoàn toàn do Việt Nam sản xuất, công nghệ cao và có giá rẻ hơn so với các thiết bị nhập khẩu.

Các mạng di động của Việt Nam đã tiếp cận khoảng 96% dân số, cung cấp dịch vụ cho 51,2 triệu người dùng với vùng phủ sóng 3G và 13 triệu người dùng với 4G. Viettel chiếm 51,5% thị phần băng tần rộng, tiếp theo là VNPT với 28,4%, MobiFone với 12,7% và FPT Telecom với 3,8%.

Trước khi thử nghiệm thương mại, nhiều nhà mạng di động Việt Nam như Viettel, MobiFone, VinaPhone đã hoàn thành thử nghiệm kỹ thuật công nghệ 5G, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên thử nghiệm thành công 5G trên thế giới. Kết quả cho thấy, với tốc độ nhanh hơn 10 lần, độ trễ của 5G chỉ bằng 1/5 so với 4G.

Kế hoạch thử nghiệm mạng 5G nhằm đánh giá tiềm năng của thị trường và tính ổn định của thiết bị 5G trước khi thương mại hóa chính thức. Đối tượng tham gia thí điểm là các thuê bao Viettel và MobiFone được chọn lựa và cung cấp mã viễn thông. Theo đó, Viettel được phép thử nghiệm mạng 5G thương mại tại Hà Nội với quy mô không quá 140 trạm. Tập đoàn này sẽ được quyền sử dụng các băng tần định sẵn, gồm băng tần 2.500-2.600 MHz, 3.700-3.800 MHz và 27.100-27.500 MHz cho thử nghiệm thương mại 5G. MobiFone được cấp phép thử nghiệm ở băng tần 2.600 MHz ở tối đa 50 trạm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cả Viettel và MobiFone đều chưa công bố kế hoạch thử nghiệm chi tiết. Giấy phép thử nghiệm của hai tập đoàn này có hiệu lực đến ngày 30-6-2021.

Viettel đi đầu thử nghiệm thương mại hóa mạng 5G

Viettel công bố số trạm phủ sóng 5G tại Hà Nội là 100 trạm, với vùng phủ có chất lượng liền mạch, đem đến trải nghiệm tốt cho khách hàng. Theo đó, những khách hàng có smartphone hỗ trợ 5G ở trong 3 quận trung tâm của Hà Nội: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Ba Đình có thể sử dụng được ngay dịch vụ. Để chứng minh sự khác biệt chất lượng cũng như vùng phủ 5G cung cấp tại Hà Nội, ở sự kiện “5G Viettel xin chào Viettel”, các khách mời được trực tiếp trải nghiệm 5G trên xe buýt 2 tầng đi qua các tuyến phố trung tâm quận Hoàn Kiếm.

Đại diện Viettel khẳng định, việc có thể sử dụng 5G siêu tốc độ, với chất lượng liền mạch, chỉ cần có máy 5G là dùng được, là minh chứng cho việc Viettel là nhà mạng đầu tiên kinh doanh thử nghiệm 5G tại Việt Nam đến trực tiếp người dùng cuối. Để giúp cho người dùng có smartphone hỗ trợ 5G được trải nghiệm dịch vụ, nhà mạng này miễn phí 100% cước data khi khách hàng sử dụng trên hạ tầng 5G.

Phát biểu tại sự kiện “5G Viettel xin chào Việt Nam” ngày 30-11-2020, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm nhận định: Đây là sự kiện đánh một dấu mốc quan trọng đối với Việt Nam, không chỉ là cơ hội để thay đổi thứ hạng viễn thông Việt Nam, mà còn là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, cơ hội để ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế số. Đại diện Viettel cho biết, với việc sản xuất thành công thiết bị đầu cuối 5G, Viettel đã lọt top 6 công ty viễn thông cung cấp được thiết bị 5G trên thế giới, bên cạnh Ericsson, Samsung, Huawei... Nhờ đó, Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia làm chủ công nghệ này cả về thiết bị phần cứng và phần mềm.

Ngày 10-5-2019, Viettel là nhà mạng thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam và cũng trở thành công ty đầu tiên phát sóng thử nghiệm 5G tại Thành phố Hồ Chí Minh, đưa vào khai thác hạ tầng kết nối internet vạn vật với quy mô 1.000 trạm NB-IoT ngày 21-9-2019. Ngày 17-01-2020, Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị thu phát sóng 5G do Viettel tự nghiên cứu và sản xuất.

Việt Nam sẽ tiến hành thương mại hóa mạng 5G bằng 100% thiết bị trong nước. Đây là một bước tiến quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Như vậy, mạng 5G ở Việt Nam được triển khai thương mại cùng thời điểm với những quốc gia dẫn đầu trên thế giới. Từ nay, Việt Nam chủ động đi đầu cùng với thế giới về mặt công nghệ, xây dựng lộ trình và phương án loại bỏ công nghệ di động 2G. Đồng thời, tiến hành cấp phép băng tần thông tin di động 5G để nâng cao chất lượng mạng lưới, tốc độ dịch vụ thông tin di động.

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ