A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam

 

QPTĐ-Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thị trường TMĐT đang trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn, mang đến cơ hội mới từ phía nhu cầu thị trường trên cơ sở làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng, chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống sang mua hàng qua TMĐT.

Sàn TMĐT Tiki với chương trình Tiếp sức Sài Gòn thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: Internet)

Nỗ lực mở rộng thương mại điện tử

TMĐT sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2021 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại, từ đó, mở rộng thị trường, phục hồi sau đại dịch.

Trong xu hướng chuyển đổi số và phát triển thị trường mua bán trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã triển khai chương trình Gian hàng Việt trực tuyến trên 3 sàn TMĐT lớn tại Việt Nam là Tiki, Sendo và Voso, tạo một sân chơi mới cho các doanh nghiệp sản xuất phát triển hệ thống phân phối bằng các giải pháp chuyển đổi số, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng hình thức TMĐT và công nghệ số, kết nối thị trường trong nước.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng triển khai Chương trình GoOnline-với nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng TMĐT từ khi bắt đầu đến lúc kinh doanh, hoạt động được trên môi trường trực tuyến. Chương trình có sự đồng hành của các tập đoàn viễn thông, công nghệ, hệ thống TMĐT lớn nhất đất nước hiện nay nhắm đến đối tượng là các nhà sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân trên toàn quốc muốn tiếp cận và ứng dụng TMĐT, đặc biệt, trong những tình huống khẩn cấp như dịch bệnh và hàng hóa cần giải cứu, chương trình cũng hình thành một liên minh có kết nối chặt chẽ để triển khai các công tác hỗ trợ. 

Các nhóm giải pháp được đưa ra cụ thể như: Triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp lên sàn TMĐT; chương trình hỗ trợ chi phí chuyển phát; chương trình dán nhãn chuyển phát an toàn; hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khi tham gia lên các sàn TMĐT; xây dựng Nhà phân phối sản phẩm Việt uy tín và phát động truyền thông chương trình GoOnline.

Thực tế cho thấy, ngay sau khi Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có công văn hỏa tốc số 687/TMĐT-TTCNS gửi các sàn TMĐT lớn tăng cường hỗ trợ chuẩn bị nguồn hàng, xây dựng các chương trình bán hàng thiết yếu đảm bảo không đứt gãy nguồn cung hàng hóa tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, khẩn trương làm việc với các TMĐT Voso (Viettel Post), Sendo, Postmart, Tiki và các đối tác vận hành TMĐT để tổ chức hàng hóa, tăng cường nguồn hàng cho người dân khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

Các sàn TMĐT đã nhanh chóng triển khai các Chương trình như “Đi chợ tại nhà” của Sendo; “Tiếp sức Sài Gòn-Tiki trao tươi ngon” của Tiki, “Thực phẩm bình ổn” của Shopee hay Chương trình “An tâm ở nhà” của Voso   để cùng chung tay chung sức đảm bảo cung ứng và bình ổn giá cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là các thực phẩm tươi sống, lương thực, hàng thực phẩm.

Chiến lược phát triển TMĐT

Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/5/2020 đã đặt ra các mục tiêu tổng quát đến năm 2025 gồm:  Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng; thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển TMĐT; xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng TMĐT; đẩy mạnh giao dịch, TMĐT xuyên biên giới; trở thành quốc gia có thị trường TMĐT phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số với chức năng quản lý nhà nước về TMĐT tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các nhóm giải pháp trọng tâm để đạt được các mục tiêu nêu trên, tăng cường bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng trong TMĐT và thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia và phát triển thị trường TMĐT cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững.

Theo đó, trước tiên cần hoàn thiện khung pháp lý. TMĐT là một lĩnh vực rất đặc thù, đó là sự kết hợp giữa công nghệ và thị trường, giữa yếu tố thực và yếu tố ảo, giữa thực thể tồn tại với thực thể trong không gian số. Chính vì vậy, khung pháp lý đang tiếp tục được hoàn thiện gắn với thực tiễn. Khung pháp lý cho TMĐT hiện nay gồm: Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT và một số nghị định khác liên quan tới các lĩnh vực trong hoạt động TMĐT như Nghị định 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử chữ ký số và chứng thực chữ ký số; Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử.

Bên cạnh những quy định mới về chủ thể và cơ chế quản lý hoạt động TMĐT thì quy định về hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài cũng được đề ra để giải quyết những vướng mắc, bất cập; cụ thể: Bổ sung quy định chủ thể của hoạt động TMĐT, thu gọn đối tượng ứng dụng TMĐT phải thực hiện thủ tục hành chính; công khai thông tin hàng hóa, người mua trên sàn TMĐT, minh bạch hóa thông tin cho người tiêu dùng, phòng chống gian lận thương mại; quy định rõ hoạt động TMĐT trên mạng xã hội, mạng xã hội được tổ chức hoạt động tương tự như một hình thức TMĐT truyền thống; sửa đổi quy định về cách thức hiện diện của thương nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động TMĐT trên lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các chương trình, chính sách, giải pháp khuyến khích hoạt động đánh giá tín nhiệm website TMĐT; hoàn thiện nền tảng tín nhiệm TMĐT. Trong bối cảnh của Covid-19 và sự phát triển bùng nổ của thị trường mua sắm trực tuyến, để góp phần vào việc xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh tại Việt Nam, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đưa ra giải pháp về phát triển hệ sinh thái TMĐT. Cụ thể, trong 5 năm tới, bên cạnh việc xây dựng các chương trình, chính sách đánh giá tín nhiệm website TMĐT, giải pháp “Nền tảng tín nhiệm TMĐT” là công cụ đánh giá các chủ thể kinh doanh TMĐT. Xếp hạng tín nhiệm này sẽ công bố rộng rãi tới người tiêu dùng.

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ