A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những chiến sĩ Điện Biên

 

QPTĐ-Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi, thể hiện niềm tự hào của dân tộc, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại. Đó cũng là nơi đã sản sinh ra biết bao tấm gương dũng cảm, mưu trí, “gan không núng, chí không mòn”...

Đại tá Đặng Đức Song chia sẻ những ký ức hào hùng của một thời “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”.

Những ngày đầu tháng 5 lịch sử, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ trên phố Pháo Đài Láng, nơi ở của người anh hùng được mệnh danh là “Dũng sĩ Đồi Xanh” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. 68 năm đã trôi qua, những hình ảnh về năm tháng “ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, những trận chiến đấu ác liệt với địch giành giật từng tấc đất, từng đoạn hào diễn ra trên Đồi Xanh, cạnh bản Tà Lèng, những cảm xúc đặc biệt hân hoan trong ngày vui chiến thắng vẫn còn đó, trong ký ức của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Đức Song. 

Tháng 4/1952, ông nhập ngũ vào Đại đoàn 316. Khi ấy, thanh niên Đặng Đức Song vừa tròn 20 tuổi, là chiến sĩ thuộc Đại đội 28, Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Trước khi mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị ông được giao nhiệm vụ phòng ngự ở Đồi Xanh-điểm cao 781. Đây là vị trí quan trọng ở phía Đông cụm cứ điểm, bảo vệ cho công tác xây dựng trận địa pháo, đồng thời tạo bàn đạp cho Đại đoàn 316 triển khai lực lượng xây dựng trận địa bao vây tiến công ở phía Đông tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 

“Chỉ có 24 người nhưng chúng tôi đã đánh lui rất nhiều đợt tấn công của địch và phối hợp với đơn vị cao xạ bắn rơi máy bay địch, bảo vệ an toàn Đồi Xanh. Sau trận đánh đó, cả 24 chiến sĩ được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ Đồi Xanh”, Đại tá Đặng Đức Song tự hào kể lại.

Suốt 32 ngày đêm phòng ngự, đơn vị ông đã đập tan nhiều đợt tấn công của địch, chấm dứt âm mưu mở rộng vòng vây quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhưng để giữ vững được trận địa ấy, không ít đồng đội của ông đã bị thương và có người đã hy sinh ngay trên chiến hào. Bản thân ông cũng bị thương ở bàn chân nhưng nỗi đau thể xác ấy với ông chẳng là bao. Ông khẳng định: “Ngay cả khi nằm viện, ý chí chiến đấu vẫn mãnh liệt lắm. Ngay lập tức, tôi mượn giấy bút viết quyết tâm thư gửi Đại đoàn. Trong đó, tôi viết rất rõ: Thứ nhất, dù gian khổ đến mấy vẫn quyết tâm chiến đấu. Thứ hai là phải có kỷ luật, chấp hành nghiêm mệnh lệnh cấp trên. Thứ ba là tình đồng đội, nếu một đồng chí bị thương, hy sinh mà mình vẫn còn sống thì không được để mất”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng của những người anh hùng trực tiếp cầm súng, mà còn là chiến thắng được tạo nên từ những người anh hùng thầm lặng. Năm 1947, vừa tốt nghiệp trường y sĩ, đồng chí Nguyễn Tụ được điều về Ban Quân y, Phòng Hậu cần, Đại đoàn 316, phụ trách công tác y chính-kế hoạch tổng hợp, đảm nhiệm việc tổ chức, bố trí cứu chữa thương binh, bệnh binh, rồi trực tiếp tham gia chiến trường. Những ngày tháng chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn trên ngọn đồi A1 lịch sử, với ông là kí ức không thể nào quên.

Vào thời điểm đó, đơn vị ông phụ trách hướng Đông đồi A1. Tại đây, địch bố phòng kiên cố, có hầm ngầm, ta đánh rất khó khăn, thương vong lớn. Mọi hoạt động cứu chữa thương binh đều ở dưới hầm được khoét ngay bên vách các chiến hào. Phòng mổ được đặt bên trong cùng giao thông hào. Lúc bố trí, người tổ chức cho rằng như vậy sẽ bảo đảm bí mật và an toàn nhất cho các thương binh, bệnh binh. Chẳng ngờ một lượng lớn thương binh dồn về cùng lúc, đường hào lại hẹp và ở sâu bên trong nên bị tắc ngay trên đường vào. Vậy là trong khi các phẫu thuật viên sốt ruột ngồi chờ thì nhiều thương binh cần cấp cứu không vào được hầm phẫu thuật. Sau khi xem xét tình hình, ngay đêm sau, ông đã đề ra giải pháp, tổ chức một đường ra để giải phóng thương binh. Kết quả, sau khi hầm cấp cứu thông thoáng thì lượng thương binh được cứu chữa nhiều hơn đáng kể, không còn tình trạng tắc nghẽn nữa.

Ông Tụ xúc động kể lại: “Khi ấy số lượng thương binh được đưa về nhiều vô số kể. Công việc đè nặng lên vai y sĩ, nhưng ngay cả trong lúc căng thẳng nhất chúng tôi vẫn ghi như tạc lời căn dặn của Hồ Chủ tịch: “Phải đặt thương, bệnh binh lên hàng đầu. Công tác quân y vốn dĩ thường “đi trước về sau”, việc cứu chữa thương binh đòi hỏi các chiến sĩ quân y là người giàu tấm lòng thương yêu đồng đội, tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng phục vụ thương binh mau chóng hồi phục sức khỏe, sớm trả lại quân số chiến đấu cho các đơn vị, đồng thời giải phóng gánh nặng cho tuyến điều trị phía sau. Đó chính là y học cách mạng”.

Chiến tranh đã rời xa hơn nửa thế kỷ, những chiến sĩ Điện Biên khi ấy nay đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, sống cuộc đời giản dị, với tấm áo bộ đội đã bạc màu. Song, ở họ đều toát lên những phẩm chất cao đẹp nhất của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đó là tinh thần chiến đấu quả cảm, sự xả thân trọn vẹn cho mục tiêu, lý tưởng giải phóng dân tộc, mang lại độc lập, tự do cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân. Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ luôn được ghi vào “thiên sử vàng”, tên tuổi và chiến công của những anh hùng trong chiến thắng hiển hách này còn lấp lánh mãi với thời gian.

Hải Yến-Văn Đức
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ