A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lê Đức Thọ-Nhà cách mạng tài năng của Đảng

 

QPTĐ-Đồng chí Lê Đức Thọ tên chính là Phan Đình Khải, sinh ngày 10-10-1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc (nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Với lòng yêu nước, thương dân và hoài bão tuổi trẻ, đồng chí Lê Đức Thọ đã sớm dấn thân trên con đường cách mạng vinh quang và gian khổ. Năm 1925, khi mới 14 tuổi đồng chí đã tích cực hoạt động trong phong trào học sinh yêu nước. Năm 1926, tham gia các hoạt động bãi khóa, dự lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh. Năm 1928, khi 17 tuổi đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. 

Đồng chí Lê Đức Thọ và ngoại trưởng Mỹ Kissinger tại Hội nghị Pa-ri.

Ở thời kỳ đầu cách mạng (trước tháng 8-1945), là người được Trung ương giao cho phụ trách công tác tổ chức của Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ đã có công lao lớn trong việc giúp Trung ương bố trí, phát triển lực lượng của Đảng, xây dựng các đoàn thể cứu quốc. Đồng chí là người trực tiếp tham gia cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát động và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi; xóa bỏ ách áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến, thực dân; lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Khi nước nhà mới giành được độc lập, đồng chí được Đảng giao cho phụ trách công tác tổ chức Đảng; xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng. Trong những điều kiện hết sức khó khăn, phức tạp, vừa chống thù trong vừa chống giặc ngoài, đồng chí đã chỉ đạo tốt công tác bảo vệ chính quyền, giữ vững và phát huy thắng lợi của cách mạng, kịp thời chuẩn bị cho đất nước chủ động bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, theo sự phân công của Đảng, đồng chí vào Nam bộ công tác. Trên cương vị Phó Bí thư Xứ ủy Nam bộ và sau đó làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam (từ 1949 đến 1954), đồng chí có công lớn trong việc xây dựng, kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Đảng ở Nam bộ: Kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Xứ ủy, trong đó có việc kiện toàn lại Văn phòng Xứ ủy, các Ban Đảng vụ (sau này đổi thành Ban Tổ chức, Ban Kiểm tra), các ban chuyên môn: Ban Dân vận, Ban Công vận, Nông vận, Tôn giáo... Nhờ đó, các hoạt động chỉ đạo của Đảng có sự thống nhất, thông suốt, chặt chẽ, hiệu quả, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Nam bộ phát triển, giành được những chiến thắng vẻ vang, được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng danh hiệu: “Nam bộ thành đồng”. Sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, đồng chí Lê Đức Thọ được điều ra miền Bắc công tác và được bổ sung vào Bộ Chính trị (cuối năm 1955). Năm 1956, đồng chí được phân công làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và giữ chức vụ này qua hai nhiệm kỳ Đại hội (Đại hội III và Đại hội IV).

Trên mặt trận đấu tranh ngoại giao thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Lê Đức Thọ được Bác Hồ và Bộ Chính trị tín nhiệm, cử làm Cố vấn Đặc biệt của phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Pa-ri, trực tiếp đàm phán với Mỹ về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Với bản lĩnh, tài trí của một nhà chính trị già dặn, sự khôn khéo, linh hoạt, sáng tạo trong từng phương án cụ thể, đồng chí đã thực hiện phương châm kiên trì đấu tranh, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng. Đồng chí là người góp phần to lớn vào việc buộc Hoa Kỳ phải ký kết hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trên cương vị đại diện của Bộ Chính trị chỉ đạo cuộc tấn công, nổi dậy mùa Xuân 1975 và tham gia chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí đã góp phần quan trọng, cùng quân và dân cả nước thực hiện trọn vẹn mong ước của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đối với sự nghiệp cách mạng quốc tế, đồng chí Lê Đức Thọ đã có những đóng góp lớn lao vào việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng do chế độ Khơ-me Đỏ gây ra.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, qua các thời kỳ với nhiều cương vị công tác và nhiều địa bàn hoạt động khác nhau, đồng chí Lê Đức Thọ đã đem hết tâm sức, khả năng, trí tuệ phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng; là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, có tài năng về nhiều mặt và nổi bật trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao. Đồng chí thường được Đảng, Bác Hồ giao những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, điều đến những nơi, những lúc và ở những khâu công tác có tính quyết định của cách mạng. Đồng chí đã có những đóng góp rất quan trọng và là một trong những lãnh đạo chủ yếu của cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo công tác chuẩn bị và tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta khẳng định: Đồng chí Lê Đức Thọ đã là tấm gương sáng ngời về lòng trung thành, tận tụy với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; nhà lãnh đạo tài năng, giàu kinh nghiệm của Đảng và nhà nước ta, có nhiều cống hiến lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; người cộng sản mẫu mực với tinh thần cách mạng, tiến công kiên cường, bất khuất. lạc quan, đức tính cần kiệm, liêm chính và tình thương yêu đồng chí. Đồng chí Lê Đức Thọ được toàn Đảng, toàn dân và bạn bè quốc tế thương yêu và kính trọng. Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều Huân chương, danh hiệu vinh dự, cao quý khác. 

NGUYỄN VĂN TUÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ