A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội: Dấu ấn một chặng đường lịch sử

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội (19/10), Báo Quốc phòng Thủ đô đã có cuộc tiếp xúc với Trung tướng Phí Quốc Tuấn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (2008-2015) và các tướng lĩnh, sĩ quan Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, qua đó đã giúp chúng ta nhớ lại những ngày đầu thực hiện Lệnh số 16/L-CTN của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc tổ chức lại Quân khu Thủ đô Hà Nội thành Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (8/2008). 

 

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao Quân kỳ Quyết thắng cho Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (ngày 30/7/2008).

Thời điểm của những quyết định lịch sử

Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Lực lượng vũ trang (LLVT) Thủ đô Hà Nội gắn liền với quá trình cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước. 

Từ các đội tiền thân LLVT Hà Nội ra đời cùng toàn dân chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền (8/1945) đến Chiến khu XI (1946), đến Quân khu Thủ đô Hà Nội (1979) và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (từ tháng 8/2008 đến nay). 

Tiến tới kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống LLVT Thủ đô Hà Nội (19/10/1946-19/10/2021) cũng là thời khắc kỷ niệm 13 năm (1/8/2008-1/8/2021), Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thực hiện nhiệm vụ trong thời kỳ mới, chúng ta cùng sống lại nhịp đập thời gian của những tháng năm lịch sử ấy. 

Căn cứ Nghị quyết số 15/2008/NQQH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan (hợp nhất thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây, sáp nhập huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào thành phố Hà Nội), ngày 16/7/2008, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Lệnh số 16/L-CTN về việc tổ chức lại Quân khu Thủ đô Hà Nội thành Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, trong đó xác định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Thủ đô, trực thuộc Bộ Quốc phòng, chịu sự quản lý, chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Có thể khẳng định rằng, những quyết định lịch sử đó đã mở ra những trang mới cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. 

Với vị trí hết sức quan trọng, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Vì vậy, được trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng và bảo vệ Thủ đô là niềm vinh dự, tự hào của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô Hà Nội nói chung và mỗi cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô Hà Nội nói riêng. 

Bên cạnh đó, việc hợp nhất bộ máy các địa phương, tổ chức lại các đơn vị cũng có những tác động nhất định tới tâm tư tình cảm, tới những kỷ niệm buồn vui của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nhưng lịch sử là một dòng chảy liên tục, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã nhanh chóng quán triệt, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. 

Thời cơ cùng những khó khăn, thử thách và thành quả 

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thực hiện nhiệm vụ dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, của Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội. Thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn Thủ đô ngàn năm văn hiến, có sức mạnh tổng hợp của lịch sử, truyền thống văn hóa và anh hùng, có tiềm lực kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, lại được kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của LLVT Thủ đô hai lần Anh hùng, đó là những điều kiện thuận lợi rất cơ bản trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng LLVT Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ mới. 

Tuy vậy, thời điểm này có không ít những khó khăn, thách thức. Đó là, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch mà Thủ đô Hà Nội là một trọng điểm. Thiên tai bão lũ xảy ra nhiều, nhất là trận lũ lớn lịch sử chưa từng có vào cuối tháng 10, đầu tháng 11/2008. Công tác tại môi trường đô thị nhưng đời sống cán bộ, chiến sĩ, nhất là người hưởng lương còn không ít khó khăn, nhất là về nhà ở. Yêu cầu mới về tổ chức, biên chế mới của cơ quan Bộ Tư lệnh và các đơn vị đòi hỏi “tinh, gọn, mạnh”, nên số dư biên chế sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của cán bộ, nhân viên, nhất là ở ba cơ quan bao gồm Quân khu Thủ đô Hà Nội, Bộ CHQS thành phố Hà Nội, Bộ CHQS tỉnh Hà Tây, ba trường quân sự và một số đơn vị. 

Ai cũng có lý do chính đáng, ai cũng muốn góp sức xây dựng Thủ đô yêu dấu. Có lẽ, đây là khó khăn, trăn trở nhất của Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô lúc bấy giờ, trong khi cùng lúc phải triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được Chủ tịch nước giao cho Bộ Tư lệnh Thủ đô, đồng thời cũng có biết bao công việc bề bộn của thành phố Hà Nội những ngày đầu hợp nhất bộ máy của các cơ quan Đảng, chính quyền và các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội của Thành phố. 

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Thành ủy Hà Nội về tổ chức biên chế mới và giải quyết số dư biên chế sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp. Đảng ủy Bộ Tư lệnh có Nghị quyết lãnh đạo chuyên đề, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ, nhất là khối cơ quan Bộ Tư lệnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, tổ chức quán triệt đến từng chi bộ và các đơn vị cơ sở. Thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch về tổ chức biên chế và tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ để các cấp ủy, chi bộ xác định và đề xuất từ cơ sở. 

Do thực hiện đúng đắn công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách nên chỉ sau 1 năm 4 tháng, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã cơ bản ổn định tổ chức biên chế. Các cơ quan Tư pháp: Viện Kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự, cơ quan Điều tra Hình sự và Đoàn Nghi lễ 781 được chuyển giao trực thuộc Bộ Quốc phòng. Ba trường quân sự được tổ chức lại thành 1 trường trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô. Trung đoàn Thiết giáp 47 (biên chế thiếu) được rút gọn thành Tiểu đoàn Thiết giáp 47 và được bổ sung đầy đủ biên chế xe-máy, trang bị. Trung đoàn Bộ binh 854 (KTT) thuộc Bộ CHQS Hà Tây được điều động trực thuộc Sư đoàn Bộ binh 301 (biên chế 4 trung đoàn B? binh). Trung đoàn B? binh 854, tiền thân là Trung đoàn 12 Hà Tây, đã huấn luyện gần 80 tiểu đoàn B? binh bổ sung, tăng cường cho các chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ. Đồng thời, giải quyết cho gần 1.000 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được nghỉ chính sách hoặc được Bộ Quốc phòng điều động nhận nhiệm vụ mới. 100% cán bộ, nhân viên nhận quyết định trên giao. Đó cũng là sự thể hiện phẩm chất tốt đẹp của Người chiến sĩ Thủ đô. 

Sau này, từ thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã đề nghị Bộ Quốc phòng điều chỉnh biên chế mới, bổ sung chức danh biên chế và trần quân hàm, tạo sự yên tâm, phấn khởi, hoàn thành tốt nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, nhất là khối cơ quan Bộ Tư lệnh Thủ đô và Trường Quân sự. Đồng thời, Bộ Tư lệnh Thủ đô nhanh chóng hoàn thành di chuyển Sở Chỉ huy về vị trí mới, trước thời hạn 5 tháng so với quy định của Bộ Quốc phòng. 

Quán triệt đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân của Đảng ta, nắm vững tình hình nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chủ động, tích cực tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thực hiện công tác quân sự địa phương. Tăng cường quản lý Nhà nước về quân sự, quốc phòng tại địa bàn. 

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tham mưu với Thành ủy Hà Nội ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng LLVT Thủ đô ngày càng vững mạnh toàn diện. Trong đó có chỉ thị mới về thực hiện Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị về Tăng cường giáo dục quốc phòng-an ninh trước tình hình mới, trong đó xác định các cấp thuộc Thành phố khi xem xét bổ nhiệm, đề bạt cán bộ phải xem xét tiêu chí, tiêu chuẩn bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh để nâng cao nhận thức, trình độ toàn diện. 

Đã tham mưu với UBND thành phố Hà Nội nhanh chóng kiện toàn hàng loạt các cơ quan chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và công tác liên quan. Cùng với đó là các quy chế hoạt động như thành lập Hội đồng Nghĩa vụ quân sự Thành phố, thành lập các Ban chỉ đạo Thành phố: Giáo dục QP-AN, phòng không nhân dân, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống lụt bão, quân-dân y kết hợp, giải quyết chế độ, chính sách với quân nhân xuất ngũ chưa được hưởng chế độ chính sách mới của Chính phủ, diễn tập khu vực phòng thủ Thành phố…

Đã tham mưu với UBND Thành phố tăng cường quản lý Nhà nước về quân sự, quốc phòng trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ; coi trọng kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế khi xây dựng, thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Trong đó, thực hiện tốt những vấn đề khó và mới như quy hoạch xây dựng thế trận quân sự thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Tổ chức xây dựng công trình phòng thủ ở khu vực trọng điểm, ở căn cứ hậu phương của Thành phố bằng ngân sách địa phương. Thành phố đã quán triệt thực hiện Luật Dân quân tự vệ, trong đó giải quyết chính sách với cán bộ quân sự cấp xã cao hơn quy định chung của Nhà nước. 

Thành phố đã quan tâm đầu tư ngân sách địa phương đào tạo được số lượng lớn sĩ quan dự bị, đáp ứng nhu cầu xây dựng lực lượng dự bị động viên của Thành phố. Hàng năm, tổ chức tốt công tác đăng ký nghĩa vụ quân sự, đăng ký quân nhân dự bị. Đặc biệt, Thành phố đã đạt tiến bộ vượt bậc về công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ tốt nhiệp đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp đạt tỉ lệ 50-60%, cao nhất cả nước. 

Năm 2013, dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, thành phố Hà Nội tổ chức cuộc diễn tập khu vực phòng thủ “HN-13”, vận hành đồng bộ cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự, công an và các ban, ngành tham mưu thực hiện”. Lần đầu tiên, LLVT Thành phố thực hiện thực binh có sự tham gia phối hợp, hiệp đồng của lực lượng không quân, xe tăng, pháo binh của các đơn vị bộ đội chủ lực, địa phương và dân quân tự vệ, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Qua quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã đề xuất với Thành phố, đi trước cả nước trong việc xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề của Hội đồng nhân dân Thành phố về “Xây dựng khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, tạo sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố. 

Cùng với đó, ngay trong những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô rất coi trọng trong nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của các LLVT Thủ đô bao gồm các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương (lực lượng thường trực, dự bị động viên), xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh rộng khắp. Bộ Tư lệnh Thủ đô thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ cùng Công an nhân dân Thủ đô bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an toàn các sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trên địa bàn. 

LLVT Thủ đô luôn xung kích thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt bão; phòng, chống cháy nổ, cháy rừng. Chỉ riêng trận lũ lịch sử (tháng10-11/2008) đã huy động gần 100 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và hàng trăm lượt phương tiện cầu phà, xe máy khắc phục thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra. Đồng thời, chủ động phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị xây dựng địa bàn an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn, mất an toàn về người và phương tiện của các đơn vị quân đội tham gia giao thông trên địa bàn. Triển khai có hiệu quả các Cuộc vận động: Xây dựng doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp; Quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông. 

Bộ Tư lệnh Thủ đô chủ động tham mưu với Thành phố thực hiện chính sách hậu phương quân đội, giải quyết kịp thời chính sách với hàng vạn lượt quân nhân trong thời kỳ kháng chiến và làm nghĩa vụ quốc tế đã phục viên chưa được hưởng chính sách mới. Đồng thời, đã báo cáo, đề nghị Bộ Quốc phòng và thành phố Hà Nội quan tâm giải quyết chính sách nhà ở cho hơn 500 hộ gia đình sĩ quan, người hưởng lương thuộc Bộ Tư lệnh. Trong thời gian ngắn, Bộ Tư lệnh Thủ đô cùng các ngành chức năng Thành phố trình Bộ Quốc phòng và thành phố Hà Nội xây dựng mới hệ thống Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh, Sư đoàn BB 301, hàng chục Sở Chỉ huy thuộc Ban CHQS các quận, huyện, thị xã và các đơn vị; xây dựng Trung tâm Giáo dục QP-AN thuộc Trường Quân sự. Kinh phí xây dựng chủ yếu từ ngân sách địa phương, góp phần cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao chất lượng công tác của đơn vị. 

Toàn cảnh khai mạc Hội thao Quốc phòng LLVT Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội năm 2013.

Cùng với cả nước, vì cả nước

Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, cùng chung với các hoạt động của thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô chủ động xây dựng nội dung, chương trình hoạt động kết nghĩa với một số đơn vị, cơ quan và tổ chức. Kết nghĩa với Bộ CHQS tỉnh Điện Biên, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai; đồng thời, chỉ đạo, phối hợp kết nghĩa đến cấp Ban CHQS huyện, quận, thị xã, vừa nghiên cứu, học tập lẫn nhau, vừa giúp đỡ nhau hiệu quả, thiết thực. Tổ chức kết nghĩa với Đài Tiếng nói Việt Nam, với Kiểm toán Nhà nước. Tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác quân sự, quốc phòng ở các địa bàn đô thị với Bộ CHQS Thành phố Hồ Chí Minh (Quân khu 7), với Bộ CHQS tỉnh Cần Thơ (Quân khu 9). 

Hàng năm, Bộ Tư lệnh Thủ đô làm việc với Quân chủng Hải quân; tham mưu với thành phố Hà Nội cử Đoàn cán bộ đi thăm, động viên, tặng quà quân dân huyện đảo Trường Sa, xây dựng nhiều công trình đa năng trên đảo. 

Bộ Tư lệnh Thủ đô chủ động báo cáo Bộ Quốc phòng, tổ chức các cuộc giao lưu hữu nghị giữa ba đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ thủ đô ba nước: Bộ CHQS Thủ đô Viêng Chăn (Lào), Bộ Tư lệnh Quân khu đặc biệt Quân đội Hoàng gia Campuchia, góp phần củng cố, xây dựng mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa quân đội và nhân dân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Hàng năm, tổ chức đón tiếp, làm việc với các đoàn khách quân sự các nước khu vực và quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. 

Thời gian này, Bộ Tư lệnh Thủ đô cử hàng chục đoàn tham gia hội thi, hội thao do Bộ Quốc phòng tổ chức, luôn đạt thành tích cao. 

Năm 2011, kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống, Lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đó là niềm tự hào chính đáng của cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng và lực lượng dân quân tự vệ Thủ đô Hà Nội Anh hùng. 


Báo QPTĐ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ