A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thượng tướng Phùng Thế Tài

Thượng tướng Phùng Thế Tài với những chiến công của quân và dân Hà Nội

 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm một trận địa ra đa. Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài đứng bên phải Thủ tướng. (Ảnh: Tư liệu)

 

 

Trung tướng Phí Quốc Tuấn
Nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

(Tiếp theo kỳ trước)

Các đợt hoạt động của Mặt trận Hà Nội 1949-1950 đã thể hiện được mục đích bám chắc địch và tiêu hao, tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh ngay trong sào huyệt của chúng, đồng thời, phối hợp có hiệu quả với các chiến trường khác bằng cách kìm chân và phân tán lực lượng của chúng. Số địch bị tiêu diệt ở Hà Nội không nhiều nhưng ta đã làm thất bại một phần âm mưu biến Hà Nội thành hậu phương an toàn. Thắng lợi lớn hơn cả là củng cố lòng tin của quần chúng, xây dựng và phát triển thêm nhiều cơ sở, lực lượng. Những chiến công của quân và dân Hà Nội góp phần cùng quân và dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954.

Nhắc đến những chiến công của quân và dân Hà Nội không thể không nhắc đến chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972. Trong đó Thượng tướng Phùng Thế Tài có những đóng góp rất quan trọng trên cương vị Phó Tổng tham mưu trưởng đặc trách chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và trước đó là Tư lệnh Quân chủng PK-KQ. Năm 1962 khi đảm nhiệm Tư lệnh bộ đội Phòng không, ông đã được Bác Hồ gọi lên và nhớ nhất lời dạy của Bác Hồ: “Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B52 chưa?” và căn dặn “...Từ nay chú là Tư lệnh bộ đội Phòng không chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến thằng B52 này”. Với tầm nhìn xa của Bác, năm 1967 khi Phùng Thế Tài nhận nhiệm vụ Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, được Bác Hồ gọi lên hỏi thêm tình hình. Bác đã nói: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua”. Bác dạy: “Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm, càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị”. “Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời   Hà Nội”. Luôn nhớ lời Bác dạy và chủ động, tích cực tổ chức thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và cấp trên, cùng với việc chỉ đạo xây dựng lực lượng phòng không nhân dân với lưới lửa phòng không rộng khắp, nhiều tầng, nhiều lớp, nhất là khu vực mục tiêu trọng điểm, Ông và Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, tổ chức sử dụng lực lượng tìm ra cách đánh của bộ đội tên lửa, không quân với máy bay ném bom chiến lược B52 của giặc Mỹ.

Vào tháng 10 năm 1972, lẽ ra giữa ta và Mỹ đã đi tới Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam như đã thỏa thuận nhưng phía Mỹ đã đưa máy bay ném bom chiến lược B52 đến ném bom Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng. Mưu đồ của Mỹ dùng sức mạnh B52, con át chủ bài cuối cùng để ép ta trên bàn đàm phán, buộc ta chấp nhận những điều kiện mà chúng áp đặt. Nhưng đế quốc Mỹ đã thất bại nặng nề với hơn 80 máy bay bị bắn rơi, trong đó, có 30 chiếc B52 cùng nhiều phi công bị bắt và tiêu diệt. Đồng thời, hành động man rợ đó bị nhân dân thế giới và trong nước Mỹ phản đối kịch liệt. Mỹ đã phải chấm dứt cuộc tập kích không điều kiện và sau đó ký kết Hiệp định Pari vào ngày 27/01/1973 cam kết rút hết quân Mỹ và quân các nước đồng minh về nước, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để dân tộc ta hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” đã đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc ta như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, để Hà Nội trở thành “Thủ đô của phẩm giá con người”.

Trong chiến dịch Phòng không của quân và dân ta chống lại tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ mà lực lượng bộ đội PK-KQ là nòng cốt, lực lượng dân quân tự vệ Thủ đô tham gia chiến dịch có 4 đại đội Pháo PK 100mm (20 khẩu) 192 trận địa với 721 khẩu súng máy PK 14,5mm, 12,7mm và 54 nghìn DQTV trang bị súng trường tiểu liên. Trong 12 ngày đêm DQTV Hà Nội bắn rơi 2 máy bay  F111, 1 F4 của Mỹ, đồng thời, bộ đội địa phương và dân quân du kích phối hợp huyện Lương Sơn (Hòa Bình) truy bắt giặc lái Mỹ và tham gia tiêu diệt 1 trực thăng Mỹ đến cứu đồng bọn.
Ngày đó, Hà Nội có 60 vạn dân, trước khi xảy ra trận không kích của Mỹ, TP Hà Nội đã tổ chức sơ tán được khoảng 30 vạn người, sau đêm 18/12/1972, lệnh sơ tán khẩn cấp và triệt để được loan đi và tổ chức thực hiện. Nhờ sơ tán và phòng tránh tốt mà thành phố Hà Nội đã làm giảm thiểu tổn thất về người do địch gây ra trong 12 ngày đêm. Trong chiến dịch này, thành phố Hà Nội đã có cao trào toàn dân phòng tránh, toàn dân làm giao thông vận tải và toàn dân phối hợp và giúp đỡ bộ đội chiến đấu.

Thủ đô Hà Nội có lịch sử ngàn năm văn hiến, nền văn hóa lâu đời và truyền thống cách mạng vẻ vang tiêu biểu cho truyền thống văn hóa anh hùng, hòa bình và hữu nghị của dân tộc Việt Nam”, “Hà Nội linh thiêng và hào hoa, nơi tụ khí của địa linh nhân kiệt với biết bao địa danh và nhân tài nổi tiếng”. Nơi đây đã sinh ra những người con ưu tú của quê hương, đất nước và Thủ đô Hà Nội. Phùng Thế Tài là một trong những người con ưu tú thật đặc biệt khi ông được Bác Hồ chọn làm người cận vệ của Bác Hồ, nhất là trong hành trình đầy gian nan, vất vả đầy hiểm nguy từ Pắc Pó đến Côn Minh đầu năm 1945, mà trong thời kí của ông đã viết: “Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy rùng mình, vận mệnh của cả dân tộc, của cách mạng trong thời điểm quan trọng nhất của lịch sử được phó thác cho vị lãnh tụ kiệt xuất Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh...và chính tôi là người được giao trọng trách bảo vệ lãnh tụ đó, người mà chỉ mấy tháng sau trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già dân tộc”...

Chặng đường cách mạng của ông chiến công nối tiếp chiến công, nhất là những năm tháng chiến đấu trên địa bàn Thủ đô trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến thắng: “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” trong kháng chiến chống Mỹ có phần đóng góp xứng đáng của ông, ở nơi mà Bác Hồ đã chỉ rõ: “Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Chính ông luôn khẳng định: “Nếu không có Đảng, không có Bác Hồ sẽ không có cuộc đời tôi hôm nay: Thượng tướng Phùng Thế Tài”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói về ông: “Phùng Thế Tài là một người cộng sản kiên trung, một vị tướng tài ba của Quân đội ta..., đồng chí sống trung thực, thẳng thắn, chiến đấu dũng cảm, chỉ huy quyết đoán, thông minh, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Bác Hồ và Quân đội giao phó. Chiến công và thành tích của đồng chí trong quá trình cách mạng và kháng chiến đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc”.


Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ