A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguyễn Duy Trinh-Nhà cách mạng, nhà ngoại giao xuất sắc

 

QPTĐ-Đồng chí Nguyễn Duy Trinh sinh ngày 15-7-1910 trong một gia đình nông dân ở xã Nghi Thọ (nay là xã Phúc Thọ), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có truyền thống yêu nước, đồng chí Nguyễn Duy Trinh sớm giác ngộ cách mạng.

 Đồng chí Nguyễn Duy Trinh (thứ 3 từ bên trái sang) sau Hội nghị Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Sáng ngời lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh tên thật là Nguyễn Đình Biền, ngay từ khi là cậu học trò đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1927, khi vừa tròn 17 tuổi, anh gia nhập Đảng Tân Việt, hoạt động tại Sài Gòn - Gia Định. Để tránh sự truy lùng của mật thám, đồng chí đổi tên Nguyễn Đình Biền thành Nguyễn Duy Trinh. Cuối năm 1928, đồng chí Nguyễn Duy Trinh bị thực dân Pháp bắt, kết án 18 tháng tù, trục xuất về bản quán. Tháng 8-1930, ngay khi về tới quê hương, đồng chí bí mật liên lạc với các chi bộ Đảng địa phương và tiếp tục hoạt động cách mạng. Thời kỳ này, cuộc biểu tình của nhân dân Hưng Nguyên bị chính quyền thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, đồng chí Nguyễn Duy Trinh và các đảng viên trực tiếp vận động và lãnh đạo nhân dân trong tổng đoàn kết đứng dậy tiến hành nhiều cuộc đấu tranh. Từ cuối tháng 12-1930 cho đến tháng 4-1931, đồng chí cùng các Bí thư chi bộ Đảng đã có nhiều hoạt động ý nghĩa. Tháng 4-1931, đồng chí được bầu làm Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc. Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1931, theo chỉ thị của Xứ ủy Trung Kỳ, Huyện ủy Nghi Lộc phát động tổ chức đấu tranh trên quy mô toàn huyện. Cuộc đấu tranh này bị thực dân Pháp thẳng tay khủng bố. Sau những tổn thất nặng nề, tổ chức Đảng phải đi vào hoạt động bí mật. Đồng chí tiếp tục bắt mối liên lạc với những đảng viên chưa sa vào lưới giặc, duy trì phong trào cách mạng. 

Ngày 18-1-1932, đồng chí bị địch bắt. Từ năm 1932 đến tháng 5-1945, đồng chí bị lưu đày trong nhiều nhà tù khét tiếng tàn bạo của bọn thực dân phong kiến như: Nhà lao Vinh, ngục Kon Tum, nhà tù Côn Đảo... Năm 1945, vừa ra tù, đồng chí tham gia vận động khởi nghĩa ở Vinh và Thừa Thiên Huế. Đồng chí được cử làm Ủy  viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Trung bộ; Bí thư Khu ủy Khu V kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ. Năm 1951, đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Năm 1960, đồng chí được tiếp tục bầu vào Trung ương Đảng, là Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng.

Nhiều đóng góp xuất sắc cho nền ngoại giao nước nhà

Giai đoạn những năm từ 1965 đến 1980, đồng chí được  giao nhiều trọng trách trong Đảng như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, giữ chức vụ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Đồng chí đã bôn ba năm châu, bốn biển để đoàn kết, tập hợp lực lượng quốc tế giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí tham mưu, đề nghị Bộ Chính trị mở rộng quan hệ láng giềng với các nước trong khu vực. Trong các cuộc đấu trí ngoại giao, ông đều đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết. Ông hiện thực hóa lời dạy “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành ngoại giao một cách xuất sắc.

Dấu ấn của ông trong ngành ngoại giao để lại thành quả rực rỡ nhất chính là trong giai đoạn đế quốc Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Đây là thời kỳ cuộc đấu tranh của nhân dân ta diễn ra trên cả ba mặt trận: Quân sự, chính trị và ngoại giao. Trong đó, thành quả của sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của ba mặt trận này đã buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ký kết Hiệp định Pa-ri, kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ngày 27-1-1973, với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí cùng đại diện các bên ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hiệp định Pa-ri chính là thắng lợi to lớn trên mặt trận ngoại giao, ghi đậm dấu ấn của các nhà ngoại giao kỳ cựu của nước nhà, trong đó có đóng góp to lớn của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh. Đất nước thống nhất và tiến hành công cuộc tái thiết sau 30 năm bị tàn phá bởi chiến tranh, ngoại giao Việt Nam vừa tranh thủ sự hỗ trợ của thế giới và cộng đồng các nước XHCN, vừa đấu tranh chống bao vây cấm vận. Trong thời kỳ cực kỳ khó khăn ấy, ngành ngoại giao Việt Nam vẫn đạt được thành tựu to lớn, đó là kết quả đàm phán chính thức đưa Việt Nam trở thành thành viên của Liên hợp quốc, đánh dấu việc cộng đồng thế giới công nhận tính pháp lý và tư cách đại diện của Nhà nước ta tại tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu. 

Bảy mươi lăm tuổi đời, gần sáu mươi năm hoạt động cách mạng liên tục ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước, ở bất cứ cương vị nào, đồng chí Nguyễn Duy Trinh cũng chứng tỏ được vai trò, phẩm chất và bản lĩnh của một nhà lãnh đạo có tầm nhìn và tư duy sâu rộng, luôn sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Ghi nhận công lao, đóng góp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã trao tặng đồng chí Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

NGUYỄN VĂN TUÂN
(Theo Ban Tuyên giáo Trung ương)
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ