A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kể chuyện 12 ngày đêm bằng rối nước

QPTĐ-Bằng tình yêu, lòng nhiệt huyết và những trải nghiệm thực tế, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Đinh Thế Văn đã thổi hồn vào những con rối nước ở thủy đình quê nhà Đông Anh, kể chuyện đánh B-52 những ngày rực lửa cách đây tròn 50 năm...

Từ “vượt nửa góc”...

Double commanGiải thích về tính ưu việt của phương pháp “vượt nửa góc”, ông Văn cho biết: “Khi bám mục tiêu (B-52) thì giữa quả tên lửa của ta và mục tiêu tạo một góc. “Vượt nửa góc” nghĩa là quả tên lửa của ta điều khiển lên sao cho phải luôn luôn đón trước nửa góc với mục tiêu. Khi đến điểm bằng không là tên lửa tự động kích hoạt. Cách đánh này xác suất tiêu diệt cao, vừa tiết kiệm đạn vừa bắn rơi được B-52 tại chỗ”. 

 

 

Đến làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, Đông Anh, hỏi thăm nhà Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thế Văn, chúng tôi được người dân trong làng chỉ giúp rất nhiệt tình. Một cậu bé trạc 10 tuổi còn xung phong dẫn đường cho chúng tôi đến tận đầu ngõ nhà ông. Đi trên đường, cậu bé mau miệng khoe: “Ông Văn kể chuyện đánh máy bay Mỹ rất hay!”.

Ở tuổi ngoài 80, ông Văn vẫn rất minh mẫn, tinh nhanh. Sau một hồi trò chuyện, ông đưa chúng tôi lên tầng hai tham quan. Ở tầng hai, ông dành riêng một phòng làm nơi trưng bày, lưu giữ những bức ảnh, kỷ vật ghi dấu lúc ông tham gia Chiến dịch Phòng không tháng 12-1972.

Năm 1971, ông Đinh Thế Văn là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361, đóng quân tại làng Chèm (nay thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm) với nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu quan trọng trong nội thành. Thời gian luyện tập để tiêu diệt B-52 ngay trên bầu trời Hà Nội đã tạo ra áp lực nặng nề lên ông và các đồng đội. 

“Đó là quãng thời gian căng thẳng nhất trong cuộc đời tôi. Rất nhiều đêm tôi thức trắng. Một câu hỏi bám riết, ám ảnh trong óc là làm sao bắn hạ được B-52. Nếu không biết cách đánh mà liều lĩnh sẽ trở thành mồi cho các loại tên lửa không đối đất của địch”, ông Văn bồi hồi kể. 

Lúc đó, nếu đánh bằng phương pháp phát sóng truyền thống thì trận địa tên lửa sẽ bị tên lửa shrike của địch bám theo cánh sóng bắn cho tan tành. Phải tìm ra cách đánh mới là một yêu cầu bắt buộc. Từ thực tiễn chiến đấu, ông Văn và đồng đội bắt tay vào nghiên cứu, tổ chức huấn luyện ứng dụng, rút kinh nghiệm từ bài học xương máu của đồng đội khi đối đầu với B-52. 

Giải thích về tính ưu việt của phương pháp “vượt nửa góc”, ông Văn cho biết: “Khi bám mục tiêu (B-52) thì giữa quả tên lửa của ta và mục tiêu tạo một góc. “Vượt nửa góc” nghĩa là quả tên lửa của ta điều khiển lên sao cho phải luôn luôn đón trước nửa góc với mục tiêu. Khi đến điểm bằng không là tên lửa tự động kích hoạt. Cách đánh này xác suất tiêu diệt cao, vừa tiết kiệm đạn vừa bắn rơi được B-52 tại chỗ”. 

Cái khó của phương pháp “vượt nửa góc” là gì ạ?-chúng tôi hỏi ông Văn.

“Để bắn B-52 bằng phương pháp “vượt nửa góc” đòi hỏi lòng dũng cảm, trí thông minh và bản lĩnh của cả kíp chiến đấu. Trước hết là không sợ địch, dũng cảm mở máy radar để lùng sục, vạch trong dải nhiễu tìm đúng vị trí B-52. Nếu xử trí không nhanh, cắt sóng không kịp sẽ bị shrike của địch phóng vào trận địa. Như vậy, toàn kíp chiến đấu gồm tiểu đoàn trưởng, sĩ quan điều khiển, 3 trắc thủ phải hiệp đồng chặt chẽ, nhuần nhuyễn trong thao tác để chỉ trong vòng 60 giây phải hoàn thành một trận đánh”.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thế Văn kể chuyện đánh B-52.      
 

 

Bằng phương pháp “vượt nửa góc”, trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng cuối tháng 12-1972, Tiểu đoàn 77 đã lập nên một kỳ tích vang dội: Bắn rơi 4 chiếc máy bay B-52 của đế quốc Mỹ, trong đó 3 chiếc rơi tại chỗ. Với chiến công xuất sắc này, Tiểu đoàn 77 trở thành một trong những đơn vị bắn rơi nhiều máy bay B-52 nhất.

...Đến hóa thân vào nghệ thuật truyền thống

Khi nghỉ hưu, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thế Văn đã tái hiện ký ức Hà Nội chiến thắng B-52 bằng nghệ thuật múa rối nước truyền thống của quê hương Đào Thục như một cái duyên. Năm 1989, ông Văn nghỉ hưu, lúc đó múa rối nước truyền thống Đào Thục gặp rất nhiều khó khăn. Những vở diễn tích cũ trò xưa dần đã “mòn”, không thu hút được người xem. Vốn là con của một nghệ nhân múa rối nước có tiếng ở làng, ông không khỏi xót xa. Múa rối nước Đào Thục đã có truyền thống hơn 300 năm, không chỉ là nét văn hóa độc đáo mà còn là vốn liếng văn hóa tổ tiên để lại cho muôn đời sau. Vậy làm sao để đổi mới, kéo khán giả quay lại với rối nước? Nghĩ mãi, ông Văn nảy ra ý tưởng, nếu tái hiện ký ức Hà Nội chiến thắng B-52 bằng nghệ thuật múa rối nước sẽ mang đến cho khán giả sự khác lạ. Hơn nữa, tiết mục còn có tác dụng giáo dục lịch sử truyền thống, nhất là lớp trẻ. Nghĩ là làm, ông Văn cùng các nghệ nhân Đào Thục bắt tay dựng hoạt cảnh rối nước "Hà Nội chiến thắng B-52". Ông còn đưa ra ý tưởng sáng tạo, thiết kế con rối chưa từng có trong lịch sử: Đó là những chú bộ đội, những cô dân quân, những chiếc máy bay Mỹ, những quả tên lửa... Những con rối mới lạ này gây ra không ít khó khăn cho các nghệ nhân khi tham gia điều khiển, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, quá trình luyện tập công phu.

Kể đến đây, ông Văn dẫn chúng tôi đi xem lại thước phim trình diễn hoạt cảnh rối nước "Hà Nội chiến thắng B-52". Vừa xem, ông Văn vừa nhập vai thuyết minh. Với thời lượng hơn 20 phút, hoạt cảnh mô tả cuộc chiến đấu quả cảm hạ gục B-52 của quân và dân Thủ đô. Vở diễn bắt đầu bằng hình ảnh làng quê đang yên ả, thanh bình, những người nông dân vui vẻ cấy cày, mấy cô thôn nữ đang xay, giã, giần, sàng. Bỗng từ thủy đình giữa làng Đào Thục vang lên tiếng kẻng chói tai, tiếng loa thúc giục hối hả: “Máy bay địch đang tiến vào Hà Nội...”. Sau đó, từ dưới mặt nước, những chiếc máy bay vụt lên gầm thét trên bầu trời hòa trong tiếng súng từ mặt đất bắn lên. Một “quả tên lửa” vút bắn lên trúng chiếc B-52 khiến nó bốc cháy. Ánh điện hắt sáng xuống mặt nước gợn sóng lăn tăn tạo cảm giác thích thú bởi tính độc đáo của nội dung, bối cảnh. Hiệu ứng khói lửa được thể hiện một cách sinh động, tạo điểm nhấn cho vở diễn càng thêm ấn tượng.

Lần đầu khi hoạt cảnh múa rối nước “Hà Nội chiến thắng B-52” công diễn, người dân đến xem rất đông. Đến đoạn những chiếc máy bay gầm thét trên bầu trời hòa trong tiếng súng từ mặt đất bắn lên, rồi bất ngờ, một "quả tên lửa" vút lên bắn trúng chiếc B-52 đầu đàn khiến nó "bốc cháy", có rất nhiều tiếng khán giả hò reo, những tràng vỗ tay liên tục như thể họ đang sống lại những ngày tháng hào hùng của dân tộc. Người dân Đào Thục vốn quen thuộc với từng con rối, từng tiết mục như: "Múa tiên", "Câu ếch", "Chọi trâu", "Đấu vật"... nay được xem hoạt cảnh mới, ai cũng thích thú, khen ngợi.

50 năm đã trôi qua, Chiến thắng lịch sử “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã được sách báo trong nước và quốc tế ghi lại rất nhiều nhưng sức truyền cảm từ những con rối nước nơi làng quê nhỏ bé vẫn thật mãnh liệt. Trong câu chuyện, ông Văn nhiều lần nhắn nhủ: “Chúng tôi diễn sử bằng nghệ thuật múa rối nước với mong muốn giản dị để các bạn trẻ có cái nhìn trực quan, sinh động hơn về lịch sử hào hùng, kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm của quân và dân Thủ đô Hà Nội”.

Hải Yến-Văn Tuấn

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ