A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quê hương người gái đảm

 

QPTĐ-“Từ ngày anh đi, việc đồng em giỏi giang. Ruộng cấy chăng dây cấy lúa thẳng hàng, đào đắp mương dẫn nước quanh làng. Tiếng hát ba đảm đang...”. Đó là những lời mở đầu cho bài hát “Đường cày đảm đang”-một sáng tác của nhạc sỹ An Chung, được phổ biến vào giữa những năm 1965-1966 của thế kỷ XX, khi cuộc  kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn khốc liệt nhất và khi Phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ Việt Nam đang lan tỏa khắp mọi miền đất nước. Cho đến nay, “Đường cày đảm đang” vẫn đi cùng năm tháng và mỗi khi giai điệu tươi tắn, mượt mà của ca khúc này được cất lên lại khơi nguồn cảm xúc sâu lắng cho người nghe, nhất là những người đã từng trải qua những năm tháng vất vả, gian lao, nhưng lại đầy ắp những ký ức của một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. 

Tượng đài “Đan Phượng quê hương người gái đảm”.

Năm 1965, bị thua đau trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, cũng là lúc lớp lớp thanh niên trai tráng hưởng ứng Phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” hăng hái xung phong, tình nguyện lên đường chiến đấu, chi viện cho chiến trường. Mọi công việc ở hậu phương đều đặt lên đôi vai mềm yếu của người phụ nữ. Nếu không biết dựa vào tổ chức, đoàn thể, không biết tập hợp sức mạnh đoàn kết của chị em phụ nữ trong thôn, trong xã giúp nhau vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn, thì ruộng đồng không thể cấy hái, con cái không được học hành, cha mẹ già yếu không người chăm sóc…và không thể động viên chồng, con, em yên tâm lên đường cứu nước… Và thế là ý tưởng về một phong trào cách mạng của phụ nữ được hình thành. 

Trong cuốn “Truyền thống cách mạng phụ nữ Đan Phượng” do Hội LHPN Việt Nam huyện Đan Phượng xuất bản năm 1985, có đoạn viết: “…Đầu năm 1965, Thường trực Hội phụ nữ huyện Đan Phượng xin ý kiến Ban Thường vụ Huyện ủy phát động phong trào thi đua của phụ nữ… Sau nhiều lần trao đổi, Thường vụ Huyện ủy quyết định, phong trào thi đua của phụ nữ với tên gọi “Ba đảm nhiệm” xuất hiện...”. Như vậy, nơi khởi nguồn của Phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm” là từ huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây và chị em phụ nữ 16 xã của huyện thời ấy chính là những người “nhóm lửa” và nuôi dưỡng phong trào ngay từ những ngày đầu mới mẻ ấy.

Giữa những ngày oi ả của mùa Hè năm 2021, chúng tôi về Đan Phượng-“Quê hương người gái đảm” để gặp lại các bà, các chị đã một thời gắn bó với Phong trào “Ba đảm nhiệm”. Con đường đê xuống xã Trung Châu không còn lầm bụi như trước, mà thay vào đó là mặt đường trải nhựa rộng rãi. Đan Phượng đang trong quy hoạch từ đơn vị hành chính cấp huyện, sẽ lên quận của Thủ đô Hà Nội trong một tương lai gần, nên hầu hết các tuyến đường liên thôn, liên xã ở đây đều được nhựa hóa khang trang. Làng xóm đã đổi thay rõ nét. Nhà cửa hiện đại, đường ngõ sạch sẽ, phong quang… 

Bà Lê Thị Quýnh-nguyên Chủ tịch UBND xã Trung Châu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã năm nay đã 79 tuổi, nhưng vẫn khỏe khoắn, nhanh nhẹn, đặc biệt là giọng nói vẫn sôi nổi, mạnh mẽ, mang đậm phong cách của một “vị thủ lĩnh phong trào” đầy nhiệt huyết. Được hỏi về nguồn gốc ý tưởng gây dựng Phong trào “Ba đảm nhiệm” thời ấy, đôi mắt bà sáng lên niềm vui vì những kỷ niệm tuổi thanh xuân sôi động ùa về… Bà kể, năm ấy bà Lê Thị Thái là Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện đặt vấn đề với Ban Chấp hành Hội là: Đoàn Thanh niên người ta có Phong trào “Ba sẵn sàng”, phụ lão các cụ có Phong trào “Ba gương mẫu”, còn phụ nữ chúng ta sẽ có phong trào gì? Chủ tịch Hội gợi ý, hiện nay phụ nữ đang phải đảm nhiệm công việc thay chồng, con, em lên đường chiến đấu. Chúng ta nên phát động Phong trào “Ba đảm nhiệm” của phụ nữ gồm đảm nhiệm việc sản xuất ở địa phương; đảm nhiệm công việc gia đình để chồng con em yên tâm lên đường chiến đấu và đảm nhiệm phục vụ chiến đấu khi cần thiết. Nội dung của phong trào tuy ngắn gọn, nhưng là ba phần việc rất quan trọng, mà lại là những việc gần gũi, thường ngày của chị em nên rất dễ nhớ, dễ thực hiện. Vì vậy, Hội Phụ nữ 16 xã chúng tôi nhất trí ngay. Ngày 8/3/1965, nhân Ngày Phụ nữ Quốc tế, một cuộc mít tinh phát động Phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm” được tổ chức với hàng ngàn người tham gia, thể hiện quyết tâm cao của phụ nữ trong huyện. Ngay sau khi phong trào được phát động ở Đan Phượng, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã kịp thời nhân rộng ra các tỉnh, thành phố trong cả nước. Bác Hồ cũng rất quan tâm đến phong trào này và Người đã đổi tên Phong trào “Ba đảm nhiệm” thành “Ba đảm đang”. 

Bà Lê Thị Quýnh tâm sự, lúc bấy giờ tôi cũng vất vả lắm. Ông ấy đi TNXP, ở nhà vừa trông nom mẹ già lại một nách 2 đứa con, đến nỗi đi họp trên huyện cách nhà đến 4-5 cây số, mà phải tay ẵm, tay dắt cả con đi theo. Thế nhưng, trong công tác thì chị em chúng tôi phấn khởi vì có được phong trào cho riêng mình với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để phấn đấu. Chúng tôi phân công nhau đến từng nhà có thanh niên trong độ tuổi để vận động nhập ngũ. Gia đình nào có hội viên phụ nữ thì gương mẫu đăng ký cho con, em đi bộ đội, nhờ đó, việc tuyển quân trước đây còn khó khăn, nhưng từ khi có phong trào thì rất nhẹ nhàng. Việc thứ hai là đẩy mạnh sản xuất lúa, chăn nuôi, trồng dâu nuôi tằm để làm nghĩa vụ cho Nhà nước. Khi có phong trào rồi thì chị em tích cực học tập, phấn đấu thực hiện bình đẳng giới. Cho nên chúng tôi có chị làm Chủ tịch xã, làm Xã đội trưởng, làm Chủ nhiệm HTX. Chưa bao giờ ở Trung Châu và ở huyện Đan Phượng chúng tôi lại có phong trào phụ nữ phát triển mạnh như thời kỳ ấy. Khi được hỏi về những tấm gương sáng của phụ nữ xã Trung Châu, bà Quýnh trầm lắng kể, giữa những ngày sôi nổi ấy, thì ở thôn tôi ở có một số trường hợp chị em gặp hoàn cảnh rất đặc biệt. Cụ thể như bà Lê Thị Liêm, chồng hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp, có người con trai độc nhất cũng xin đi bộ đội, rồi hy sinh trên chiến trường miền Nam. Đau thương, mất mát quá lớn tưởng không trụ nổi. Hội Phụ nữ chúng tôi phải xin cho bà một cô con gái nuôi, để có người an ủi sớm hôm. Đến nay, dù bà đã qua đời, nhưng cô con nuôi vẫn thờ phụng, hương khói. Cô còn vào chiến trường đưa người anh hy sinh về quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ ở địa phương. Bà Lê Thị Liêm đã được Đảng và Nhà nước tặng Danh hiệu Bà Mẹ VNAH. Chỗ tôi còn bà Nguyễn Thị Choét cũng là một tấm gương vượt khó. Chồng đi bộ đội rồi hy sinh khi con chỉ được hơn một tuổi. Bà lại càng buồn bã, héo hon với nỗi lòng sinh con một bề. Chị em chúng tôi phải thường xuyên đến động viên, đỡ đần công việc. Lâu dần, bà cũng vượt lên, tham gia công tác Hội rất tốt…

Bà Nguyễn Thị Tằm, nguyên Hội trưởng Phụ nữ xã Song Phượng với chất giọng rất vang, say sưa kể về phong trào phụ nữ trên mặt trận sản xuất nông nghiệp. Song Phượng được huyện chọn làm điểm để đưa năng suất lúa lên cao. Khi trên cung cấp giống lúa về, thì chị em thực hiện cấy đúng kỹ thuật chăng dây, thẳng hàng phục vụ cho khâu làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, nên năng suất lúa không ngừng tăng lên, từ chỗ chỉ đạt 5 tấn, lên 7 tấn, rồi sau đó là 10 tấn/ha, đóng góp cho Nhà nước hơn 550 tấn lúa. Phong trào tuyển quân của Song Phượng cũng là đơn vị dẫn đầu, năm nào cũng đạt 100% chỉ tiêu trên giao. Song Phượng còn thành lập Tổ phụ nữ xung kích, giúp bà con tránh trú khi có máy bay địch, đánh dấu hầm hào để cứu nạn khi cần thiết. Đặc biệt, xã còn thành lập 1 đơn vị súng máy phòng không bảo vệ Đập Phùng và chính đơn vị dân quân này đã làm rạng rỡ truyền thống phụ nữ Đan Phượng. Trong trận chiến đấu bảo vệ Đập Phùng chiều ngày 28/4/1967, các chiến sĩ nữ dân quân đã kiên cường chiến đấu đánh trả nhiều tốp máy bay Mỹ và có 9 đồng chí anh dũng hy sinh, trong đó có 4 đồng chí nữ dân quân Song Phượng. 

Chúng tôi đã gặp Bà Bùi Thị Tư ở thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng, người đã tham gia trận chiến khốc liệt năm ấy. Đã mấy chục năm qua, nhưng bà vẫn nhớ đến từng chi tiết trận chiến đấu của dân quân Song Phượng. Giữa những trận bom phá, bom bi từ các máy bay Mỹ ném xuống, tiểu đội dân quân Song Phượng vẫn đánh trả quyết liệt. Một quả bom ném trúng trận địa, anh chị em bị bom vùi trong khi khẩu 14,5 ly vẫn còn trên giá súng. Cuộc tìm kiếm các anh, các chị diễn ra suốt đêm, giữa bãi bom bi nổ chậm. Bà Tư không nén được cảm xúc: “Tôi thương các em nó còn bé mà hy sinh. Tội lắm”.  Trong cuốn “Truyền thống cách mạng phụ nữ Đan Phượng”, tấm gương hy sinh của các anh, các chị trong trận chiến đấu năm ấy, đã được ghi chép “…Đau thương, căm thù hòa quyện, giục giã người sống quyết tâm chiến đấu. Hình ảnh các chị sống mãi trong lòng dân. Bốn chị đã được truy tặng Danh hiệu Dũng sĩ Đập Phùng…”

Phong trào “Ba đảm nhiệm” của phụ nữ Đan Phượng có lịch sử đến nay đã hơn 46 năm, những người phụ nữ trong phong trào năm ấy, giờ đây cũng đã cao tuổi, người còn, người mất, nhưng họ đã có một lứa tuổi thanh xuân nhiều ý nghĩa và rất đỗi tự hào vì đã góp phần vào sự khởi nguồn của một phong trào cách mạng, tô thắm thêm truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, thời kỳ nào cũng vậy, “Khi có giặc người con trai ra trận. Người con gái trở về nuôi cái cùng con…” (Đất nước-Nguyễn Khoa Điềm), nhưng chỉ đến thời kỳ chống Mỹ cứu nước, chỉ trong thời đại Hồ Chí Minh, người phụ nữ được giải phóng, có quyền tự chủ, được giáo dục và rèn luyện, có chí vươn lên. Người con gái không chỉ ở nhà “nuôi cái cùng con”, mà đã mạnh mẽ gánh vác việc nước, đảm nhiệm mọi công việc của xã hội. Những người phụ nữ trong Phong trào “Ba đảm đang” của huyện Đan Phượng là hình ảnh sinh động của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới. Họ không những lo toan việc nhà, mà còn đảm việc nước để “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Họ động viên chồng, con, em lên đường chiến đấu, có chị lại phải âm thầm, chịu đựng mọi nỗi đau khi những người thân yêu nhất đã không trở về. Họ kiên cường bước vào trận đánh quyết liệt với quân thù và đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân tươi đẹp cho quê hương đất nước, mà không một chút đắn đo, tính toán… 

Bà Nguyễn Thị Tằm tâm sự, chúng tôi vẫn nói với chị em phụ nữ xã là sự hy sinh, đóng góp của chị em trong khi đất nước có chiến tranh là vô cùng quý giá. Có gia đình cả hai người con hy sinh, có gia đình chỉ có người con duy nhất cũng hy sinh…, thậm chí hy sinh cả bản thân mình để giành lấy cuộc sống độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc hôm nay. Đó là truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam.

Giữa trung tâm thị trấn huyện Đan Phượng, một bức tượng đài “Quê hương người  gái đảm” đã được dựng lên để tôn vinh truyền thống “Ba đảm đang” của phụ nữ Đan Phượng. Hình tượng người phụ nữ súng khoác trên vai, tay cày, tay bế con nhỏ với gương mặt nhân hậu và đôi mắt đầy tự tin hướng về phía trước là những nét khái quát, tập trung, tiêu biểu của phong trào phụ nữ tại chính nơi khởi nguồn của phong trào phụ nữ nổi tiếng đất nước và đã đi vào lịch sử truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Điều kỳ diệu là sức sống mạnh mẽ của Phong trào “Ba đảm đang” đến nay vẫn được phụ nữ Việt Nam phát huy, mở rộng và nâng tầm nội dung để phù hợp với yêu cầu trong thời kỳ mới, nhưng cốt lõi của Phong trào vẫn là vận động chị em phụ nữ luôn “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”-nét đặc trưng, cô đọng của phong trào truyền thống “Ba đảm đang”-niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam.

Ghi chép của Hữu Văn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ