A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhớ mãi lần được gặp Bác Hồ

 

QPTĐ-Nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh-lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới; Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, luôn đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới…có lẽ không chỉ những người dân đất Việt mà bạn bè khắp 5 Châu mãi không thể nào quên. Dù Bác đã đi xa nhưng tư tưởng của Người luôn trường tồn cùng non sông, đất nước. Trong những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi đã gặp gỡ Đại tá Phạm Công Phụng, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế-Chính trị và Trung tá Phạm Luyện, nguyên Phó phòng Tham mưu Hành chính, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng để nghe hai ông kể những câu chuyện cảm động về Bác.

 

 

Các cựu chiến binh ôn lại kỷ niệm về những năm tháng chiến đấu.

 

Mặc dù tuổi cao, Đại tá Nguyễn Công Phụng (sinh năm 1928), Trung tá Phạm Luyện (sinh năm 1937) nhưng khi nhắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả hai ông đều nhớ như in lần gặp Bác Hồ, đôi mắt bỗng bừng sáng và dần nhòe đi bởi niềm tự hào xen lẫn sự xúc động, nghẹn ngào không thể nào quên.


Đại tá Phạm Công Phụng bồi hồi: “Tôi may mắn được gặp Bác Hồ năm 1956, sau thời gian sửa sai cải cách ruộng đất. Chúng tôi đại diện quân đội tham gia với Tỉnh uỷ Sơn Tây sửa sai ở huyện Thạch Thất. Sau 6 tháng, cán bộ Tỉnh uỷ gặp tôi bảo, hôm nay Cụ Hồ về thăm, chúng tôi giới thiệu cho cậu đi. Đồng chí Bí thư Huyện ủy Thạch Thất giới thiệu với Tỉnh ủy và tôi được dự. Hôm đó, chúng tôi ở hội trường. Khi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy dẫn Bác Hồ vào, mọi người đứng dậy hoan hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Bác vẫy tay mời mọi người ngồi xuống. Bác mặc bộ ka ki trắng bạc màu. Lần đầu được gặp Bác, tôi thấy Bác giản dị và khỏe mạnh. Bác hỏi: Các chú sửa sai đến đâu rồi và bắt đầu nói chuyện luôn.


Từ khi tham gia cách mạng tại địa phương, rồi khi được kết nạp Đảng (1947), tôi biết đến Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc (do một đồng chí cán bộ nói nhỏ với tôi) và mong ước được một lần gặp Bác. Khi ước mơ thành hiện thực, chúng tôi rất xúc động và vui sướng. Tôi rất nhớ lời của Bác từ ngày đó. Bác nói 2 vấn đề lớn: Sửa sai được kết quả bước đầu, giờ chúng ta phải tiếp tục giải quyết hậu quả của sai lầm, vấn đề đoàn kết trong chi bộ, giữa đảng viên mới-đảng viên cũ; cán bộ mới-cán bộ cũ; đoàn kết trong nhân dân để ổn định tình hình nông thôn, góp phần củng cố xây dựng miền Bắc vững mạnh, vì sau cải cách ruộng đất thì nông thôn mất ổn định. Cũng từ lời dặn đó, mình là đảng viên nên rất thấm thía và gắn với chính bản thân và gia đình.


Nếu ông Phụng được gặp Bác trong lần về dự cuộc họp sửa sai ruộng đất tại Sơn Tây thì ông Phạm Luyện lại được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đến thăm Lữ 374 Pháo binh xây dựng doanh trại, Trung tá Luyện khi ấy là Tiểu đội trưởng trinh sát Pháo binh trong Tổ đón Bác ở vòng ngoài.


Ông Luyện kể: Tôi rất vinh dự, tự hào khi được gặp Bác năm 1958, tại đơn vị khi đang đóng quân tại Yên Bình, Yên Bái. Khi ấy tôi là chiến sĩ, thuộc đơn vị Lữ 374-Pháo binh, mới từ Vĩnh Yên lên xây dựng doanh trại (bằng cách dựng cột và lợp tranh, lá) tại Thành Nhà Bầu. Khi ấy, cán bộ báo cho chúng tôi chuẩn bị có khách đến thăm, chúng tôi làm công tác chuẩn bị và đứng ở các ngõ, ngách giữ trật tự, bảo vệ để đón khách nhưng không biết rõ là ai. Mãi không thấy khách đi vào hướng đó, chúng tôi được trên thông báo quay về tập trung nghe khách nói chuyện. Tới lúc về, Bác Hồ đã có mặt tại doanh trại (theo lối khác). Chúng tôi ôm chầm lấy Bác khóc nức nở vì vui sướng. Bác mặc rất giản dị, quần áo gụ, chân đi dép cao su. Bác xem các nhà đang xây dựng, chỗ ở, bếp, sau đó Bác nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ. Tôi vẫn nhớ lời Bác: Các chú lên đây, hưu quạnh và rừng núi, Bác rất tự hào về việc các chú bỏ công sức lên rừng lấy gỗ, phương tiện để làm nhà ở mà không phải dùng tiền của Nhà nước, tiền của nhân dân. Các chú tiếp tục làm cho xong, phục vụ cán bộ,chiến sĩ chu đáo. Sau đó, Bác xem lần nữa và đi tiếp.
Theo Trung tá Phạm Luyện, điều học ở Bác chính là sự giản dị, phong cách-Bác đến tận những nơi xa xôi, hẻo lánh để quan tâm, động viên bộ đội… 


Sinh ra và lớn lên tại hai miền quê khác nhau, Đại tá Công Phụng quê ở Thái Thụy, Thái Bình, còn Trung tá Phạm Luyện ở Thanh Tâm, Thanh Liêm, Hà Nam, cả hai bác đều có tình yêu nước nồng nàn nên gắn bó với quân đội từ rất sớm. Đại tá Công Phụng công tác ở nhiều đơn vị khác nhau, giữ các chức vụ Chính trị viên Tiểu đoàn, Phó Chủ nhiệm Trung đoàn... Trung tá Phạm Luyện công tác ở đơn vị Pháo binh, với chức danh từ Tiểu đội trưởng Trinh sát Pháo binh đến Đại đội trưởng Pháo binh, Tiểu đoàn phó Chính trị Trung đoàn. Sau đó, hai người đều gắn bó với Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng trong thời gian rất dài, nghỉ hưu và sinh sống trên địa bàn.

 

Điều đáng nói, học theo Bác từ những việc nhỏ nên khi nghỉ hưu hai ông luôn sống vui, sống khỏe, sống có ích, tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. Đại tá Phạm Công Phụng là Tổ trưởng Tổ hưu trí, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Hà Đông, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi. Trung tá Phạm Luyện là Quản trị trưởng Khu tập thể Học viện; Trưởng Khu phố, Đảng ủy viên-Đại biểu HĐND phường Quang Trung (2 nhiệm kỳ)… Ở cương vị nào, các ông cũng phát huy tinh thần trách nhiệm, đem trí tuệ, sự nhiệt huyết để hoàn thành tốt cương vị đảm nhiệm.


 Trần Hiền-Nguyễn Dũng


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ