A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những kỷ niệm khó quên 

 

Bốn cán bộ Trung đội phó và Tiểu đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 76, Trung đoàn 59, Bộ Tư lệnh Thủ đô trước giờ lên tàu vào Nam chiến đấu, ngày 15/4/1974.

Đầu năm 1972, tôi tình nguyện nhập ngũ và chính thức trở thành người lính khi mới bước sang tuổi 18 đúng 18 ngày.

Ngày lên đường vào Nam chiến đấu, mẹ tôi biết tin, tìm đến ga Thường Tín từ mờ sáng, tiễn tôi. Thương tôi còn quá trẻ, mẹ nén xúc động căn dặn và động viên tôi giữ gìn sức khỏe, cố gắng làm tròn nhiệm vụ, để ngày chiến thắng trở về đoàn tụ với gia đình.

Giờ tàu chạy, mọi người ùa vào sân ga, bộ đội nhoài ra cửa sổ các toa tàu, tay vẫy từ biệt với nỗi xúc động dâng trào, khó kìm nén. Bóng mẹ nhòa khuất xa dần… Hình ảnh mẹ khi ấy, in đậm trong tâm trí tôi suốt những năm tháng chiến đấu.

Chúng tôi vượt hàng ngàn km, phần lớn hành quân đêm, qua Trường Sơn Tây trên đất Lào, đến ngã ba Đông Dương qua Campuchia rồi tới chiến trường miền Tây Nam bộ. Nhớ lại khi qua sông Vàm Cỏ Đông, vượt “cánh đồng chó ngáp” ở khu vực Mỏ Vẹt-Ba Thu, giáp ranh giữa tỉnh Tây Ninh và tỉnh Svay Rieng của Campuchia. Đó là cánh đồng hoang rộng lớn, ngập nước phèn. Đêm tối như bưng, muỗi nhiều vô kể, chúng bay loạn xạ, va vào mặt như bị ném trấu. Cả Tiểu đoàn hành quân trên những đám bùng nhùng của cỏ cây lẫn bùn lầy dày cả mét, hễ sơ ý thụt chân xuống khó lên được. Nghiệt ngã hơn có chỗ không dám mặc quần vì phải lội nước, lông cỏ và dằm cây bám vào quần, cọ sát vào da ngứa rát rất khó chịu. 

Cuối cùng, chúng tôi về đến hậu cứ Trung đoàn 20, Quân khu 9. Chia tay mỗi người một nơi, nhớ lại bao đồng đội không có mặt. Vì có người đã nằm lại Trường Sơn do sốt rét ác tính, có người đã hy sinh do bom đạn địch. Gần nhất là trong trận pháo kích ở Tràm Dưỡng, gần kênh Nam Thái Sơn. 4 Tiểu đội trưởng, đồng đội tôi là: Vũ Hà-c91 bị mảnh đạn pháo vào bụng và ngực hy sinh trên võng; Dương Văn Sửa-c89 bị mảnh đạn xuyên qua đùi;  Nguyễn Hữu Sản-c92 bị mảnh pháo mất một bên má; a7 của Nguyễn Hữu Đặng bị một quả đạn pháo giữa đội hình, hầu hết  thương vong…

Tôi được bổ sung về Đại đội 3, Tiểu đoàn 4. Trận đánh đồn Kênh Mới huyện Gò Quao, Rạch Giá để lại bao kỷ niệm buồn vui. Tôi xung phong làm nhiệm vụ cắt rào. Đồn Kênh Mới án ngữ đường giao thông thuỷ trọng yếu khu vực Gò Quao-Vị Thanh. Đồn hình tứ giác, kiên cố, có 4 lớp rào thép gai bao quanh, mỗi cạnh đồn ước chừng vài chục mét, mỗi góc đồn có một lô cốt. Đêm mùng 5/12/1974, chúng tôi lặng lẽ rời nơi trú quân bằng xuồng ba lá. Tới điểm tập kết, vò nát lá khoai lang với nhọ nồi và mỡ lợn, rồi xoa lên mặt và đùi để nguỵ trang. Xong, cả đơn vị chia thành 3 mũi, bí mật tiền nhập áp sát đồn địch theo phương án chiến đấu. Tôi ở mũi chủ yếu, anh Kiểm, Trung đội phó làm mũi trưởng. Khi cách hàng rào thứ nhất của đồn địch khoảng 20m mọi người dừng lại. Anh Kiểm và tôi với kìm cộng lực trườn vào cắt rào (Phải cắt 3 lớp hàng rào thép gai, rồi cho nổ mìn ĐH10 phá lớp rào còn lại mở cửa cho cả mũi vào diệt địch). Đêm tĩnh lặng chỉ có tiếng muỗi và tiếng địch trong đồn vọng ra. 

Tôi dùng tay vạch cỏ, nắm được lớp hàng rào đầu tiên, cặp kìm vào từng sợi thép gai, anh Kiểm giữ chặt hai bên điểm cắt để không phát ra tiếng động. Dưới thấp nhìn lên thành đồn thấy bóng lính gác đi lại. Thỉnh thoảng chúng bắn pháo sáng để quan sát. Lúc đó, chúng tôi phải nằm im, úp mặt sát bùn. Cắt đến lớp rào thứ 3, anh Kiểm ra hiệu cho tôi dẫn cả mũi vào vị trí. Bỗng tiếng mìn bên mũi thứ yếu phát nổ trước giờ G, do bị địch phát hiện. Mũi chúng tôi không kịp điểm hỏa ĐH10, anh em đồng loạt bật dậy hô “Xung phong”, vừa bắn vừa ném thủ pháo, vượt lớp rào còn lại và con mương bao quanh xông vào đồn. Bọn địch bị bất ngờ nhưng cố chống trả, anh Kiểm và anh Tho xạ thủ B41 hy sinh. Một nháng chớp cùng tiếng nổ ngay trước mặt, trán phải tôi rát bừng. Cùng lúc, một tên lao vào giằng khẩu AK bị tôi bắn gục. Tôi vừa bắn găm vào các hầm bên thành đồn, vừa tiến về lô cốt nơi góc đồn. Gặp Trần Hữu Cường, thấy máu trên trán tôi, Cường nói “Hiệp bị thương rồi” và cùng bắn vào cửa lô cốt, hầm ngầm. Trong lô cốt qua ánh lửa cháy, khói bộc phá, thấy mấy xác địch dưới nền, tôi vớ được lọ nước hoa trong túi áo một tên địch đã chết lưng dựa vách hầm, xoa vội thay cồn vào vết thương tránh nhiễm trùng. Xong trận đánh tôi được đưa về điều trị tại Trạm Quân y e20 ở kênh Sáu Kim, huyện Gò Quao. Khi vào Trạm, bác sỹ hỏi: “Đồng chí quê đâu?” Tôi nói: “Tôi ở Hà Nội”. Anh thốt lên: “Trời, lính Hà Nội chịu chơi ghê, đánh nhau thế này mà nước hoa thơm nức!”.

Ra viện về đơn vị, tôi được làm xạ thủ B40 đánh chống càn tại Nha Si- Chùa Mới, huyện Giồng Riềng. Bằng 2 quả đạn B40, tôi tiêu diệt 2 tốp đi đầu 2 đợt tấn công của địch, có xe bọc thép M113, máy bay, pháo 105mm yểm trợ, làm chúng hoảng sợ lui quân, góp phần giữ vững chốt. Sau đó tôi cùng đơn vị đánh địch ở các huyện sát Cần Thơ. Trận vây đánh Chi đoàn xe bọc thép M113 bảo vệ sân bay dã chiến của địch tại Lộ Tẻ ngày 12/3/1975 khiến tôi day dứt mãi. Đêm 11/3 cả đội hình d4 chuẩn bị vượt kênh áp sát địch. Lúc giải lao, Nguyễn Hữu Đặng, xạ thủ B41 của c2 đến c3 cùng cuốn thuốc hút và trò chuyện với tôi vì đã lâu mới gặp. Đặng nói: “Hiệp à, khả năng trận này tao kỷ niệm năm mươi ký thịt của tao để bón lúa miền Tây”. Không ngờ hôm sau (12/3) điều đó đã xảy ra, khi Đặng vác súng B41 bò theo con lạch nhỏ cắt ngang đường trước đoàn xe, anh nhô lên bắn quả đạn B41 ở cự ly gần vào chiếc M113 đi đầu làm vênh khẩu 12,7mm trên xe, địch hoảng hồn bắn lại, Nguyễn Hữu Đặng anh dũng hy sinh.

 Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quyết chiến điểm của Trung đoàn 20 là sân bay Trà Nóc, Cần Thơ-Căn cứ của Sư đoàn Không quân số 4 của Ngụy. Cả đội hình e20 đánh địch trên đường hành tiến suốt từ huyện Gò Quao, Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang đến huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Ô Môn, rồi đánh chiếm và làm chủ sân bay Trà Nóc, Cần Thơ ngày 30/4/1975, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân!

Phút thảnh thơi bên khu trực thăng UH1 thu được của địch trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Vừa ra khỏi cuộc chiến tranh giải phóng, đơn vị tôi lại chiến đấu chống quân Pôn Pốt xâm lược, bảo vệ biên giới Tây Nam từ Bảy Núi, tỉnh An Giang đến Kiên Lương, Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Tôi lại bị thương trong trận chỉ huy Trung đội trinh sát d6, e20 tiến công, đánh chiếm và phá hủy 2 căn hầm kiên cố của quân Pôn Pốt ở Giang Thành-nơi giáp ranh giữa tỉnh Kiên Giang với tỉnh Ta Keo của Campuchia, bên bờ kênh Vĩnh Tế ngày 19/7/1977. Khi đi sau đội hình cảnh giới cho anh em đem vũ khí, chiến lợi phẩm thu của địch rút về trận địa, chúng bắn pháo, một mảnh xuyên qua chiếc mũ cối, vào bên trái đỉnh đầu tôi.

Được ra Bắc học Trường Sỹ quan Chính trị. Ra trường, tôi được điều về Sư đoàn Bộ binh 301, Quân khu Thủ đô. Năm 1984, mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang nóng bỏng, Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô điều Trung đoàn Công binh 544 lên xây dựng trận địa giúp các đơn vị Quân khu 2. Năm 1985, Sư đoàn điều Tiểu đoàn Công binh 17; Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 6 thuộc Trung đoàn 692 lên phối thuộc vào Sư đoàn 314, Quân khu 2. Tôi là phái viên của Phòng Chính trị Sư đoàn đi cùng thực hiện nhiệm vụ làm đường cơ động, vận chuyển vũ khí cho các đơn vị chiến đấu tại các cao điểm 101, 1030, 1059 khu vực Minh Tân, Vị Xuyên. Những trận pháo địch thường xuyên từ bên kia biên giới bắn sang đất ta, giết hại dân thường từ Vị Xuyên đến thị xã Hà Giang, nhất là dịp sát Tết Bính Dần 1986. Có ngày, chúng bắn không ngừng suốt từ 4 giờ sáng đến 16 giờ chiều, băm nát đoạn đường từ làng Nghệ qua trận địa pháo của Sư đoàn 314 ở dốc Ba Khoanh đến làng Binh, làm cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 6 phải vất vả nhiều đêm hàn gắn. Nhưng việc đó đã góp phần vào những trận thắng oanh liệt của các đơn vị chiến đấu, trừng trị quân xâm lược, giành lại từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

 Năm 1995, Trung đoàn Bộ binh 59 được khôi phục. Từ Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn Bộ binh 301, tôi được bổ nhiệm làm Phó Trung đoàn trưởng chính trị Trung đoàn 59. Đây là đơn vị tôi nhập ngũ năm 1972.

Thật thú vị, sau bao năm phiêu bạt, tôi lại được trở về Hà Nội, nơi sinh ra, lớn lên và bước vào cuộc đời binh nghiệp. Có dịp gặp lại đồng đội cũ, người còn, người mất. Có người thành đạt, từng giữ cương vị quan trọng trong các bộ, ngành nhưng có người cuộc sống còn khó khăn, với thương tật, bệnh tật do chiến tranh gây ra. Tuy điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nhưng họ vẫn luôn vượt lên số phận, sống vì mọi người và không quên đồng đội, nhất là những người đã hy sinh.

Với những trải nghiệm trong thời gian ngắn, qua 3 cuộc chiến tranh, cùng những kỷ niệm khó quên của đời quân ngũ, tôi luôn cảm phục những người lính Thủ đô cả trong thời chiến và trong thời bình, cả khi tại ngũ cũng như khi về với đời thường. Bất kỳ ở đâu, nhiệm vụ nào cũng dễ nhận ra họ bởi tư chất văn hóa, sự tài hoa, vô tư và cao thượng. Luôn biết vượt qua những thăng trầm của số phận và truyền được cảm hứng, niềm vui, hạnh phúc cho mọi người. Vì thế tôi luôn tự hào đã từng là người lính của Lực lượng vũ trang Thủ đô!

Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2021.

Phạm Quang Hiệp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ