A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không-Ký ức còn mãi với thời gian”

“Trong 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100 ngàn tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc nước ta. Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 441 lần chiếc B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... ”. 

 

QPTĐ-Trong những ngày cả Hà Nội đã, đang chuẩn bị và oằn mình đối mặt với bom đạn ấy, có cô bé chào đời. 30 năm sau, bằng một cái duyên nào đó, cô ấy lại công tác tại Bảo tàng Chiến thắng B-52. Đó chính là những ký ức không bao giờ quên của tôi-Trịnh Thị Khuyến Lương, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng B-52.

Trong 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100 ngàn tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc nước ta. Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 441 lần chiếc B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... Chúng đã huỷ diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác, hủy diệt phố Khâm Thiên- khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội”. Trong những ngày cả Hà Nội đã, đang chuẩn bị và oằn mình đối mặt với bom đạn ấy, có cô bé chào đời. 30 năm sau, bằng một cái duyên nào đó, cô ấy lại công tác tại Bảo tàng Chiến thắng B-52. Đó chính là những ký ức không bao giờ quên của tôi-Trịnh Thị Khuyến Lương, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng B-52.

Những tháng cuối năm 1972, đơn vị bố mẹ tôi khi ấy đang đóng quân tại làng Thạch Quả, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ngày 20-11-1972, hôm ấy, mẹ chuyển dạ. Khi xe cấp cứu của đơn vị đưa mẹ sang bệnh viện Quân y 108, đến cầu Long Biên, mọi người mới biết, đây là tọa độ bắn phá ác liệt của máy bay Mỹ nên cấm toàn bộ các phương tiện qua cầu. Không còn cách nào, xe đành vòng xuống con đường duy nhất là phà Khuyến Lương. Cũng tại đây, tôi đã được sinh ra. Để đánh dấu kỷ niệm không bao giờ quên đó, bố mẹ đã đặt tôi là “Khuyến Lương”.

Thượng tá QNCN Trịnh Thị Khuyến Lương (khi đó là Trung tá QNCN) giới thiệu với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 
về lịch sử truyền thống của LLVT Thủ đô khi Tổng Bí thư thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
 

Thời gian thấm thoát thoi đưa, 30 năm sau, khi đất nước kỷ niệm tròn 30 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, tôi khi ấy tròn 30 tuổi cũng đã là một quân nhân và thật may mắn đã được công tác tại Bảo tàng Chiến thắng B-52, Quân khu Thủ đô. Gắn bó với Bảo tàng có 1 không 2 trên thế giới, tôi không chỉ có dịp tìm hiểu, lưu giữ những dấu tích, tài liệu, hiện vật quý của những ngày tháng đau thương, mất mát nhưng oai hùng của Thủ đô mà còn được tiếp xúc với nhân chứng lịch sử của khu phố Khâm Thiên, Uy Nỗ, An Dương; những nhân chứng trực tiếp cùng quân và dân Hà Nội chiến đấu ngoan cường trên chiến trường. Qua lời kể của bố mẹ, của những nhân chứng lịch sử và “nhân chứng”-hiện vật sừng sững tại Bảo tàng, tôi cảm nhận sâu sắc hơn những tổn thất mà người dân vô tội Thủ đô yêu dấu của tôi phải hứng chịu, nhưng vượt lên tất cả, quân và dân Thủ đô đã viết nên một trường ca bất hủ-tạo nên bản hùng ca vĩ đại trong thế kỷ 20, đó là, ta đã bắn rơi 34 chiếc máy bay B-52. Loại máy bay mà tới thời điểm bấy giờ chỉ có Việt Nam là nước duy nhất vô hiệu hóa được chúng. 

Chính tướng Gioóc Ếttơ, Phó chỉ huy không quân chiến lược Mỹ, ngày 30/12/1972 từng  thú nhận trên tạp chí US.Air Forces (Không lực Hoa kỳ): “Tổn thất về máy bay chiến lược B-52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm góc”. Hay trong hồi ký của mình, Richard Nixon viết: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B-52 quá nặng nề”.

Bản hùng ca ấy mãi đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta như những “Chi Lăng”, “Hàm Tử”, “Đống Đa”, trở thành biểu tượng của ý chí, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Và với riêng tôi, một cô bé sinh ra trong những tháng năm bom đạn đó, rồi sau đó như một cơ duyên-công tác tại chính nơi đánh dấu sự “sụp đổ” âm mưu thâm độc của kẻ thù-“đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá” bằng cuộc tập kích bằng đường không chiến lược cuối tháng 12-1972, tôi lại càng trân quý và yêu hơn bao giờ hết nơi mình đang được công tác và gắn bó.

Nhân vật nói chuyện chuyên đề tại các trường Tiểu học địa bàn Thủ đô.
 
Nói chuyện chuyên đề với học sinh trường Tiểu học Tràng An, quận Hoàn Kiếm.

50 năm đã trôi qua, cũng nhân dịp này, quân và dân Thủ đô Hà Nội lại xúc động và tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Trong không khí ấy, chúng tôi, những người làm công tác tại Bảo tàng Chiến thắng B-52 lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực: Triển lãm lưu động, Triển lãm Chuyên đề, Khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Chiến thắng B-52... Điều đáng nói, thông qua những hoạt động đó, các em-thế hệ tương lai của đất nước rất hào hứng với việc tiếp thu những kiến thức lịch sử qua hiện vật; rồi có những bác lớn tuổi đứng rất lâu, rưng rưng ngắm nhìn hiện vật vì ở đó có những câu chuyện về người thân của họ nơi chiến trường và rất nhiều, rất nhiều...

Góc làm việc quen thuộc của Thượng tá QNCN Trịnh Thị Khuyến Lương.

Năm tháng sẽ qua đi nhưng những dấu tích lịch sử, “thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, của thế trận phòng không nhân dân; chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân tộc Việt Nam; ý chí, quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” thì mãi còn đó. Và tôi-người sinh ra trong năm tháng ấy- mãi không quên.

Trịnh Thị Khuyến Lương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ