A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vệ tinh của Việt Nam và ước mơ vũ trụ

 

QPTĐ-Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, vệ tinh NanoDragon của Việt Nam sẽ phóng lên quỹ đạo vào tháng 9/2021. Vệ tinh NanoDragon có khối lượng 4kg, dạng siêu nhỏ sẽ được gửi sang Học viện Công nghệ Kyushu, Nhật Bản để thử nghiệm rung động, sốc và nhiệt chân không, đây là bước cuối cùng trong việc phát triển phần cứng vệ tinh. Như vậy, Việt Nam đã phát triển thành công vệ tinh MicroDragon, phóng lên quĩ đạo năm 2019 và tới nay là vệ tinh NanoDragon, với quyết tâm phát triển ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Việt Nam.

Các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang lắp ráp, tích hợp vệ tinh MicroDragon. (Ảnh: Internet)

Từ vệ tinh MicroDragon đến NanoDragon

Ngày 18/1/2019, vệ tinh MicroDragon của Việt Nam đã được phóng lên vũ trụ, tách thành công khỏi tên lửa Epsilon số 4 của Nhật Bản, đi vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc trong không gian, đánh dấu việc Việt Nam có thể làm chủ chế tạo vệ tinh siêu nhỏ 50kg.

MicroDragon có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi, các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Vệ tinh này cũng sẽ phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của không khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển, thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên trái đất.

Vệ tinh NanoDragon được thiết kế, chế tạo hoàn toàn bởi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Cơ quan Nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản thông báo lựa chọn NanoDragon là 1 trong 15 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo vào năm 2021, theo chương trình chùm vệ tinh thử nghiệm công nghệ lần 2 của Nhật Bản. NanoDragon cũng đang trong khuôn khổ hợp tác với một công ty Nhật Bản để thử nghiệm máy tính điều khiển trung tâm trên quỹ đạo.

Vệ tinh NanoDragon là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc “Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020”. Việc phát triển vệ tinh NanoDragon tại Việt Nam là để hướng tới mục tiêu làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất. Quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam, bởi các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Ngoài ra, toàn bộ cấu trúc cơ khí và mạch phân phối nguồn của vệ tinh cũng được tự chế tạo tại Việt Nam. 

Nhiệm vụ của vệ tinh NanoDragon dự kiến sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO) ở độ cao khoảng 520km. Ngoài ra, vệ tinh còn tích hợp một bộ thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System-AIS) sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển; nhiệm vụ tiếp theo sử dụng một thiết bị chụp ảnh quang học để xác thực chất lượng bộ điều khiển tư thế vệ tinh khi hoạt động trên quỹ đạo.

 Kỳ vọng tương lai ngành hàng không-vũ trụ Việt Nam

Kế hoạch phát triển vệ tinh “Made in Vietnam” của TTVTQG đến 2022 

Hướng nghiên cứu của Việt Nam tới đây là phải tự phát triển vệ tinh có khối lượng đến 180kg với việc làm chủ các khâu từ thiết kế, chế tạo, lắp ráp đến tích hợp và thử nghiệm.

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang tập trung xây dựng cơ sở vật chất phục vụ lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh. Việc tiến tới từng bước làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh sẽ giúp Việt Nam giảm bớt phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, đảm bảo an toàn, bảo mật và tăng cường các dịch vụ và dữ liệu vệ tinh có khả năng tùy biến theo yêu cầu, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội cũng như an ninh-quốc phòng. Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn cho biết, ở Việt Nam, việc làm chủ công nghệ vệ tinh có ý nghĩa thực tiễn quan trọng bởi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, cần có thông tin từ ảnh vệ tinh.

Hàng năm, Việt Nam đối mặt với nhiều thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất. Ước tính thiên tai có thể gây thiệt hại 1,5% GDP, tương đương khoảng 3,2 tỷ USD mỗi năm. Làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, vận hành vệ tinh sẽ giúp Việt Nam chủ động nguồn ảnh, không phụ thuộc vào nước ngoài.

Vệ tinh nhỏ có các ứng dụng như vệ tinh lớn cùng loại. Vệ tinh nhỏ quan sát trái đất với độ phân giải trung bình (32m), có thể dùng để theo dõi sự biến động về tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai. Vệ tinh nhỏ cũng có thể giải quyết nhu cầu viễn thông, truyền hình như vệ tinh lớn cho các nước có nhu cầu sử dụng vệ tinh chưa nhiều. Nếu Việt Nam chế tạo vệ tinh nhỏ giá chỉ khoảng 10-25 triệu USD, nhưng quan trọng nhất là chúng ta có thể nắm được công nghệ chế tạo vệ tinh.

Chủ tịch Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam (VASA) nhiệm kỳ 2020-2025, Tiến sĩ Phạm Ngọc Lãng cho biết, mục tiêu chính của VASA là “Đổi mới phương pháp tập hợp lực lượng trí thức Ngành Khoa học Hàng không-Vũ trụ Việt Nam”. Việt Nam đang có một lực lượng hùng hậu các kỹ thuật viên, chuyên gia và các nhà khoa học đã được đào tạo trong lĩnh vực này. Các con số cụ thể chưa được thống kê chính xác nhưng kể từ khoảng năm 2000 trở lại đây, số sinh viên Việt Nam du học tại các nước phát triển lên tới vài trăm ngàn người, với nhiều chuyên ngành đóng vai trò quan trọng với lĩnh vực Hàng không-Vũ trụ như kỹ thuật hàng không, khoa học không gian, điện tử viễn thông, tự động hóa, thiên văn, vật lý, toán học… Vì vậy, VASA muốn “tập hợp lực lượng trí thức Ngành Khoa học Hàng không-Vũ trụ Việt Nam”, trong đó có các thầy cô, sinh viên đam mê Ngành Khoa học Hàng không-Vũ trụ để xây dựng các chính sách hỗ trợ sinh viên, giúp hiểu rõ lợi ích từ ngành học cũng như khuyến khích sinh viên trở thành hội viên của VASA. Điều này sẽ được VASA thực hiện với nhiều trường đại học trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ