A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm cho nhân dân đón Tết an toàn

 

QPTĐ-Ngày 2-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2021. Đây là phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của năm 2021, diễn ra trong bối cảnh Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa thành công rất tốt đẹp và chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe báo cáo và thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 1-2021; kịch bản, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021; kết quả thực hiện chương trình hành động về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tình hình, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh phát hiện nhiều ca lây nhiễm virus biến thể mới ở một số địa phương.

Hà Nội mở rộng xét nghiệm đến F2 và người dân trong các khu vực bị phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: Internet)

Kinh tế khôi phục tích cực

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tháng 1-2021, nền kinh tế nước ta tiếp tục có dấu hiệu phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng tới 22,2% so với tháng 1-2020, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 27,2%. Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng tăng, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng nhằm kích cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 479,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước và tăng ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động. Trong tháng 1-2021, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung của các doanh nghiệp tăng 10,5% so với tháng 1-2020; số doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 10.100 doanh nghiệp, tăng 21,9% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, nhiều chỉ số khác cũng cho thấy dấu hiệu tốt lên của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1-2021 ước đạt 53,9 tỷ USD, tăng 45,2% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, tăng 46,7%; nhập khẩu hàng hóa đạt 26,9 tỷ USD, tăng 43,7%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu khoảng 100 triệu USD.

Quyết liệt phòng chống dịch Covid-19

Phát biểu chỉ đạo về phương hướng trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 4 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện. Trước hết, tập trung quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội để xây dựng, sớm trình ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, đồng thời hoàn thiện, trình Quốc hội phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và các vấn đề liên quan. 

Nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo là tiếp tục quyết liệt phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, không được chủ quan, lơ là nhưng cũng không được hoang mang; triển khai các biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, đi trước thời gian với tinh thần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép.

Nhấn mạnh việc sớm đưa vắc xin tới người dân ngay trong quý I/2021 phù hợp với điều kiện của Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải tập trung chỉ đạo, chủ động quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và chịu trách nhiệm về công tác này trên địa bàn; thực hiện nghiêm, đầy đủ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng theo "Thông điệp 5K" của Bộ Y tế. Đồng thời, ngành y tế cần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu phát triển và thử nghiệm vắc xin cũng như có kế hoạch nhập khẩu vắc xin để phục vụ tiêm chủng trên diện rộng.
Cùng với phòng, chống dịch bệnh, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ lịch sử ở miền Trung, Tây Nguyên và rét đậm, rét hại ở miền núi phía Bắc vừa qua, bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân, không để người dân thiếu đói, không có nhà ở, bảo đảm mọi gia đình đều vui Xuân, đón Tết.

Hỗ trợ doanh nghiệp, chăm lo Tết cho nhân dân

Về phát triển kinh tế, Thủ tướng chỉ đạo tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm, thường xuyên đôn đốc triển khai các dự án, công trình quan trọng. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, tạo chuyển biến thực chất hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng.

Nhấn mạnh việc thúc đẩy 3 không gian kinh tế: Kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện kịch bản, các giải pháp và thường xuyên kiểm điểm, đánh giá thực hiện; trong đó lưu ý mục tiêu nhất quán là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thủ tướng lưu ý, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ thứ 2 dành cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Về bảo đảm Tết Nguyên đán Tân Sửu cho nhân dân, Thủ tướng lưu ý công tác bố trí cán bộ, nhân viên thực hiện nghiêm chế độ trực Tết và thông tin báo cáo. “Tôi đề nghị các đồng chí trên tinh thần là phải lo chu đáo Tết cho người dân; không để ai không có Tết, đặc biệt là đối tượng chính sách, người nghèo, vùng thiên tai, vùng sâu, vùng bị phong tỏa do có dịch; phải bảo đảm mọi gia đình đều có Tết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Sau Tết, phải bắt tay vào công việc ngay, “không để tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức; không dùng ngân sách Nhà nước, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi. Tất cả các địa phương, doanh nghiệp phải có kế hoạch cụ thể để đưa người lao động trở lại làm việc kịp thời sau Tết, không để ảnh hưởng tới sản xuất, hoạt động kinh doanh.

P.Linh 
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ