A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung 152 điều; bổ sung mới 37 điều và bãi bỏ 8 điều

QPTĐ-Sáng 17-8-2022, tại buổi Giao ban báo chí Trung ương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã báo cáo những nội dung mới trong Dự án Luật Đất đai sửa đổi. Dự kiến, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Theo đó, so với Luật Đất đai hiện hành, Dự thảo sửa đổi, bổ sung 152 điều; bổ sung mới 37 điều và bãi bỏ 8 điều. Theo đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW khóa XI và thi hành Luật Đất đai cũng đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc. Từ đó, phải tăng cường quản lý đất đai về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, hoàn thiện các chế định thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh. Đồng thời, thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai. Phát huy dân chủ, tăng cường giám sát, khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí. Giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ đã tham vấn các chuyên gia, chính sách trong và ngoài nước để đưa ra được Dự thảo và có được các ý kiến ủng hộ, đóng góp cụ thể, xác thực. Tuy nhiên, vẫn còn có các vấn đề chồng chéo, giao thoa giữa những chính sách pháp luật hiện hành, do đó mong muốn lãnh đạo 2 Bộ cùng làm rõ và đưa ra được những ý kiến cụ thể giải quyết những vướng mắc.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung 152 điều; bổ sung mới 37 điều và bãi bỏ 8 điều.
 

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì soạn thảo) xây dựng trên tinh thần thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai; tổng kết Luật Đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ rõ, mục tiêu sửa đổi Luật là nhằm tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trên thực tiễn để phát huy hơn nữa nguồn lực đất đai và giải quyết các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các Luật Đất đai và các luật có liên quan… Đồng thời, mong muốn được nghe ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp để trả lời thật tốt các câu hỏi: Làm thế nào để giá đất sát giá thị trường, làm sao để chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế vẫn đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước-người dân-doanh nghiệp.

Những khu đất chưa phát huy được giá trị kinh tế.
 

Tại buổi Giao ban báo chí, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, Dự thảo Luật Đất đai là nội dung quan trọng, do đó cùng với tuyên truyền, các cơ quan thông tấn, báo chí còn phải phản biện tích cực, mang tính xây dựng; tổ chức các tuyến bài dài hơi, qua đó tạo sự đồng thuận và huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, mọi người dân, để Luật đi vào cuộc sống, thực sự có giá trị...

Hiền Mĩ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ