A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường năng lực phòng chống tham nhũng

 

QPTĐ-Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Quy định số 67 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “PCTN, TC” tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Ban Chỉ đạo (BCĐ) cấp tỉnh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương thành lập, chịu trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy. Phó Trưởng ban Thường trực là Trưởng ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy. 

Quy định cũng nêu rõ chức năng, quyền hạn của BCĐ cấp tỉnh, thành phố như có quyền yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh uỷ, Thành ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền của địa phương báo cáo công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC); việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Yêu cầu các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của địa phương kết luận, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực cùng một số chức năng, quyền hạn khác.  

Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, đề án thành lập BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có sự kế thừa kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 và xuất phát từ những yêu cầu đặt ra đối với công tác PCTN, TC trong tình hình mới. Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tiếp thu, hoàn thiện đề án. Theo Tổng Bí thư, tuy chưa chính thức có chủ trương chung nhưng đến nay đã có 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập BCĐ để tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác này gồm: Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng, An Giang và Khánh Hòa, đặc biệt là  đã có tất cả 63/63 Tỉnh ủy, Thành ủy nhất trí với chủ trương thành lập BCĐ cấp tỉnh về PCTN, TC.

Dư luận trong nước những ngày qua đều khẳng định tính tất yếu của việc thành lập BCĐ cấp tỉnh, thành phố về PCTN, TC.  Tham nhũng, tiêu cực đang rất phức tạp, nghiêm trọng. Cả nhiệm kỳ khóa XII công tác PCTN, TC diễn ra rất quyết liệt, nhưng vẫn xảy ra vụ kit test Việt Á; vụ nhận hối lộ ở Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao. Riêng Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương, 112 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý-tăng gấp 10 lần so với nhiệm kỳ trước đó. Vì vậy, Trung ương có “đánh mạnh”, nhưng ở dưới vẫn “bình chân” theo kiểu “trên nóng, dưới lạnh”, thì công tác PCTN, TC vẫn kém hiệu quả. Do đó, việc hình thành hệ thống BCĐ cấp tỉnh sẽ tạo khí thế “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” trong công tác PCTN, TC. 

Cấu trúc quyền lực của Đảng ta là phân cấp rất mạnh cho địa phương. Tham nhũng ở địa phương vừa là nguy cơ vừa là thực tiễn rất phức tạp. Từ kinh nghiệm của Trung ương cho thấy cần tổ chức BCĐ cấp tỉnh để hình thành cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo xác lập ưu tiên rõ ràng với nhiệm vụ PCTN, TC. Lập Ban chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh chính là “chống tham nhũng phải không ngừng, không nghỉ”.  Qua đó hình thành cơ chế để PCTN, TC ở địa phương trở thành phong trào rộng khắp. 

Hữu Văn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ